Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thuế xe con, đăng ký xe tải?

Việc doanh nghiệp khai báo “xe ô tô tải van Kia Morning và Daewoo Matiz 2 chỗ ngồi” là không đúng tình trạng nguyên thủy của xe

Đó là tình cảnh của hàng trăm chiếc xe Matiz và Kia Morning trong vụ “biến xe du lịch thành xe tải” để trốn thuế mà cơ quan hải quan đang xử lý. 

Từ năm 2009, hơn 600 chiếc xe Matiz và Kia Morning nhập khẩu khai báo là xe tải van đã bị cơ quan hải quan xác định là xe du lịch để truy thu thuế. Vấn đề là ở chỗ những chiếc xe này đã được cơ quan đăng kiểm xác nhận là xe tải van. Sau nhiều tháng khiếu nại, Bộ Tài chính, doanh nghiệp và đại diện các bộ ngành chức năng đã có cuộc họp bàn về vấn đề này, song dường như những nút thắt vẫn còn đó!

Hải quan: Xe du lịch!

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định đã có đầy đủ chứng cứ chứng minh lô xe Kia Morning và Matiz mà doanh nghiệp nhập về Hải Phòng trong năm 2009 là sai quy định nhằm lách thuế. Những chiếc ô tô này là xe chở người nhưng doanh nghiệp đã tháo ghế đằng sau để biến thành xe chở hàng. Do đó, cơ quan hải quan quyết truy thu số tiền thuế phát sinh chứ không chịu nhân nhượng. “Để đưa ra những số liệu chứng minh, chúng tôi đã phải kiểm chứng, thu thập rất nhiều thông tin, tài liệu và cả “đấu tranh” với doanh nghiệp”, vị quan chức hải quan nói. Quan điểm của cơ quan hải quan dựa trên cơ sở là, thực tế không có lý gì mà xe tải để chở hàng lại lắp kính chắn gió, điều hòa và nhiều linh kiện khác dùng để chở người. Nếu chỉ căn cứ vào việc xe này không có ghế đằng sau mà kết luận là loại chở hàng, vậy thì các loại xe Rolls-Royce hay Mercedes chỉ cần tháo ghế ngồi đằng sau là cũng có thể coi là... xe tải! Vẫn quan chức này cho biết, các doanh nghiệp đều đã chấp nhận nộp khoản thuế truy thu.

Cục Đăng kiểm: Xe tải van!

Việc xác định xe tải van được căn cứ vào Tiêu chuẩn TCVN 7271: 2003 ''ô tô phân loại theo mục đích sử dụng'' của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, xe van hiện được phân thành 2 loại: xe van chủ yếu dùng chở người và xe van chủ yếu dùng chở hàng. Đối với loại xe van vừa chở người vừa chở hàng (loại xe vẫn đang gây tranh cãi hiện nay) thì chưa được quy định theo tiêu chuẩn TCVN 7271: 2003. Bộ Khoa học và Công nghệ đang chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng nghiên cứu rà soát để bổ sung.

Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết, trước sự kiên quyết của hải quan, họ đành chấp nhận nộp thuế các lô hàng này theo mức thuế đối với xe du lịch. Tuy nhiên, trong bộ hồ sơ làm thủ tục kê khai đăng ký lưu hành xe, những chiếc xe này đã được cơ quan đăng kiểm xác nhận là xe tải van. Và như vậy những chiếc xe này sẽ phải đăng lý lưu hành là xe tải van. Éo le là ở chỗ, liệu khách hàng có chịu mua xe tải van với giá xe du lịch? Các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, họ khó có thể bán xe với giá xe du lịch, mặc dù đã phải nộp thuế ở mức xe du lịch! Và như vậy doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại lớn về kinh tế, còn cơ quan chức năng thì lúng túng trong việc quản lý loại xe này.

Để giải quyết vấn đề, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xác định lại tiêu chuẩn đối với các loại xe chở hàng và chở người, đồng thời phải có cảnh báo để tránh trường hợp doanh nghiệp tiếp tục nhập xe du lịch về sau đó hoán cải thành xe chở hàng để lách thuế.

Mâu thuẫn

Khách quan mà nói, hướng giải quyết này xem ra vẫn chưa ổn. Thứ nhất, liệu Cục Đăng kiểm có chấp nhận chịu “thua” để xác nhận lại những chiếc xe này là xe du lịch theo quan điểm của cơ quan hải quan, bởi khi xác định chúng là xe tải van, Cục Đăng kiểm cũng đã có những lý lẽ của riêng mình. Đặt giả thiết Cục Đăng kiểm không chịu thừa nhận mình sai và không xác nhận lại cho các lô hàng này thì vụ việc sẽ giải quyết ra sao? Cơ quan hải quan cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng nếu vấn đề không được giải quyết. Tuy nhiên, nếu hướng giải quyết nghiêng về cái lý của cơ quan hải quan cho rằng đây là các lô xe du lịch thì việc giải quyết cũng không đơn giản. Thứ nhất, khi xác định đây là xe du lịch, hành vi khai sai của doanh nghiệp thực chất là gian lận để trốn thuế, vì sao cơ quan hải quan lại chỉ dừng lại ở việc truy thu thuế mà không xử phạt hành vi gian lận theo quy định?

