BÀI 1: “THĂNG HẠNG” CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ
Trong 3 năm (2006-2008), theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), TP Cần Thơ liên tục giảm thứ hạng. “Báo động” này đòi hỏi sự quyết tâm, sự nỗ lực của lãnh đạo UBND, các ngành, các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố. Ngày 14-5-2009, UBND TP Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của TP Cần Thơ (gọi tắt là Chỉ thị số 10/CT-UBND). Triển khai mạnh mẽ các giải pháp theo Chỉ thị này, TP Cần Thơ kỳ vọng tạo nên một diện mạo mới trong mắt các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN): là thành phố tiềm năng, nơi ươm mầm và phát triển cho các nhà đầu tư và DN.
Mục tiêu đầu tiên Chỉ thị số 10/CT-UBND đặt ra là: cải thiện môi trường đầu tư của thành phố theo hướng tạo nên một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch và thuận lợi cho DN. Sau gần 1 năm thực hiện Chỉ thị này, nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo thành phố, các sở ngành hữu quan, các địa phương, TP Cần Thơ đã được “thăng hạng” trong mắt các nhà đầu tư và DN.
“CỨU”... PCI
Năm 2005, VCCI công bố chỉ số PCI, TP Cần Thơ xếp thứ 9/42 tỉnh, thành phố được đưa vào xếp hạng. Năm 2006, TP Cần Thơ tụt 1 bậc và xếp thứ 10 so với cả nước. Năm 2007, TP Cần Thơ thụt lùi tiếp 7 bậc (xếp thứ 17 cả nước) về PCI. Năm 2008, TP Cần Thơ tiếp tục sụt lùi và đứng thứ 22/63 tỉnh, thành về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong mắt các nhà đầu tư, DN. Ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Dấu hiệu suy giảm khả năng cạnh tranh của TP Cần Thơ từ năm 2005 đến 2008 cho thấy môi trường đầu tư tại TP Cần Thơ còn nhiều điểm hạn chế. Cụ thể như: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thái độ phục vụ của cán bộ công chức đối với DN, công dân chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh và các dịch vụ phụ trợ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, học tập cho gia đình các nhà đầu tư vẫn chưa đáp ứng được; hệ thống thông tin chung về TP Cần Thơ chưa được đầu tư đúng mức và đầy đủ. Từ đó, làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư đến với TP Cần Thơ cũng như chưa làm hài lòng các nhà đầu tư, các DN tại TP Cần Thơ.
Được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, được quan tâm tập trung đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng là một trong những lợi thế của TP Cần Thơ để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Trong ảnh: Công trường xây dựng tuyến đường Nam sông Hậu qua TP Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng đoạn trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: T.LONG. |
Trên cơ sở phân tích trên, ngày 14-5-2009, UBND TP Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND. Theo đó, có 4 mục tiêu chung TP Cần Thơ phải đạt được là: Cải thiện môi trường đầu tư của TP Cần Thơ, qua đó cải thiện hình ảnh thành phố trong nhận xét đánh giá của các nhà đầu tư vào thành phố. Tăng lực hút đầu tư của thành phố thông qua việc tích cực rà soát, phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN; đồng thời, phải có sự quan tâm hỗ trợ đối với các nhà đầu tư đang thực hiện đầu tư tại TP Cần Thơ. Các vấn đề mang tính liên ngành giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức khác phải được triển khai thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra thực hiện các thủ tục hành chính; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ, công chức hành chính nhà nước trong thực thi nhiệm vụ.
Ngoài các mục tiêu trên, trong Chỉ thị số 10/CT-UBND còn nêu 10 nhiệm vụ chung và nhấn mạnh trách nhiệm cụ thể của 26 sở, ngành, UBND cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố để sớm hoàn thiện môi trường đầu tư tại TP Cần Thơ.
CÙNG VÀO CUỘC
Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, các DN chính là các quy hoạch phát triển ngành, phát triển thương mại, công nghiệp... Chính vì thế, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND, từng bước đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, DN, Sở Công thương thành phố đã tiến hành rà soát, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành công thương và kết cấu hạ tầng thương mại. Cụ thể như: Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2025; Đề án chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố giai đoạn 2011-2015; Đề án xây dựng các danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của thành phố giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2025... Ngoài ra, Sở Công thương TP Cần Thơ còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ thông tin DN, xúc tiến thương mại... để đáp ứng nhu cầu của DN trên địa bàn thành phố.
