Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng giá viện phí: Nặng gánh

Tình trạng quá tải của các bệnh viện khó có thể được cải thiện như mong muốn của những người xây dựng dự thảo viện phí mới

Dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 14 ngày 30/9/1995 của liên Bộ Y tế - Tài chính - LĐTB-XH - Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc thu một phần viện phí vừa được công bố đã vấp phải phản ứng của một số cơ quan liên quan. Nhưng điều đáng bàn là giải pháp để “vẹn cả đôi đường” thì chưa thấy cơ quan nào đưa ra.

Mức giá của một số dịch vụ được điều chỉnh tăng cao, cá biệt có những dịch vụ tăng từ 18 - 25 lần không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) mà còn là nguy cơ dẫn đến việc khoảng 38% dân số - những người chưa tham gia BHYT đối mặt với cảnh bần hàn khi ốm đau... (hiện số người có thẻ BHYT chiếm khoảng 62% dân số).

Chưa nằm trong tổng thể chung

Lý giải cho việc điều chỉnh mức giá của 350/3000 dịch vụ mà các bệnh viện đang triển khai với các mức tăng từ 5 – 100%, Ban soạn thảo cho rằng đó việc cần thiết cho phù hợp với tình hình giá cả và chi phí thực tế. Mức giá hiện nay được quy định tại Thông tư liên bộ số 14/TTLB và đã được duy trì tới 15 năm nên chỉ đáp ứng được từ 30 – 50% chi phí thực tế trong khi ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện rất thấp. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho bệnh viện trong việc đảm bảo kinh phí để thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật y tế.

Tán đồng với quan điểm phải tăng viện phí nhưng nhìn vào mức giá mới dự kiến sẽ được áp dụng, một số chuyên gia đã rất ngạc nhiên, ông Vũ Xuân Bằng – Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) cho rằng, các mức giá viện phí mới là quá cao. Chẳng hạn, giá xác định nồng độ cồn trong nước tiểu sẽ tăng 25 lần, từ 10.000 - 30.000 đồng lên 250.000 - 290.000 đồng; kháng sinh đồ trong xét nghiệm nước tiểu từ 5.000 đồng/lần lên 70.000 đồng/lần (tăng 14 lần); kháng sinh đồ khi xét nghiệm vi khuẩn - ký sinh trùng từ 5.000 đồng/lần tăng lên 90.000 đồng/lần (18 lần)... “Bộ Y tế diễn giải đây là giá tính đúng, tính đủ nhưng chưa thể hiện được tính minh bạch vì chưa có khảo sát cụ thể khách quan khi đưa ra giá viện phí mới mà hoàn toàn thông qua báo cáo của các đơn vị”. Hơn nữa, việc đưa ra hai giá tối thiểu và tối đa là không khả thi vì sẽ không có cơ sở khám chữa bệnh nào chọn giá viện phí thấp.

Tuy nhiên, cơ cấu giá phải được tính toán khoa học, công khai trên quan điểm không vì lợi nhuận vì y tế là dịch vụ công. Song, điều quan trọng là phải cân nhắc đến khả năng chi trả của quỹ BHYT. Hiện nay quỹ dành đến 70% chi phí cho khám chữa bệnh và gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối thu chi khi mới thực hiện mức viện phí hiện tại.

Mức chi trả của quỹ tăng, mức thu BHYT cũng sẽ tăng tương ứng. Với mức tăng như dự thảo, để “đủ sức” chi trả, mức phí BHYT cũng phải tăng khoảng 40%. Đây là thách thức không nhỏ khi triển khai chủ trương mở rộng diện bao phủ BHYT. Lãnh đạo cơ quan BHXH VN thừa nhận, với việc điều chỉnh mức thu BHYT tương ứng với mức tăng của lương tối thiểu hàng năm như hiện nay chỉ là vài phần trăm mà chỉ thu hút được khoảng 60% dân số tham gia BHYT. Ngay cả các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc còn “trốn” thì khi mức phí tăng đến 40%, việc thu hút thêm số người tham gia còn khó khăn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề khác được GS Phạm Song – Chủ tịch Tổng hội y dược học VN đề cập như điều chỉnh giá viện phí cũng cần đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ y tế lên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân cũng như người có thẻ BHYT, xóa bỏ tình trạng khám qua loa hay nằm ghép 2 - 3 bệnh nhân một giường... GS Song cho rằng: “Chưa khắc phục được bất cập trên thì chưa thể nói đến tính công bằng xã hội cho người dân”. Vì vậy, khi quyết định thực hiện tăng viện phí, Chính phủ và các bộ ngành cũng cần xem xét tổng thể các chính sách liên quan.

Không làm tăng gánh nặng cho người bệnh

Ngành y tế khẳng định, đợt điều chỉnh giá dịch vụ lần này, 62% dân số có thẻ BHYT sẽ không bị chịu ảnh hưởng vì họ đã được BHYT đảm bảo, chi trả từ 80 - 95%. Nhưng đó chỉ là con số tính toán trên lý thuyết. Bởi tuy 62% dân số có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không phải tất cả họ đều đi khám bằng thẻ khi có bệnh. Đa phần người sử dụng thẻ là người nghèo hoặc bệnh nặng, vượt quá khả năng chi trả của bản thân. Chính vì thế, khi giá dịch vụ y tế tăng thì với mức đồng chi trả 5% hoặc 20%, số tiền mà nhiều người bệnh có bảo hiểm phải trả cũng sẽ tăng cao. Chưa tính đến bệnh nặng như chạy thận, ung thư... chỉ tính riêng giá tiền giường bệnh nằm một ngày ở bệnh viện đầu ngành đang là 10.000 đồng, nay tăng lên đến 100.000-120.000 đồng. Như vậy, nếu như trước kia nằm viện 10 ngày, bệnh nhân chỉ mất 100.000 đồng thì nay phải thanh toán đến 1 triệu đồng.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, dù mức giá viện phí hiện nay đang được tính quá thấp nhưng với mức tăng như trong dự thảo thì rất cần phải xem xét tính toán lại. Khi giá viện phí đã được tính đúng, tính đủ thì ngân sách nhà nước đang cấp chi thường xuyên cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập mỗi năm cần chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân; mức phí BHYT hiện đang được tính trên nền của một phần viện phí cũng phải được tính lại và cả tỷ lệ cùng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT để không làm tăng gánh nặng cho người bệnh...

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%