Việc soạn thảo luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu từ ba năm trước khi trình Quốc hội kỳ họp này xem xét. Mặc dù tổ soạn thảo đã làm việc công phu và nghiêm túc, còn khá nhiều nội dung cơ bản cần tiếp tục suy xét, cân nhắc bởi cả hai dự thảo đều chưa thể chế hoá đúng tinh thần thông báo 191-TB/TW ngày 1.9.2005 của Bộ Chính trị về mục tiêu, giải pháp phát triển ngành ngân hàng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 về mục tiêu, giải pháp, địa vị pháp lý của NHNN cũng như không dựa trên cơ sở định hướng tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10.
Chưa rõ ra một “ngân hàng Trung ương hiện đại”
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 (từ ngày 18 – 25.4.2006) xác định rõ: “Sửa đổi luật NHNN theo hướng nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Cải cách hệ thống thanh tra giám sát hoạt động của các TCTD và toàn bộ thị trường tiền tệ”. Trước đó, thông báo số 191 của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 1.9.2005 về mục tiêu giải pháp ngành ngân hàng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ ra “Tổ chức lại NHNN với cơ cấu và tính chất hoạt động như một ngân hàng Trung ương hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng sức mua của đồng tiền Việt Nam”.
Mặc dù chưa có một văn bản nào mang tính chính thức của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam định nghĩa hay nêu ra các nội hàm của khái niệm ngân hàng Trung ương hiện đại, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, có thể hiểu rằng ngân hàng Trung ương có sự độc lập trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách tiền tệ quốc gia nhằm duy trì mục tiêu ổn định giá cả, kềm chế lạm phát. Sự độc lập này có được trên cơ sở quy định về mô hình của ngân hàng Trung ương không chịu sự chi phối của người đứng đầu hành pháp. Đồng thời cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phải độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức của ngân hàng Trung ương.
Đối chiếu với dự thảo luật NHNN và các định hướng, quan điểm nêu trên, thì dự thảo luật vẫn giữ nguyên như luật hiện hành, chưa có gì thay đổi. Theo điều 2 của dự thảo luật NHNN: “NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thực hiện chức năng ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các TCTD và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ”. Ở đây, điểm thay đổi duy nhất so với luật hiện hành là có xác định rõ hơn là NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ.
Chưa giải quyết bộ máy cồng kềnh
Một điểm quan trọng khác mà dự thảo luật NHNN đáng lý phải tiếp cận, nhưng lại bị bỏ qua, đó là cải cách hành chính bộ máy. Xin được trích dẫn thông báo 191 của Ban chấp hành Trung ương Đảng: “Phát triển NHNN theo hướng thực sự là ngân hàng Trung ương với cơ cấu tinh gọn, hiệu quả và từng bước hình thành chi nhánh ngân hàng khu vực”.
Nhiệm vụ cơ cấu lại chi nhánh NHNN theo hướng tập trung, không áp dụng một cơ cấu, chức năng đồng nhất cho mọi chi nhánh NHNN tại các địa phương đã được đặt ra từ lâu, song vẫn chưa được thực hiện. Cho đến nay, bộ máy công chức của NHNN thuộc dạng cồng kềnh nhất trong các bộ, ngành. Theo chính thống kê của NHNN, hiện NHNN có tổng số 5.361 nhân viên, trong đó ở Trung ương là 2.011 người và địa phương 3.350 người. Tốc độ tăng trưởng lao động bình quân của NHNN khoảng 10 – 15%. Với tốc độ này, sau năm năm nữa, con số nhân viên của NHNN có thể không dưới 7.000 – 8.000 người.
Một sự so sánh để thấy bộ máy nhân sự của NHNN lớn đến mức nào: văn phòng bộ Giao thông vận tải hiện có hơn 300 viên chức. Tính ra viên chức của NHNN ở Trung ương gấp bảy lần viên chức của văn phòng bộ Giao thông vận tải!
Trên thực tế, quy định của dự thảo luật NHNN về đại diện chủ sở hữu tại các TCTD có vốn nhà nước là phù hợp với luật Tổ chức Chính phủ hiện hành. Tuy nhiên ngân hàng là lĩnh vực đặc biệt, và NHNN có vị trí khác biệt, thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, nên việc “ôm” quá nhiều chức năng, nhất là các chức năng này có thể xung đột lợi ích với nhau, rất cần được tính toán và xem xét kỹ lưỡng lại. |
Có nên ôm vốn nhà nước?
Cho đến nay, theo các quy định về cổ phần hoá, phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp quốc doanh đã chuyển thành công ty cổ phần do tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Nếu công ty con của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, thì công ty mẹ mới quản lý phần vốn nhà nước còn lại ở công ty con.
Hơn nữa, thông báo 191 khẳng định: “Xóa bỏ cơ chế chủ quản của NHNN đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh theo tinh thần nghị quyết TW 3, khoá 9”. Còn quyết định 112/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24.5.2006 về đề án phát triển ngành ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nhấn mạnh: “Xoá bỏ cơ chế đại diện chủ sở hữu của NHNN đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (trang 9)”.
Tuy nhiên, hai dự thảo luật ngân hàng lại không phản ánh đúng định hướng các văn kiện nói trên. Khoản 10, điều 4 dự thảo luật NHNN ghi: “(về nhiệm vụ quyền hạn của NHNN) Thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại tổ chức bảo hiểm tiền gửi, doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước theo quy định pháp luật”. Với vai trò chủ sở hữu, NHNN có nhiều thẩm quyền với ngân hàng quốc doanh (sẽ chuyển đổi thành ngân hàng thương mại TNHH một thành viên nếu chưa cổ phần hoá), và thông qua đại diện theo uỷ quyền là Hội đồng thành viên sẽ can thiệp trực tiếp và quyết định mọi vấn đề quan trọng của ngân hàng quốc doanh. Việc phát hành tăng vốn của ngân hàng Vietcombank gần đây là một ví dụ. Mặc dù trước đó đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, đã được SCIC chấp thuận, nhưng phải đợi đến khi NHNN đồng ý, Vietcombank mới được phép phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Vietcombank đã chờ sự chấp thuận đó của NHNN tới…chín tháng!
Trên thực tế, quy định của dự thảo luật NHNN về đại diện chủ sở hữu tại các TCTD có vốn nhà nước là phù hợp với luật Tổ chức Chính phủ hiện hành. Tuy nhiên ngân hàng là lĩnh vực đặc biệt, và NHNN có vị trí khác biệt, thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, nên việc “ôm” quá nhiều chức năng, nhất là các chức năng này có thể xung đột lợi ích với nhau, rất cần được tính toán và xem xét kỹ lưỡng lại.
Rõ ràng, hai dự thảo luật ngân hàng cần có thêm thời gian để đánh giá thực tế, cân nhắc nhiều chiều, lắng nghe phản hồi của giới chuyên gia, nhà kinh tế, của những người làm “nghề ngân hàng” và công luận. Luật có thể thông qua muộn hơn, nhưng đổi lại nó đi vào cuộc sống trơn tru vì luật đã nhắm trúng mục tiêu.
( Theo Hồng Minh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com