Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sự kiện bất khả kháng

Nếu một bên gặp bất khả kháng mà vi phạm hợp đồng đã ký kết thì sẽ được miễn trách nhiệm. Tuy vậy, trên thực tế, đôi khi không dễ xác định một sự kiện có phải là bất khả kháng hay không.

Tranh chấp giữa một Cty Áo (người bán) và một Cty Bulgari (người mua). Người bán kiện người mua ra trọng tài đòi người mua bồi thường thiệt hại do người mua không mở thư tín dụng (L/C). Người mua cho rằng mình không mở thư tín dụng là do gặp bất khả kháng. Hai bên tranh cãi về sự kiện bất khả kháng mà bên mua viện dẫn. Tranh chấp được xét xử tại Trung tâm trọng tài quốc tế Paris, phán quyết số 7197/1992.

Diễn biến tranh chấp

Năm 1990, người bán và người mua ký kết một hợp đồng xuất khẩu hàng hóa theo mẫu. Các bên thỏa thuận thanh toán bằng thư tín dụng mở trước một ngày đã được ấn định và hàng hóa phải được giao theo điều kiện DAF (Incoterm 1990) tại biên giới Áo – Bulgari bốn tuần sau khi mở thư tín dụng.

Người mua không thực hiện nghĩa vụ của mình là mở thư tín dụng trong thời hạn đã được quy định trong hợp đồng và trong cả thời gian được gia hạn thêm bởi người bán. Người bán kiện người mua ra trọng tài, đòi bồi thường các thiệt hại phát sinh do người mua không thực hiện hợp đồng.

Người mua phản bác lại và cho rằng thư tín dụng không được mở là do Chính phủ Bulgari đã ra lệnh đình chỉ thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Đây là sự kiện bất khả kháng và vì vậy, người mua được hoàn toàn miễn trách, không phải bồi thường thiệt hại.

Phán quyết của trọng tài

Trọng tài cho rằng hợp đồng được điều chỉnh bởi Công ước Vienna năm 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) vì cả Áo và Bulgari đều là thành viên của Công ước này.

Trọng tài dẫn chiếu điều 54 CISG, theo đó, người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng, bao gồm các việc áp dụng các biện pháp tuân thủ các thủ tục mà hợp đồng hoặc luật lệ đòi hỏi để có thể thực hiện được thanh toán tiền hàng.

Trọng tài cho rằng việc Chính phủ Bulgari yêu cầu đình chỉ thanh toán các khoản nợ nước ngoài không phải là một trường hợp “bất khả kháng” làm cho người mua không thể mở thư tín dụng được. Theo điều 79 khoản 1 CISG, sự kiện bất khả kháng là một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của các bên, các bên không lường trước được vào lúc ký kết hợp đồng và các bên không tránh được cũng như không khắc phục được các hậu quả của sự kiện này.

Trong tranh chấp trên, việc Chính phủ Bulgari ra lệnh đình chỉ thanh toán các khoản nợ nước ngoài là một sự kiện xảy ra khách quan, ngoài tầm kiểm soát của người mua. Tuy nhiên lệnh đình chỉ đó đã được thông báo vào thời điểm kí kết hợp đồng. Vì vậy người mua chắc chắn đã phải tiên liệu được rằng lệnh đình chỉ đó sẽ gây khó khăn cho việc mở thư tín dụng. Như vậy, sự kiện này không phải là “không thể lường trước được”.

Hơn nữa, trên thực tế, người mua không chứng minh được rằng việc không mở được thư tín dụng là hệ quả của lệnh đình chỉ đó.

Với những lập luận đó, trọng tài ra phán quyết sự kiện mà người mua viện dẫn không phải là sự kiện bất khả kháng nên người mua không được miễn trách mà phải bồi thường cho người bán do không thực hiện nghĩa vụ.

Bài học kinh nghiệm

Thông thường có thể hiểu sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan mà bên vi phạm không thể kiểm soát được, không thể lường trước được và không thể tránh được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng có thể là các hiện tượng tự nhiên (bão, lốc, lũ lụt, sấm sét, hạn hán, động đất, sóng thần, núi lửa phun...) hay các sự kiện xã hội (chiến tranh, phá hoại, đình công, lệnh cấm của Chính phủ...) và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, để được công nhận là một sự kiện bất khả kháng thì sự kiện đó phải hội đủ ba điều kiện: Thứ nhất, đây phải là “sự kiện xảy ra khách quan”, tức là xảy ra mà không phụ thuộc vào ý chí của các bên trong hợp đồng. Thứ hai, đây phải là sự kiện “không thể lường trước được”. Thứ ba, sự việc xảy ra “không thể khắc phục được” mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết.

Trong trường hợp tranh chấp ở trên, lỗi của người mua là mặc dù đã biết trước về khó khăn trong vấn đề thanh toán do quy định của Chính phủ, nhưng lại không thông báo rõ ràng với người bán để tìm ra giải pháp thích hợp cho việc thanh toán. Bài học đối với các bên của hợp đồng là khi gặp sự kiện ngoài ý muốn thì cần nhanh chóng thông báo cho đối tác để tìm cách giải quyết cho phù hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng của sự kiện đó đến việc thực hiện hợp đồng, tránh tình trạng ỷ vào đó là trường hợp bất khả kháng mà không có hành động cần thiết hợp lý.

Hơn nữa, khi gặp trường hợp bất khả kháng, phải khẩn trương thu thập các chứng từ, chứng cứ chứng minh sự kiện bất khả kháng cũng như chứng minh ảnh hưởng của sự kiện đó đến việc thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.

TSNguyễn Minh Hằng -Đại học Ngoại thương Hà Nội

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%