Bài báo đăng trên trang thông tin điện tử của tỉnh Kon Tum. Ảnh chụp tối 9-4 |
Ngày 9-4, chúng tôi liên lạc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum để nghe ý kiến về vấn đề khai thác wolfram ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh báo bận họp.
Trên trang thông tin điện tử tỉnh Kon Tum có bài viết thể hiện quan điểm của tỉnh về vấn đề mà Tiền Phong đề cập. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng bài viết trên.
Đơn vị nào phát hiện quặng wolfram tại Sa Thầy?
Trong khoảng thời gian 2005-2006, trên địa bàn huyện Sa Thầy, Liên đoàn địa chất-Bản đồ miền Nam thực hiện Dự án khảo sát lập bản đồ địa chất và khoáng sản 1/50.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm chủ đầu tư và ông Thân Đức Duyện, cán bộ Liên đoàn Địa chất-Bản đồ miền Nam, chủ nhiệm dự án 1/50.000 khu vực Sa Thầy.
Giám đốc Sở TN & MT tỉnh Kon Tum La Xuân Thạnh cho biết, đến nay tài liệu địa chất-khoáng sản 1/50.000 chưa được Cục Địa chất Việt Nam công bố; tài liệu đang được bảo mật theo quy định, nên Sở chưa có tài liệu này. Nhưng không hiểu từ đâu Công ty cổ phần khoáng sản Việt Nam có Tờ trình số 10/TT-KSVN-2006, ngày 10-7-2006, gửi lãnh đạo tỉnh Kon Tum xin phép lập đề án thăm dò khoáng sản vùng Ya Krei huyện Sa Thầy.
Wolfram là kim loại nặng, trắng xám; chịu nhiệt; bền trong không khí ở nhiệt độ thường; Dùng để chế tạo thép siêu cứng và chịu nhiệt, thiết bị cắt nhanh, hợp kim; dùng trong kĩ thuật điện (làm dây tóc bóng đèn điện), trong kĩ thuật vô tuyến điện tử (catôt, anôt của các dụng cụ điện), vv |
Tiếp đó ngày 4-8-2006 chính ông Thân Đức Duyện (nguyên cán bộ Liên đoàn địa chất-bản đồ miền Nam, chủ nhiệm dự án 1/50.000 khu vực Sa Thầy) lại đại diện cho Công ty CP Khoáng sản Việt Nam báo cáo trước các sở, ban ngành liên quan trong tỉnh xin thăm dò khoáng sản tại Tiểu khu 663-Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Đây là vùng nhạy cảm và khu vực này chưa có tài liệu điều tra địa chất và quy hoạch khoáng sản trong cả nước về wolfram; đối tượng khoáng sản này chỉ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN & MT, nên Sở Tài nguyên Môi trường không có cơ sở hướng dẫn mà chỉ đề xuất xin chủ trương của tỉnh và các bộ, ngành chức năng ở Trung ương.
Được biết, trong thời gian khảo sát lập bản đồ địa chất vùng Sa Thầy, ông Thân Đức Duyện đã phát hiện quặng wolfram tại vùng Ya Krei thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (wolfram là khoáng sản quý phục vụ ngành công nghiệp, công dụng chính là luyện kim đen để chế những loại thép đặc biệt cứng, hợp chất Wolfram dùng trong công nghệ hóa học, chế dây tóc bóng đèn...).
Đánh giá triển vọng về Wolfram ở Sa Thầy theo tài liệu báo cáo của ông Thân Đức Duyện ở cấp tài nguyên dự báo 334b (cấp 334b là cấp chưa rõ về hiệu quả kinh tế và nằm ở mức độ bình thường).
Quan điểm của tỉnh
Thời gian qua, trên nhiều văn bản của tỉnh đã thể hiện, khi xét khu vực nào có triển vọng về khoáng sản và có thể tháo gỡ được những vấn đề vướng mắc có liên quan là khuyến khích các nhà đầu tư, các dự án thăm dò, nhằm khai thác tiềm năng khoáng sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Ngay từ khi có đề nghị của Công ty CP khoáng sản Việt Nam, ngày 12-9-2006, UBND tỉnh đã có Công văn số 1884/UBND-NĐ trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) xin điều chỉnh Tiểu khu 663 thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray quản lý từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất và đề nghị Chính phủ cho phép Công ty CP khoáng sản Việt Nam lập đề án thăm dò, khai thác .
Nhưng ngày 11-10-2006, Bộ NN & PTNT có Công văn số 2615/BNN-KL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không đồng ý chuyển Tiểu khu 663 từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất để thăm dò, khai thác khoáng sản. Như vậy, về nguyên tắc đề nghị của UBND tỉnh và Công ty CP khoáng sản Việt Nam đã không được Bộ NN & PTNT chấp nhận.
Ngày 12-4-2007, UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với Bộ NN & PTNT và tiếp tục đề nghị chuyển Tiểu khu 663 từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất để lập thủ tục xin thăm dò, khai thác khoáng sản wolfram, nhằm quản lý mỏ theo quy định.
Trên cơ sở kiểm tra của Cục lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm, theo đề nghị của UBND tỉnh tại Công văn số 2318/UBND-NL ngày 1-11-2007 và Bộ NN &PTNT tại Công văn số 3246/BNN-LN ngày 23-11-2007, ngày 3-12-2007 tại Văn bản số 1880/TTg-NN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển 1.686 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, thuộc Tiểu khu 663 sang rừng sản xuất.
Từ khi có sự thống nhất của Bộ NN&PTNT, sau khi cân nhắc, so sánh giữa Công ty CP khoáng sản Việt Nam và Công ty CP khai khoáng Hoà Phát-SSG là doanh nghiệp đã đăng ký tại địa phương và sẽ hỗ trợ đầu tư các công trình phúc lợi trên địa bàn giới thiệu với cấp thẩm quyền cấp phép.
Có thể, trên cùng một khu vực có nhiều nhà đầu tư xin phép thăm dò, khai thác... quyền thẩm định, xem xét, lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Cục Địa chất và Khoáng sản và Bộ TN & MT.
(Theo Huỳnh Kiên // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com