Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã thảo luận Nghị quyết về việc ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên. Theo tờ trình của Chính phủ, thuế suất của nhiều loại tài nguyên được điều chỉnh tăng, ngoại trừ dầu thô giữ nguyên mức thuế cũ.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần tăng thuế đối với than đá, dầu thô.
![]() |
Khai thác quặng bauxite tại Quỳ Hợp, Nghệ An - Ảnh: P.V |
Điều chỉnh từ ngày 1-7-2010
Biểu thuế suất do Chính phủ trình UBTV Quốc hội dự kiến áp dụng từ ngày 1-7-2010 cho thấy, mức thuế suất thuế tài nguyên của hầu hết các loại khoáng sản đều được điều chỉnh tăng.
Theo đó, thuế suất của nhóm khoáng sản kim loại như sắt, mangan, titan, bạch kim, bạc, thiếc, wolfram, bô xít, đồng… đều được điều chỉnh tăng từ 7% hiện nay lên 10%. Thuế vàng tăng từ 9% lên 15%.
Trong nhóm khoáng sản không kim loại, cát xây dựng tăng thuế lên gấp đôi, từ 5% lên 10%. Đất làm gạch tăng từ 5% lên 7%. Tuy nhiên, thuế tài nguyên đối với các loại than đá có mức điều chỉnh thấp, chỉ tăng thêm 1%.
Đối với nhóm nước thiên nhiên, thuế suất nước ngầm được điều chỉnh từ 3% lên 5%. Một tài nguyên đóng góp lớn vào ngân sách là dầu thô, Chính phủ đề xuất giữ nguyên các mức như hiện hành.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Cao Ngọc Xuyên cho rằng, cần đánh thuế cao hơn đối với khoáng sản không tái tạo nhằm góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm.
Đối với tài nguyên là đầu vào thiết yếu của sản xuất như cát, đất làm gạch, sét chịu lửa, cao lanh… cần cân nhắc khi tăng thuế, không gây ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.
Đề nghị tăng thuế dầu thô, than đá
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Cao Ngọc Xuyên cho biết, khi thông qua Luật Thuế tài nguyên, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đều đề nghị tăng thuế suất đối với dầu thô. Tuy nhiên, mức thuế Chính phủ trình lần này lại giữ nguyên như hiện hành (6%, 8%, 10%, thấp hơn nhiều so với mức trần của khung là 40%).
Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tăng mạnh, Việt Nam lại đang nhập xăng, dầu giá cao, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần phải tăng thuế đối với dầu thô.
Ông Xuyên cũng đề nghị tăng thuế đối với than đá bởi lợi nhuận từ khai thác than là khá lớn.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, các mức thuế đã được Chính phủ cân nhắc cẩn trọng trước khi trình UBTV.
Thuế đánh vào tài nguyên là tác động đến đầu vào của sản xuất. Thuế suất đối với than đá chỉ điều chỉnh tăng nhẹ bởi chỉ 1% tăng thêm đã khiến 21 đơn vị khai thác than phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh giá bán than trong nước chưa được điều chỉnh, thì mức thuế này là hợp lý.
Ngoài ra, chúng ta cũng không thể tăng thuế suất đối với dầu thô bởi nếu tăng sẽ không thể kêu gọi được đầu tư vào lĩnh vực này. Thêm vào đó, theo giấy phép đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí đã ký kết trước ngày 1-7-2010 thì được áp dụng mức thuế hiện hành. Đây là quy định để bảo vệ nhà đầu tư.
Ngày 14-4, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, dự toán năm 2009 bố trí cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 1.400 tỷ đồng. Nhưng do đẩy mạnh cho vay hỗ trợ lãi suất để kích cầu, đẩy mạnh cho vay xuất khẩu… nên nhu cầu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý phát sinh lên tới 2.708,2 tỷ đồng, tăng 1.308,2 tỷ đồng so với dự toán. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị, bổ sung cấp bù lãi suất và phí quản lý cho ngân hàng này 981 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phải làm rõ hơn lãi suất đầu ra trong mối quan hệ với lãi suất đầu vào để có cơ sở cho việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Phát triển. |
(Theo Hà Nhân // Tienphong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com