Bởi theo đánh giá của Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, những nội dung cơ bản của 2 loại thẻ và phiếu trên là giống nhau: tên, số báo danh, chứng minh nhân dân... Việc gộp 2 loại giấy này làm một sẽ đơn giản, tiện lợi song vẫn đạt được mục tiêu quản lý.
Đơn giản hóa một số thủ tục tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên |
Phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn tất đối với 154 thủ tục. Trong đó, có một số thủ tục đang được đề nghị giảm bớt, hoặc thu gọn theo hướng phù hợp hơn.
Thi ĐH, CĐ: Gộp phiếu báo dự thi và Thẻ dự thi thành Phiếu báo dự thi kiêm thẻ dự thi
Tổ Công tác chuyên trách đề xuất phương án trên vì theo quy định, thẻ dự thi bị các trường giữ lại cho đến ngày thí sinh đi thi, trước đó gửi phiếu báo dự thi, thí sinh mang phiếu báo dự thi tới trường nộp lệ phí để nhận thẻ dự thi.
Chưa kể, những nội dung cơ bản của 2 loại thẻ và phiếu là giống nhau: tên, số báo danh, chứng minh nhân dân...Quy định này làm phát sinh thủ tục, mất thời gian, công sức cho cả thí sinh và nhà trường. Việc gộp 2 loại giấy này làm 1 sẽ đơn giản, tiện lợi song vẫn đạt được mục tiêu quản lý.
Mẫu hóa hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ trên toàn quốc
Về thành phần và số lượng hồ sơ, cần pháp lý hóa và mẫu hóa hồ sơ đăng ký dự thi đối với các trường ĐH, CĐ trong phạm vi toàn quốc theo một mẫu biểu thống nhất, đảm bảo tính ổn định và tiện lợi cho việc sử dụng đối với học sinh. Số lượng hồ sơ phải nộp nên quy định là 1 bộ.
Lý do Tổ Công tác đưa ra là quy định hiện hành chưa mẫu hóa hồ sơ đăng ký dự thi và số bộ hồ sơ phải nộp nên các thí sinh luôn bị động, lúng túng trong việc chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh.
Trên thực tế, trong mùa tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành mẫu hồ sơ, tuy nhiên, mẫu này chưa được pháp lý hóa, việc áp dụng tại các địa phương không giống nhau, giá cả hồ sơ không thống nhất nên dẫn đến tình trạng lộn xộn và thiếu nghiêm túc trong thực hiện, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giáo dục.
Xét, cấp học bổng chính sách
Theo phương án đơn giản hóa, nên quy định trình tự, cách thức thực hiện cho từng loại đối tượng. Đối với học sinh cử tuyển nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Đối với học sinh, sinh viên học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, học viên là thương binh, người tàn tật, người khuyết tật nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong ngày nhập học.
Giải thích cho phương án trên là quy định hiện hành chưa quy định cụ thể trình tự, cách thức nộp hồ sơ cho từng đối tượng. Đối với học sinh, sinh viên hệ cử tuyển cần quy định 2 cách nộp hồ sơ để học sinh, sinh viên chủ động lựa chọn cách phù hợp. Việc nộp hồ sơ qua bưu điện cũng sẽ giúp học sinh, sinh viên tiết kiệm được khoản chi phí đi lại từ trường về địa phương (trong trường hợp ở địa phương khác).
Còn đối với học sinh, sinh viên học tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, học viên là thương binh, người tàn tật, người khuyết tật nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ sở giáo dục cùng với hồ sơ nhập học, vì thành phần hồ sơ của thủ tục nhập học đã bao gồm hồ sơ cấp học bổng chính sách.
Giảm cấp Hội đồng xét chức danh giáo sư, phó giáo sư từ 3 xuống còn 2 cấp
Theo quy định hiện hành, để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, hồ sơ ứng cử viên phải trải qua 3 cấp: Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở, Hội đồng ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước với thành phần hồ sơ như nhau, và cùng một thủ tục.
Theo phân tích của Tổ công tác chuyên trách, việc tồn tại 3 cấp Hội đồng với cùng trình tự hồ sơ làm nặng nề TTHC, phát sinh nhiều tầng nấc, gây tốn kém lãng phí không cần thiết. Nếu giảm đi một cấp Hội đồng sẽ cho phép tiết kiệm nhân lực, thời gian của các ứng cử viên, các nhà khoa học, nhà quản lý, đồng thời làm đơn giản hóa gánh nặng hồ sơ. Do vậy, nên hợp nhất 2 cấp Hội đồng cơ sở và Hội đồng liên ngành.
Về bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, Tổ Công tác chuyên trách đề nghị nhập thủ tục bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư vào thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư và thống nhất tên gọi là "Bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư". Quy trình bổ nhiệm gồm 2 bước: Xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; Bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
Lý do Tổ Công tác đưa ra là việc hợp nhất trên sẽ đơn giản hóa được rất nhiều quy trình thủ tục xét công nhận và bổ nhiệm các các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Nếu quy định thời hiệu 2 năm để bổ nhiệm chức danh giáo sư như hiện nay thì vô hình chúng sẽ phủ định toàn bộ công sức và thời gian thực hiện của quy trình xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư đã thực hiện mà lẽ ra người đạt tiêu chuẩn đã đủ điều kiện để được quyết định bổ nhiệm ngay sau đó.
(Theo Ngọc Hà // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com