Mặt khác, trong một báo cáo gửi Tổng cục Hải quan, ông Trần Văn Hội, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, kết quả điều tra từ giấy hủy đăng ký xe tại Hàn Quốc đều thể hiện đây là xe ô tô chở người. Trong khi đó, các xe trên khi làm thủ tục nhập khẩu đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam kết luận là xe tải van 2 chỗ. Như vậy, có thể hiểu việc doanh nghiệp khai báo là “xe ô tô tải van Kia Morning và Daewoo Matiz 2 chỗ ngồi” là không đúng tình trạng nguyên thủy của xe. Nếu đúng vậy, các loại xe này sẽ thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP “xe ô tô các loại đã thay đổi kết cấu công năng ban đầu thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu, nghĩa là phải bị “tịch thu” chứ không được phép nhập khẩu và áp mức thuế xe du lịch như Bộ Tài chính chỉ đạo. Một giải pháp hợp lý khiến các bên tâm phục khẩu phục xem ra vẫn còn chưa có!

Việt Nam nhập bao nhiêu iPhone?

Từ một cuộc họp báo Chính phủ, thông tin “các doanh nghiệp nhập khẩu chi tới cả tỷ USD để nhập khẩu điện thoại di động, trong đó chủ yếu là iPhone. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn tới nhập siêu tăng cao” được đưa ra. Thông tin này khiến thị trường xôn xao, nhiều cơ quan quản lý giật mình. Cơ quan quản lý hàng hóa nhập khẩu là Bộ Công Thương vội “bắt” các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này báo cáo cụ thể. Một cơ quan quản lý khác là Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có công văn phát đi thông điệp yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cân đối hợp lý việc nhập khẩu điện thoại di động, trong đó có iPhone.

Trên các phương tiện thông tin truyền thông, các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này phản hồi rằng, số tiền nhập khẩu chỉ có vài triệu USD thôi, “lấy đâu ra cả tỷ?!”. Vậy chính xác các doanh nghịêp đã nhập khẩu bao nhiêu chiếc iPhone? Nhờ sự giúp đỡ của một quan chức Tổng cục Hải quan, chúng tôi đã có được số liệu nhập khẩu mặt hàng này. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, tổng số điện thoại di động nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam đạt 5,1 triệu chiếc, trị giá 300 triệu USD. Riêng dòng máy cao cấp iPhone mới chỉ được nhập khẩu trong tháng 3 và 4 với số lượng khoảng 14.500 chiếc. Tổng giá trị ước vào khoảng 9 triệu USD. Trong đó, 2 doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu là Viettel và VinaPhone.

Vẫn theo vị này, con số 1 tỷ USD được đưa ra chỉ chưa cụ thể chứ không hẳn là sai, nếu tính cả thiết bị 3G nhập khẩu về Việt Nam. Vị này cho rằng, việc cơ quan quản lý đưa điện thoại di động vào diện “kiểm soát đặc biệt” nhằm hạn chế nhập khẩu không có gì là oan!

Như vậy, nếu thông tin trên là chính xác, số lượng iPhone nhập khẩu vào Việt Nam lớn hơn gần 10 lần so với con số 1.500 mà các doanh nghiệp công bố. Việc công bố không chính xác số lượng iPhone nhập khẩu của các doanh nghiệp thực tế có thể là chiêu tạo ra tình trạng “khan hàng” giả trên thị trường nhằm đẩy giá bán lên cao. Cơn sốt iPhone lan tới Việt Nam khiến trong những ngày đầu doanh nghiệp chào bán iPhone nhập khẩu chính hãng hàng trăm người xếp hàng trước các cửa hàng Viettel và VinaPhone chờ mua. Hai nhà nhập khẩu chính hãng này cho biết, trong 2 ngày đầu, số iPhone được bán lên tới 500 - 600 chiếc/ngày. Tuy nhiên, thực tế là doanh số mặt hàng này hiện đã giảm sút rất nhiều, tới mức chẳng nhà nhập khẩu nào còn hào hứng công bố nữa. Cơn sốt iPhone tại Việt Nam đã nhanh chóng nguội khi giá bán tại Việt Nam khá cao. Với số lượng iPhone nhập khẩu mà cơ quan hải quan tiết lộ, e rằng các doanh nghiệp sẽ phải giảm giá bán nữa nếu không muốn ế hàng, tồn kho, đọng vốn.

(Theo Hương Viên // Báo Doanh nhân)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Luật Trọng tài: "Lột xác" để thành công cụ hữu hiệu
  • “Bỏ ngỏ” thiết bị điện dỏm
  • Triển khai lực lượng hải quan tại chỗ : Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
  • Cơ chế “một cửa” tại Cục thuế TP HCM : 90% người nộp thuế hài lòng
  • Hải Phòng: Vì một nền hành chính hiệu quả
  • Tranh chấp thương mại tại TP HCM : Thêm dấu hiệu bất thường
  • Giải pháp xử lý DN ma
  • Nhập quốc tịch cho người Việt Nam ở nước ngoài
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%