Sau gần 1 năm kể từ khi UBND TP Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND, nhiều công việc đã được các ngành, các cấp, các địa phương triển khai nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố. Cụ thể như: Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, vận dụng có hiệu quả các chính sách của Chính phủ về kích cầu đầu tư, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế; đồng thời tăng cường số lượng cũng như chất lượng các cuộc đối thoại với DN, làm cho quan hệ giữa nhà nước và DN ngày càng gần nhau hơn. Tạo môi trường thuận lợi hơn cho người dân, DN trong việc tiếp cận, giải quyết các thủ tục hành chính, ngoài việc thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về thực hiện rà soát thủ tục hành chính chung, Sở Nội vụ TP Cần Thơ đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập các đoàn kiểm tra cải cách thủ tục hành chính ở một số đơn vị. Cụ thể như: Kiểm tra công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; thủ tục thu hồi, giao đất, thu tiền sử dụng đất đối với các dự án dân cư trên địa bàn thành phố tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế... Riêng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ thường xuyên cập nhật thông tin về đầu tư, thương mại du lịch trên website của trung tâm và xuất bản bản tin tình hình kinh tế về lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch hằng tuần để DN có thể có những thông tin hữu ích.
Đặc biệt, hiện nay, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố tập trung tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trên lĩnh vực hành chính công; công khai thủ tục hành chính, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các nội dung khác có liên quan để người dân và DN nắm bắt và thực hiện.
THĂNG HẠNG
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, việc triển khai Chỉ thị số 10/CT-UBND bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Điều này được đánh giá bằng việc đầu tư của DN vào TP Cần Thơ ngày càng gia tăng và các dự án được đầu tư vào thành phố ngày một tăng về vốn và về quy mô đầu tư. Cụ thể: Trong năm 2009, tổng vốn đầu tư của DN vào các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp có đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt 3.929 tỉ đồng so với mức 2.397 tỉ đồng trong năm 2008. Trong năm 2008, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất là cụm dự án sân golf tại quận Bình Thủy với tổng mức đầu tư khoảng 1.118 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, dự án này đã có chủ trương thu hồi giấy phép đầu tư để tìm đối tác khác. Trong khi đó, năm 2009, dự án đầu tư lớn nhất là dự án nhà ga cảng hàng không Cần Thơ với mức vốn 1.357 tỉ đồng, đang được triển khai có hiệu quả.
Ngoài vấn đề vừa nêu, ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, phân tích thêm: Kết quả PCI của năm 2009, TP Cần Thơ có 2 chỉ số tăng mạnh. Đó là chỉ số “chi phí thời gian” (tăng từ 5,72 điểm năm 2008 lên 8,17 điểm năm 2009) và chỉ số “tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin” (tăng từ 6,41 điểm lên 9,79 điểm). Đặc biệt, 2 chỉ số mới được đưa vào cách tính CPI của năm vừa qua, TP Cần Thơ đứng đầu vùng ĐBSCL, xếp thứ 13/61 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số “dịch vụ hỗ trợ DN” và xếp thứ 2 so với các tỉnh ĐBSCL, thứ 20 cả nước về chỉ số “cơ sở hạ tầng”... Kết quả năm 2009, CPI của TP Cần Thơ đạt 62,17 điểm so với 56,32 điểm năm 2008, đứng vị trí thứ 21 của nước, tăng 1 bậc so với năm 2008.
ĐÚC KẾT NGUYÊN NHÂN
Những kết quả trên cho thấy, môi trường đầu tư và PCI của TP Cần Thơ đã có những bước tiến bộ nhất định. Theo nhận định của các ngành hữu quan, đạt được kết quả trên là nhờ có sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách của trung ương. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ và nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho DN. Mặt khác, các cơ quan tham mưu của UBND thành phố không ngừng cải thiện trong cách thức làm việc, nhanh nhạy nắm bắt chủ trương chính sách của trung ương, hoạt động ngày càng có chất lượng, tham mưu có hiệu quả, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho DN hoạt động.
Ngoài ra, chương trình tổng thể cải cách hành chính của TP Cần Thơ đã tác động tích cực đến việc giảm chi phí cho DN, nhất là chi phí về thời gian. Đồng thời, tăng hiệu quả, công suất hoạt động của bộ máy nhà nước được người dân và DN đánh giá cao. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện mô hình “một cửa liên thông” tại các cơ quan nhà nước có thủ tục hành chính liên quan với nhau như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Các khu chế xuất và khu công nghiệp, Sở Công thương... Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật nói chung (bao gồm của Trung ương và của TP Cần Thơ) ngày càng hoàn thiện, các quy định tạo khung pháp lý cho DN hoạt động ngày càng thông thoáng, các chế tài về tín dụng, đất đai, môi trường, các chính sách hỗ trợ cho DN ngày càng chặt chẽ, kết hợp các quy định về chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lý của từng cơ quan nhà nước, từng cán bộ công chức ngày càng rõ ràng nên chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý DN ngày càng đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, trong năm 2009, TP Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, được quan tâm tập trung đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng. Điều này thúc đẩy hoạt động đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư của DN vào TP Cần Thơ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của thành phố.
(Theo HÀ TRIỀU/CanTho)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com