Ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, hiện còn bốn biện pháp xử lý hành chính đang được áp dụng là: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở chữa bệnh; đưa vào cơ sở giáo dục. Vấn đề đang được đặt ra hiện nay là có nên tiếp tục tồn tại cả bốn biện pháp này hay không khi tính hiệu quả của chúng nhiều khi không đạt.* Vi phạm hành chính, mời học lại luật
Luật sư tham gia vào Hội đồng tư vấn
Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính quy định, các biện pháp được đưa ra là giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Việc quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hay cơ sở giáo dục sẽ do Hội đồng tư vấn quyết định theo một trình tự, thủ tục khá chặt.
Người bị xem xét áp dụng, cha mẹ người đó hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đó (nếu có) phải được tham gia vào cuộc họp của Hội đồng tư vấn và có quyền phát biểu ý kiến của mình về việc bị áp dụng các biện pháp này. Quy định mới này sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Song theo ý kiến của tổ biên tập dự luật, một là bỏ quy định về các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, giáo dưỡng, chữa bệnh hoặc là sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thiết thực. Bởi lẽ biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là một biện pháp hành chính đặc biệt áp dụng thời kỳ đất nước còn chiến tranh đối với những đối tượng lưu manh, côn đồ.. nhưng chưa thể đưa ra xét xử nên cần thiết áp dụng nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Việt Nam đang từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp thì nên nghiên cứu bỏ biện pháp này nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn và bối cảnh hội nhập quốc tế. Các đối tượng thuộc trường hợp áp dụng biện pháp này cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng hình phạt trong trường hợp hành vi của họ cấu thành tội phạm cụ thể quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS).
Đối với biện pháp đưa vào cơ sở khám chữa bệnh cũng là biện pháp áp dụng từ thời kỳ trước chủ yếu đối với những đối tượng sử dụng ma tuý, gái mại dâm. Hiện nay, đây là biện pháp áp dụng với người nghiện ma tuý từ 18 tuổi trở lên hoặc người bán dâm thường xuyên từ đủ 16 tuổi trở lên. Tại cuộc họp ban soạn thảo mới đây, đại diện thường trực tổ biên tập cho rằng BLHS đã bỏ Điều 199 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy nên việc nghiên cứu xem xét, bãi bỏ biện pháp nói trên cũng đã đến thời điểm thích hợp nhằm bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật trong việc xử lý đối với hành vi sử dụng chất ma túy. Luật Phòng chống ma túy cũng đã coi người nghiện ma túy là người bệnh chứ không phải đối tượng phạm tội. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng đã được quy định là biện pháp tư pháp trong BLHS.
Cố cho... đủ chỉ tiêu
Mặc dù vậy, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công an) thì ví bốn biện pháp xử lý hành chính khác giống như “bốn chiếc túi”, nếu loại bỏ bất kỳ một chiếc túi nào thì những chiếc túi còn lại sẽ phải căng ra gánh thay, dẫn đến quá tải. Đây cũng chính là một cảnh báo đáng lo ngại vì thực tế, nếu đưa ra nhiều biện pháp không hiệu quả trong việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cũng gây lãng phí tiền của, công sức song nếu bỏ đi thì những đối tượng đáng ra bị áp dụng sẽ ra sao, có cơ chế nào để bảo đảm họ không tái phạm, “ngựa quen đường cũ”.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng cũng là người thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh. Tại các trường giáo dưỡng hiện nay người bệnh phải ở chung với người bình thường, việc dạy văn hoá, dạy nghề gặp khó khăn do thiếu giáo viên đủ trình độ, không được cấp bằng, việc dạy nghề chủ yếu là nghề đơn giản do thiếu cơ sở vật chất và không có cơ sở để thực tập.
Còn một điều đáng nói khác là nhiều địa phương vì muốn "trong sạch địa bàn" nên đã đưa trẻ em vi phạm hành chính vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng dù chưa bao giờ được giáo dục tại phường, xã, thị trấn. Nhiều cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng chỉ vì sợ không đủ chỉ tiêu sẽ không được giao tiền, không có viện trợ nên phối hợp với chính quyền địa phương "lấy" cho đủ chỉ tiêu ... trẻ vi phạm. Một môi trường hỗn tạp như vậy, thì tương lai của những trẻ vi phạm pháp luật chưa đến mức nghiêm trọng hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng bị chính quyền địa phương vô tình hoặc cố ý đẩy vào các cơ sở giáo dưỡng, giáo dục sẽ ra sao?
Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này là Bộ Tư pháp cần có những nghiên cứu cụ thể để việc ban hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính thực sự hiệu quả, phù hợp đòi hỏi của luật pháp quốc tế, vừa tránh cảnh trẻ em bị xô đẩy thêm vào những con đường không lối thoát.
8 năm, số người bị đưa vào trường giáo dưỡng tăng 9,4 lần Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong những năm qua, cùng với hiện tượng người chưa thành niên làm trái pháp luật tăng lên đáng kể về số lượng thì số người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng tăng lên. Nếu lấy số người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng năm 1990 là 100% thì tới năm 1996 đã tăng lên 156,8% (từ 338 em lên 1.049 em). Căn cứ vào số liệu thống kê của Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Bộ Công an thì từ năm 1995 đến tháng 2/1998 chỉ tính riêng 3 trường giáo dưỡng cấp trung ương đóng tại Ninh Bình, Đồng Nai và Đà Nẵng đã tiếp nhận trên 2.242 người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. So sánh từ năm 1995 đến năm 2003 thì số lượng người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tăng 9,4 lần. Tổng số người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ năm 1995 đến ngày 19-11-2003 là 12.005 em. |
(Theo HƯƠNG NGUYÊN // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com