Hành vi trục lợi bảo biểm có tính chất tinh vi, phức tạp, gây khó khăn trong việc xác định, đánh giá, làm thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm khi thực hiện trách nhiệm bồi thường. Gần đây tình trạng trục lợi gia tăng có dấu hiệu của sự câu kết, liên minh, đòi hỏi cần có giải pháp chủ động phòng ngừa.
Nỗi lo của doanh nghiệp
Tổng công ty cổ phần Bảo Minh có hơn 80% vốn cổ phần thuộc sở hữu nhà nước, kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm, tái bảo hiểm phi nhân thọ và đầu tư tài chính. Trước tình trạng ngày càng có nhiều vụ việc trục lợi bảo hiểm, nhất là trong công tác bồi thường tai nạn xe cơ giới, tổng công ty đã phải thay đổi tổ chức, cách thức điều tra, xác minh, thẩm định, phân quyền và thủ tục tiến hành bồi thường. Tháng 11-2008, Tổng công ty thành lập Ban bồi thường trực thuộc lãnh đạo tổng công ty. Giám đốc ban bồi thường Nguyễn Thị Loan cho biết, có nhiều hành vi trục lợi bảo hiểm nên phải thành lập Ban bồi thường chuyên trách xác minh những trường hợp có biểu hiện rõ giả mạo, sai lệch nhằm trục lợi, kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian lận, chấn chỉnh công tác bồi thường, xây dựng, thực hiện các giải pháp, quy trình phòng ngừa. Tổng công ty rất lo ngại, ngoài mục đích, động cơ, thủ đoạn khôn khéo của người thực hiện trục lợi còn có sự tham gia, tư vấn, hướng dẫn, bảo vệ, đồng tình của nhân viên, đại lý thuộc nội bộ, cũng như của cá nhân trong những cơ quan liên quan về mặt pháp lý, tư pháp, nhằm cùng hưởng lợi từ hành vi trục lợi.
Theo Ban bồi thường, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 11-2008 đến tháng 3-2009, đã có 16 hồ sơ có dấu hiệu giả mạo, sai lệch, liên quan đến trách nhiệm bồi thường mà các cán bộ, nhân viên của ban phải tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước như: Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bình Ðịnh, Ðác Nông... Với nhiều cố gắng, nỗ lực, Ban bồi thường đã điều tra, xác minh làm rõ nhiều vụ việc tai nạn xe cơ giới có hành vi giả mạo, làm sai lệch hồ sơ, hiện trường, do đó đã từ chối hoặc điều chỉnh giảm nghĩa vụ bồi thường như đối với các vụ tai nạn của các xe ô-tô biển kiểm soát: 54V-6797; 16H-3132; 77H-8374. Ngoài ra có nhiều vụ liên quan trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, đại lý bảo hiểm có dấu hiệu tùy tiện, vi phạm nguyên tắc, câu kết với khách hàng, các bên liên quan, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, làm thiệt hại lợi ích, tài sản, ảnh hưởng uy tín của tổng công ty. Ðặc biệt có những vụ việc phức tạp có sự tham gia giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về tình trạng tai nạn của ô-tô, chứng minh nội dung địa điểm, thời gian xảy ra tai nạn như trong hồ sơ là không đúng thực tế, nhưng vẫn không được khách hàng chấp nhận. Ðiều đáng nói là việc lập hồ sơ, bảo vệ tính chính xác của hồ sơ lại do chính cán bộ, nhân viên của tổng công ty (chi nhánh) trực tiếp bán bảo hiểm thực hiện. Vụ việc về trách nhiệm bồi thường tai nạn này (ô-tô biển kiểm soát 29Z-8337) phải đưa ra giải quyết theo trình tự Tòa án kinh tế, nhưng rất khó để đi đến hồi kết.
