Thay đổi cách nhìn để thấy “hai mà một”
Đã một lần trên báo tôi có nói rằng Luật Đầu tư (LĐT) không tạo nên khó khăn cho nhà đầu tư (nước ngoài và trong nước) trong việc sử dụng tiền của họ mà là các quy định của Luật Doanh nghiệp (LDN). Bây giờ tôi xin thêm là sự khó khăn ấy do các quan chức phụ trách thực hiện LDN gây ra! Khi giải quyết vấn đề hay khi áp dụng luật, họ không được chỉ dẫn cách nhìn một vấn đề theo bản chất, tức là biết trừu tượng hóa sự việc mình phụ trách; mà chỉ biết nhìn sự việc theo cái gì họ thấy (tên gọi, hình thù...). Và tôi xin phân tích.
Hai ông A và B là nhà đầu tư nước ngoài. Ông A mua chứng khoán của một công ty trên thị trường chứng khoán; ông B, đầu tư trực tiếp vào một dự án, thì cả hai đều đem tiền vào rồi đem ra khỏi Việt Nam, y như nhau và phải làm theo luật ngoại hối, rồi qua ngân hàng. Hai người chỉ khác nhau ở hai điểm.
Một, ông A bỏ tiền vào một công ty niêm yết, tức là tình trạng và hình thù của cái sau đã rõ ràng và minh bạch; trái lại, ông B khi bỏ tiền ra thì công ty chưa được thành lập, hay nếu có rồi thì chưa niêm yết, tức là chưa minh bạch và rõ ràng. Do đó, rủi ro cho số tiền đem ra khỏi Việt Nam của hai ông khác nhau.
Hai, ông A không tham gia quản lý hay điều hành công ty và muốn rút tiền ra lúc nào cũng được; vì lúc nào cũng có người mua trên thị trường chứng khoán, chỉ có điều là giá cao hơn hay thấp hơn lúc mua; ông B rút tiền thì khó hơn; vì phải chờ có người mua, hay đến khi bán được vốn, hay công ty giải thể. Đấy là hai sự khác biệt quan trọng giữa người đầu tư gián tiếp hay trực tiếp khi nhìn họ theo “nhà đầu tư” tức là nhìn sự việc, tức là theo tên gọi, thấy sao gọi vậy.
Vì hai ông kia giống nhau theo “tiền”; nên ta không nhìn họ theo “người”, mà nhìn họ theo “tiền”. Đấy là nhìn vấn đề theo bản chất. Và trên căn bản này ta sẽ giải quyết được vấn đề mà bài báo đã nêu.
Cách dàn xếp để nhận “tiền” theo luật
Về nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta có LĐT và LDN điều chỉnh họ. LĐT nhìn họ theo “tiền” và theo tỷ lệ (30%, 49%, 51%...) rồi đặt một “cái ống” để họ bỏ tiền vào là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Đi xa hơn, Quyết định 88/2009 của Thủ tướng ấn định chung nhà đầu tư nước ngoài được bỏ tiền bao nhiêu vào loại hình kinh doanh nào.
Trong khi ấy, LDN nhìn nhà đầu tư theo “người” và “doanh nghiệp”. Về “doanh nghiệp” thì có cái chưa được lập, có cái đã lập nhưng có thể chưa hoặc đã niêm yết. Luật này còn quy định là nếu nhà đầu tư bỏ tiền vào doanh nghiệp mà chiếm 49% vốn điều lệ trở xuống, thì nơi nhận tiền chỉ đi đăng ký, trên mức đó phải lập một doanh nghiệp khác. Đối với doanh nghiệp, còn có sự liên can của Luật Chứng khoán nếu công ty đã niêm yết; không kể các luật chuyên ngành (ngân hàng, bảo hiểm...).
