Tương tự, ngày 9/5/2010, tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Vĩnh Kiên (xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã xảy ra vụ TNLĐ do nổ nồi hơi, làm 3 người chết, 15 người bị thương. Khi khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng đã phát hiện ra rằng, rất nhiều lao động ở đây không được trang bị đồ bảo hộ lao động hoặc không sử dụng đồ bảo hộ lao động để tự đảm bảo an toàn cho mình.
Thực tế cho thấy, trong nhiều nguyên nhân gây ra TNLĐ, có một nguyên nhân cơ bản lặp đi lặp lại là việc không tuân thủ các quy trình bảo hộ lao động và không trang bị đồ bảo hộ cho người lao động. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 2.611 vụ TNLĐ xảy ra, trong đó có 112 vụ do các thiết bị không đảm bảo an toàn, 85 vụ do không có thiết bị an toàn, 18 vụ không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động.
“Nhiều doanh nghiệp không trang bị các thiết bị cần thiết bảo hộ cho người lao động và không có bộ máy giám sát người lao động thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu về bảo hộ lao động”, ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.
Về phía người lao động, không ít người mặc dù được trang bị các phương tiện bảo hộ cho bản thân, nhưng lại không tuân thủ quy định sử dụng. Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, có tới 87 vụ TNLĐ xảy ra do người lao động không đảm bảo các phương tiện bảo hộ trong lúc làm việc.
Theo ông Bùi Hồng Lĩnh, mặc dù Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 đã yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn và bảo hộ lao động cho người lao động, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đang phớt lờ quy định này. “Nhiều quy định đặt ra, nhưng do thiếu chế tài xử phạt hoặc chế tài chưa đủ mạnh, nên dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động và người lao động cố ý không chấp hành”, ông Lĩnh cho biết.
Đi cùng với việc thiếu chế tài xử phạt, lực lượng thanh tra quá mỏng cũng là nguyên nhân khiến các quy định chưa được giám sát thực hiện trong cuộc sống.
Ông Lĩnh cho biết, với tốc độ tăng nhanh của các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự phát triển của lực lượng thanh tra xem ra không đáng kể. Do vậy, lực lượng thanh tra đã không thể phát hiện kịp thời các nguyên nhân tiềm tàng gây TNLĐ để phòng ngừa. Thực tế, có nhiều vụ TNLĐ sau khi xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng mới có lực lượng thanh tra vào cuộc.
Trong thời điểm nay, theo ông Lĩnh, các địa phương cần tăng cường kiểm tra một số lĩnh vực trọng điểm hay xảy ra TNLĐ như khai thác mỏ, xây dựng, lắp đặt và sửa chữa điện, khai thác đá, sử dụng các loại máy có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
“Cùng với việc tăng cường thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục sửa đổi quy định, tăng chế tài với những trường hợp vi phạm về bảo hộ lao động để bắt buộc các doanh nghiệp, đơn vị và cả người lao động phải tự mình loại bỏ các nguy cơ gây TNLĐ từ trước”, ông Lĩnh cho biết.
(Theo An Khuê // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com