Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xã hội hóa truyền hình: Nên đưa vào Luật Báo chí

Trước tháng 5-2009 gần như không có văn bản pháp luật nào điều chỉnh, cho phép các hoạt động hợp tác đầu tư trong lĩnh vực truyền hình.

Lâu nay, việc hợp tác đầu tư như vậy thường được hiểu như là một phần chủ trương khuyến khích xã hội hóa của Nhà nước. Thế nhưng, nếu nghiên cứu kỹ tinh thần của các văn bản quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa, từ Nghị quyết số 90-CP ngày 21-8-1997 đến các Nghị định 73/1999/NĐ-CP, 53/2006/NĐ-CP và mới nhất là Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ đều thấy rằng truyền hình không thuộc diện được Nhà nước khuyến khích xã hội hóa.

Tuy nhiên, phong trào hợp tác đầu tư vốn trong lĩnh vực truyền hình thời gian qua vẫn rộ lên rất mạnh, điều đó cho thấy nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực truyền hình rất cao trong khi “cung” pháp lý đã không đáp ứng kịp.

Phong trào xã hội hóa lĩnh vực truyền hình đã được “cứu nguy” bằng Thông tư 09/2009/TT-BTTTT ngày 28-5-2009 của Bộ Thông tin Truyền thông. Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên tạo cơ sở pháp lý, đồng thời chấm dứt một thời kỳ hợp tác đầu tư “công-tư” theo kiểu “tranh tối tranh sáng” trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam. Các đài truyền hình thở phào. Hơn nữa, văn bản này tỏ ra cởi mở khi cho phép các doanh nghiệp “có tư cách pháp nhân và đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam” được hợp tác với đài truyền hình để sản xuất không chỉ một phần mà toàn bộ kênh chương trình truyền hình, áp dụng không chỉ truyền hình trả tiền mà cả với truyền hình không trả tiền, phạm vi điều chỉnh không chỉ truyền hình mà cả với lĩnh vực phát thanh. Đài truyền hình muốn thực hiện hợp tác chỉ cần làm thủ tục đăng ký hoặc thông báo với Bộ Thông tin Truyền thông.

Trong khi đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn. Cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư 09/2009/TT-BTTTT là Luật Báo chí và Nghị định 51/2002/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Báo chí (xin lưu ý, văn bản này không dựa trên các quy định về chính sách xã hội hóa). Tuy nhiên, pháp luật về báo chí hiện chỉ mới cho phép cơ quan báo chí được “tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực in ấn, chế bản, phát hành sách, quảng cáo, quay phim, nhiếp ảnh và kinh doanh vật tư thiết bị liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ báo chí để tạo nguồn thu đầu tư trở lại cho sự nghiệp phát triển báo chí” (khoản 2, điều 7, Nghị định 51/2002/NĐ-CP).

Như vậy, hợp tác để sản xuất chương trình truyền hình có thuộc diện được phép nói trên? Theo các ý kiến, vấn đề này cần được điều chỉnh bởi một văn bản luật có giá trị pháp lý cao hơn, tốt nhất là bổ sung, đưa vào dự thảo Luật Báo chí sửa đổi hiện đang lấy ý kiến để trình Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, nội dung Thông tư 09/2009/TT-BTTTT vẫn còn một số điểm cần làm rõ. Chẳng hạn, doanh nghiệp “có tư cách pháp nhân và đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam” được hợp tác với đài truyền hình có bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Theo quy định của Luật Đầu tư, văn hóa, thông tin, báo chí… là những lĩnh vực đầu tư có điều kiện và nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia.

Trong khi đó, theo cam kết của Việt Nam với WTO, lĩnh vực nghe nhìn (sản xuất, phát hành và chiếu các chương trình truyền hình, tác phẩm điện ảnh) vẫn chưa được mở cửa và nếu mở thì chỉ ở mức độ các hiệp định song phương nhằm thúc đẩy văn hóa giữa hai nước, đồng thời thuộc danh mục được phép miễn trừ đối xử tối huệ quốc (không áp dụng cho các thành viên khác thuộc WTO). Thực tế, hiện nay chỉ mới có một doanh nghiệp nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực truyền hình là Tập đoàn Canal+ (Pháp). Vậy liên doanh này được thành lập trên cơ sở nào? “Tất cả những vấn đề này cần được quy định cụ thể và minh bạch” - giám đốc một kênh truyền hình liên kết phát biểu.

Quy định về liên kết trong lĩnh vực truyền hình

Hoạt động liên kết là “hợp tác giữa một bên là đài phát thanh, truyền hình với một bên là đối tác liên kết để tạo ra một phần hoặc toàn bộ sản phẩm liên kết”. Trong đó, “quyền lợi của đối tác liên kết được trả bằng quyền lợi từ hoạt động quảng cáo, tài trợ hoặc từ nguồn thu phí phát thanh, truyền hình theo một phương thức nhất định khi phát sóng chính sản phẩm liên kết của đài phát thanh, truyền hình”.

Các hình thức hoạt động liên kết bao gồm: 1. Trao đổi bản quyền chương trình hoàn chỉnh; 2. Trao đổi bản quyền định dạng chương trình; 3. Tổ chức sản xuất chương trình hoặc một phần chương trình; 4. Tổ chức sản xuất toàn bộ kênh chương trình.

Điều kiện của đối tác liên kết: 1. Có tư cách pháp nhân và đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam; 2. Đã sản xuất hoặc tham gia sản xuất tối thiểu 03 (ba) chương trình phát thanh, truyền hình được phát sóng khi thực hiện hình thức liên kết quy định tại khoản 3, khoản 4, điều 3 Thông tư này; 3. Có phương án bảo đảm nguồn lực tài chính, nhân sự và cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để thực hiện Hợp đồng liên kết.

(Theo Thông tư 09/2009/TT-BTTTT)

(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%