Thực tế có rất nhiều cách thức thực hiện hành vi trục lợi bảo hiểm, nhưng bước đầu tổng hợp thấy có những hình thức như: Người được bảo hiểm kê giá đối tượng bảo hiểm cao hơn thực tế nhiều lần để mua bảo hiểm, sau đó thu xếp xảy ra tai nạn, tổn thất để hưởng bồi thường; Mua bảo hiểm sau khi tai nạn đã xảy ra, và đề nghị ghi lùi ngày có hiệu lực phù hợp để được bồi thường, hoặc khai báo xảy ra tai nạn sau ngày mua bảo hiểm một thời gian nhất định; Tổn thất xảy ra không thuộc trách nhiệm bảo hiểm, nhưng khách hàng khai báo không trung thực để hợp thức được hưởng bảo hiểm, bồi thường, hoặc dàn xếp, tìm cách móc nối, câu kết xác nhận chuyển thành rủi ro thuộc trách nhiệm bảo hiểm; Tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm, nhưng khách hàng "thương lượng" kê tổn thất cao hơn nhiều so với thực tế để cùng trục lợi; Có tài sản bảo hiểm bị tai nạn nhưng không tổn thất, nên tạo ra tổn thất giả để nhận tiền bồi thường; Mua bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để nhận tiền bồi thường nhiều lần...
Phòng ngừa bằng cách nào?
Việc trục lợi bảo hiểm gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu môi trường kinh doanh. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có quy trình làm việc của doanh nghiệp bảo hiểm chưa chặt chẽ, mặt khác chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả việc tuân thủ. Chạy theo cạnh tranh, doanh thu có phần buông lỏng quản lý, hạ thấp điều kiện, bỏ qua nguyên tắc. Các biện pháp quản lý rủi ro, phòng ngừa trục lợi chưa hữu hiệu; có chỗ còn phụ thuộc vào đạo đức của đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo hiểm. Ðối tượng trục lợi thường tìm kiếm phương thức mới tinh vi, gây khó khăn cho công tác ngăn chặn. Một số cán bộ, nhân viên bảo hiểm không gắn bó với doanh nghiệp sẵn sàng ngã giá để tham gia các vụ gian lận, hoặc bày cách, tiếp tay cho mưu đồ gian lận. Những vụ việc gian dối bị phát hiện thiếu sự hợp tác, giúp đỡ của nhân chứng, vì lo sợ bị trả thù. Hình phạt của pháp luật đối với hành vi trục lợi bảo hiểm chưa nghiêm...
Ðể khắc phục, nâng cao khả năng phòng ngừa trục lợi bảo hiểm, cần thực hiện giải pháp đồng bộ. Trước hết cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, mua bảo hiểm, cần có chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh có giá trị răn đe, ngăn chặn, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm gây hậu quả lớn về tài sản, đạo đức, nhân cách, làm giảm sút lòng tin đối với cán bộ, công chức, tổ chức, cơ quan nhà nước. Có cơ chế bảo vệ, động viên nhân chứng hợp tác, giúp đỡ công việc điều tra, xác minh liên quan đến bảo hiểm, bồi thường. Hai là, doanh nghiệp bảo hiểm phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, ban hành quy trình làm việc chặt chẽ, thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát nhanh nhạy, hiệu quả, bảo đảm trong mọi tình huống, điều kiện, đều thực hiện nghiêm túc quy trình. Quan tâm giáo dục đạo đức, lòng yêu nghề, tính tự trọng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, doanh nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đặc biệt yêu cầu về tính gương mẫu của các cấp lãnh đạo. Ba là, xây dựng quan hệ tốt với cơ quan chức năng có liên quan như: giám định, điều tra, khoa học chuyên ngành, hợp tác hiệu quả trong giải quyết vụ việc bảo hiểm, bồi thường có yếu tố gian lận, tính phức tạp, không rõ ràng. Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm việc tuân thủ quy trình công việc, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm. Cập nhật, thông tin kịp thời, rộng rãi các vụ việc trục lợi được phát hiện để trao đổi, rút kinh nghiệm, đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nội bộ, nâng cao năng lực phòng ngừa. Xây dựng quy trình cụ thể về điều tra, xác minh những vụ việc có dấu hiệu gian lận, trục lợi bảo hiểm, để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống doanh nghiệp. Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo dư luận ủng hộ việc đấu tranh với những hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm.
(Theo MẠNH AN // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com