Bao trùm các luật lệ này là Luật Ngoại hối. Luật này quy định rằng anh “gián tiếp” sẽ bỏ tiền vào Việt Nam và rút về chỉ qua một tài khoản. Anh “trực tiếp” thì dự án phải được chấp thuận, hay phải đăng ký và bỏ tiền vào hay lấy ra thì cũng phải qua ngân hàng. Như thế luật cũng đã rõ ràng, vấn đề bây giờ chỉ còn là áp dụng luật. Áp dụng luật thì có việc giải thích, và để giải thích thì phải có cách nhìn.
Đề nghị cách giải quyết
Trước các khó khăn mà bài báo đã nêu và qua sự phân tích ở trên, đề nghị của tôi là các sở kế hoạch đầu tư địa phương, nhất là bộ phận phụ trách đăng ký các doanh nghiệp (BPĐK), là nhìn nhà đầu tư các loại, trong nước và nước ngoài, theo “tiền”(mà tiền thì đã phải chuyển đổi sang tiền đồng); chứ không theo quốc tịch, tức là theo “người”. Làm như vậy là nhìn sự việc theo bản chất, và ta sẽ không còn rắc rối.
Vậy thì, khi một công ty nào đến BPĐK làm thủ tục xin tăng vốn, thí dụ từ 100 tỉ lên 200 tỉ đồng, niêm yết hay không, thì BPĐK coi họ đến để cho mình biết là họ tăng “tiền” cho công ty của họ. Không cần phải phân biệt người góp “tiền” là ai; công ty có niêm yết hay không. Tại sao phải phân biệt? Để làm gì? Có phải “tiền” của bất cứ người đầu tư nào, nằm dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp đều đã phải đi qua luật ngoại hối và trở thành tiền đồng rồi không? Bởi vậy, bất kể loại hình, doanh nghiệp nào đăng ký tăng vốn thì cứ ghi nhận, không phải đi hỏi ai.
Để an tâm khi nhìn như vậy, thì BPĐK sẽ chỉ nhìn doanh nghiệp đến chỗ mình theo hai tiêu chí là “tiền góp vào vốn” và “loại hình doanh nghiệp”. Theo dõi người bỏ vốn thì giao cho nơi khác. Lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp thì cũng để cho các bộ chức năng quản lý. Vai trò của BPĐK nên giống như việc làm của một bà đỡ: cho doanh nghiệp sinh ra; xem hình hài thế nào; theo dõi nó lớn lên và nếu ai hỏi về nó thì cho biết. Doanh nghiệp làm ngành nghề nào; huy động vốn hay đi vay tiền của ai, thì kệ nó; khi nó khai cho mình ngành nghề thì báo cho bộ chức năng phụ trách quản lý biết; giống như BPĐK đang làm với bên thuế hay khắc dấu vậy.
“Quản lý nhà nước” đối với doanh nghiệp thì không nên làm với tâm lý “cha mẹ lo cho con cái” mà nên làm theo cách của các nước phát triển là để cho người bị thiệt hại tố cáo; là cung cấp thông tin mình nắm cho họ (cứ đòi tiền) và khi họ tố cáo thì xét xử nghiêm minh, cưỡng chế thi hành đến nơi đến chốn. Cứ như hiện nay thì sự quản lý chỉ làm khó doanh nghiệp tử tế, còn doanh nghiệp lôm côm thì thoát. Cách nhìn rồi cách làm sẽ góp phần rất lớn vào việc cải tổ thủ tục hành chính.
Muốn cải tổ thì không chỉ cắt giảm 30% thủ tục vì nó chỉ là bên ngoài, giống như cái ống nước. Cái cốt lõi là sự nhận thức của viên chức hành chính; tức là nước chảy bên trong ống. Ống có ngắn mà nước chảy chậm (lại không kiểm soát được) thì sự cải tổ sẽ vô nghĩa. Nhận thức của các viên chức áp dụng thủ tục cũng phải được chú trọng. Cần thay đổi cách nhìn của họ, từ nhìn theo sự vật sang nhìn theo bản chất. Nhìn như thế mới biết trong một quy trình dài khâu nào quan trọng nhất để nắm hầu kiểm soát được toàn thể. Đề nghị ở đây thuộc loại ấy.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com