Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghị định 71/CP: Nhiều cơ chế mở để phát triển nhà ở xã hội

Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, thay thế NĐ 90/2006/NĐ-CP, sẽ có hiệu lực thi hành. Trong khi chờ thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, các cơ quan chức năng của TP đã tổ chức triển khai nghị định này đến hơn 600 doanh nghiệp (DN) bất động sản trên địa bàn TPHCM vào ngày 4-8. Những quy định mới trong nghị định này được coi là “mở trói” cho DN.

Các cao ốc thay thế nhà lụp xụp tại quận 4. Ảnh: Cao Thăng

Huy động vốn thoáng hơn

NĐ 71/CP quy định rạch ròi hơn thời điểm chủ đầu tư được bán nhà trên giấy, cũng như thoáng hơn trong vấn đề huy động vốn cho dự án nhà ở. Chủ đầu tư (CĐT) được vay vốn (bên cho vay không được quyền ưu tiên mua nhà) bằng tiền hoặc phát hành trái phiếu. CĐT được ký hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân để chia lợi nhuận bằng nhà ở của dự án (với điều kiện dự án nhà ở được phê duyệt, đã giải phóng mặt bằng, có biên bản bàn giao mốc giới và phải thông báo cho Sở Xây dựng) nhưng tối đa không quá 20% số lượng nhà ở của dự án. Xác nhận của Sở Xây dựng đối với 20% số nhà ở đã phân chia này là căn cứ để được xét cấp giấy chứng nhận. Việc bán 20% số nhà ở này không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Với 80% số căn hộ còn lại, CĐT chỉ được bán thông qua sàn giao dịch bất động sản và sau khi đã báo cáo với sở xây dựng địa phương có dự án.

Quy định về nhà ở xã hội trong NĐ 71/CP cũng “thoáng” hơn, khi thống nhất: Nhà ở xã hội cũng là nhà cho người thu nhập thấp chứ không tách ra như trước đây. Theo đó, các dự án nhà ở xã hội có vốn ngoài ngân sách, không bị khống chế số tầng nhưng mỗi căn hộ không quá 70m². Nhà ở xã hội có vốn ngoài ngân sách chỉ được bán sau 10 năm từ khi ký hợp đồng. Học sinh- sinh viên, người có thu nhập thấp sẽ được thuê nhà ở xã hội, trừ công nhân làm việc trong các khu kinh tế, KCN-KCX vì đã có các chính sách về nhà ở riêng. Nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, hưởng thuế suất ưu đãi VAT, giảm thuế thu nhập DN, được vay kích cầu, tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần…

Rạch ròi hơn phần chung - riêng

Đối với những dự án chuyển tiếp, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, những dự án đã được phê duyệt trước ngày 8-8 vẫn thực hiện như cũ; dự án đã duyệt nhưng giờ thay đổi (quy mô, diện tích, số lượng nhà, thay đổi mục đích…) cần có văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng trước khi thực hiện tiếp; các dự án chưa được duyệt sẽ thực hiện theo NĐ 71/CP.

Phần sở hữu chung- sở hữu riêng (SHC-SHR) trong chung cư cũng rất được quan tâm. Theo quy định mới, ngoài phần SHC của các chủ sở hữu chung cư còn có phần SHR của CĐT (là các phần không bán, không phân bổ giá trị trên diện tích sử dụng riêng vào giá khi bán căn hộ). CĐT phải xác định và ghi rõ trong hợp đồng nơi để ô tô thuộc SHC hay SHR của các chủ sở hữu chung cư. Nhiều DN cho rằng quy định khung cột, tường bao che, tường phân chia các căn hộ thuộc SHC là chưa hợp lý mà nên quy định những phần cột, tường trong nhà là SHR của chủ sở hữu căn hộ. “Nếu những phần này ảnh hưởng đến kết cấu nhà thì nên quy định khách hàng không được tháo dỡ chứ không nên quy định là SHC vì nằm trong căn hộ. Nếu quy định phần cột là SHR thì chủ sở hữu có quyền định đoạt, không thể hạn chế quyền được phá…”- ông Hiệp đề nghị.

Nói chung, còn nhiều điểm trong NĐ này rất cần sự hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Ngoài việc ghi nhận những góp ý trên của DN để kiến nghị với Bộ Xây dựng, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiệp cho biết, lãnh đạo sở cũng đã thống nhất một số nội dung trong NĐ 71/CP trình UBNDTP xem xét để có thể áp dụng ngay từ ngày 8-8 (ngày NĐ có hiệu lực).

Tại hội thảo “Cao ốc văn phòng (COVP) - Tìm hiểu chuẩn mới” vừa diễn ra ở TPHCM, một số đại biểu cho biết Việt Nam cần có hệ thống phân loại COVP để tạo thị trường minh bạch và công bằng. Một số quy định về thứ hạng COVP hiện do các chủ đầu tư đặt ra chứ chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra xem có đúng chuẩn hay không.

Được biết, phương pháp đánh giá và phân hạng COVP phổ biến nhất hiện nay là dựa vào các yếu tố như địa điểm, thời gian hoàn thành, dịch vụ, tuổi thọ tòa nhà, khả năng tiếp cận, tiêu chuẩn quản lý. Ngoài việc tọa lạc khu trung tâm TP, có tổng diện tích sử dụng hơn 20.000m², diện tích sàn trên 1.000m², có cảnh quan đẹp và trang thiết bị hoàn thiện (tốc độ thang máy, công suất điện, hệ thống liên lạc, an ninh…), bãi đậu xe là yếu tố rất quan trọng để xếp hạng COVP cao cấp ở TPHCM. Dự kiến mảng thị trường này sẽ tăng 160% trong năm 2015.

 

(Theo Nhung Nguyễn // SGGP Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%