Thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Viên chức với đối tượng tác động là hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ảnh minh họa |
Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng: Dự thảo luật cần quy định chặt hơn về tiêu chuẩn xét tuyển của từng chức danh nghề nghiệp, từng loại công việc để tránh tình trạng viên chức khi đã được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào vị trí quản lý là yên tâm đã có chỗ làm ổn định, không cần trau dồi về chuyên môn.
Bên cạnh việc tăng quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu việc thực hiện nhằm đảm bảo dân chủ, khách quan, đồng thời thể hiện sự công khai, minh bạch của quá trình thực hiện và ra quyết định.
Việc tuyển dụng viên chức vào làm việc sẽ phải qua thi tuyển và hàng năm phải có sự kiểm tra, ký kết lại hợp đồng đối với đội ngũ viên chức đã làm việc trong một thời gian.
Đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa), Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng, việc ký lại hợp đồng cũng là một dịp để rà soát, đánh giá lại chất lượng cũng như góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của những người đã được tuyển dụng làm viên chức.
Theo nhiều đại biểu, Bộ luật Lao động đã quy định khá cụ thể về hợp đồng lao động. Do đó, nếu đã xác định hợp đồng làm việc cũng là một loại hợp đồng lao động thì trong Luật này cũng không cần thiết phải nhắc lại các quy định đã có. Ngược lại, có những nội dung mang tính đặc thù liên quan đến hợp đồng đối với viên chức lại chưa được thể hiện trong Dự thảo Luật. Điểm giống và khác nhau giữa 2 loại hợp đồng này cần được làm rõ.
Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cho rằng phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật là chưa rõ ràng. Theo Dự thảo Luật, chỉ những người làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập mới là viên chức, vậy những người đang làm việc ở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như lái xe, tạp vụ, y tế, bảo vệ, đánh máy... sẽ thuộc nhóm đối tượng nào, viên chức hay người lao động?. Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu làm rõ.
Bên cạnh đó, một số quy định đối với viên chức như trường hợp cho thôi việc, nghỉ việc…cần hết sức rạch ròi, rõ ràng, minh bạch, không nên quá khái quát, sẽ khó thực thi.
Các đại biểu cũng cho rằng, sắp xếp bộ máy viên chức cần gắn liền với cải cách hành chính, cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm để thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ viên chức chuyên nghiệp hơn.
Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật khoáng sản (sửa đổi), biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và xem xét, quyết định về công tác nhân sự.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ông Nguyễn Thiện Nhân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đối với ông Nguyễn Hoàng Anh.
Quốc hội thảo luận tại Đoàn ĐBQH về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đối với ông Nguyễn Hoàng Anh.
(Theo Hồng Phong // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com