Bộ Tài chính sẽ mạnh tay hơn với những hành vi chuyển giá. |
Bên cạnh một số thông tư mới ban hành về việc xác định giá hàng hóa, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý thuế.
Trong đó, “chống chuyển giá” và nâng cao hiệu lực của cơ quan thuế, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế là những nội dung được chú trọng.
Hành vi chuyển giá
Một số vụ doanh nghiệp thực hiện thủ thuật chuyển giá để trốn thuế đã bị xử lý. Điển hình nhất là trường hợp 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất, kinh doanh, chế biến chè tại Lâm Đồng.
Theo báo cáo tài chính và quyết toán thuế đã được kiểm toán của 17 doanh nghiệp này, sản lượng chè xuất khẩu năm 2009 là 1.522 tấn, doanh thu là 105 tỷ đồng với giá bán xuất khẩu từ 2,8 - 4 USD/kg chè thành phẩm dẫn đến số lỗ năm 2009 là 63,68 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2009 là 317 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều đơn vị đã lỗ gần hết số vốn đầu tư hoặc vượt hơn số vốn đầu tư.
Bằng các quy trình nghiệp về kiểm tra thuế, Cục Thuế Lâm Đồng nhận thấy, với giá chè búp tươi là 35.000 đồng/kg và định mức tiêu hao 5 kg chè tươi được 1 kg chè Ô Long thành phẩm thì giá thành nguyên liệu chính là 175.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá xuất khẩu quy ra tiền Việt Nam chỉ là 64.580 đồng/kg.
Nhận thấy dấu hiệu chuyển giá tại các doanh nghiệp này, Cục Thuế Lâm Đồng đã thực hiện hàng loạt các nghiệp vụ thanh tra theo quy định của pháp luật (khảo sát thực tế, thu thập thông tin, đối thoại với các doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp), với kết luận có hành vi chuyển giá tại các doanh nghiệp này và yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập.
Bộ Tài chính cũng đã công khai danh sách 82 doanh nghiệp thuộc diện phải thanh tra thuế do có những dấu hiệu bất thường về doanh nghiệp và lợi nhuận trong năm 2010. Các doanh nghiệp này bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Những dấu hiệu của doanh nghiệp được xếp vào danh sách này là lỗ lũy kế liên tục trong 3 năm, hoặc lỗ đến âm vốn.
Trao đổi với người viết, một lãnh đạo ngành thuế cho biết, kết quả sơ bộ cho thấy một số doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động quá lớn nên lỗ mang tính kỹ thuật, tuy nhiên, kết luận thanh tra cuối cùng sẽ được công bố trong thời gian sắp tới.
Pháp lý chưa đủ mạnh
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chống chuyển giá hiện nay vẫn chưa được thực hiện triệt để một phần do khuôn khổ pháp lý chưa đủ mạnh. Luật Quản lý thuế quy định cơ quan thuế có quyền ấn định thuế khi người nộp thuế: “Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường”.
Mặc dù, quy định này không chỉ rõ các nội dung và chế tài cụ thể, nhưng cũng tạo ra căn cứ pháp lý nhất định để xử lý vấn đề chuyển giá.
Hiện tại, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá thị trường trong các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Thông tư này thay thế Thông tư 117/2995/TT-BTC. Theo đó, có 5 phương pháp xác định giá thị trường là: phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; phương pháp giá bán lại; phương pháp giá vốn cộng lãi; phương pháp so sánh lợi nhuận; phương pháp tách lợi nhuận.
Thông tư này được đánh giá là giúp thêm các cán bộ ngành thuế có công cụ để đánh giá và xử lý các doanh nghiệp thực hiện chuyển giá.
Để mạnh tay hơn với những hành vi chuyển giá, Bộ Tài chính đang xây dựng phương án sửa luật quản lý thuế theo hướng tập trung xử lý các hành vi gian lận thuế và chuyển giá. Dự kiến, tháng 10/2011, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ được trình và chờ thông qua ở kỳ họp Quốc hội tháng 5/2012.
Mục tiêu sửa luật là tạo nền tảng pháp lý để cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc sửa luật là nhằm nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao hiệu lực hiệu quả của cơ quan thuế, phù hợp với cơ chế thị trường.
Biện pháp mạnh mẽ nhất được đề xuất là ấn định số thuế trên doanh số khi doanh nghiệp kê khai không hợp lý. Theo đó, khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan thuế phải chứng minh được dấu hiệu đó để ấn định mức thuế. Tỷ lệ ấn định dựa trên doanh nghiệp tương tự.
Cách thứ hai là làm tốt thuế nhà thầu. Đối với doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam, đầu tư không ở dạng tư cách pháp nhân có thể quy định thuế khoán ấn để nhà đầu tư biết trước để đấu thầu.
Cách thứ ba để hỗ trợ chống chuyển giá được đề xuất là quy định thỏa thuận giá trước. Nghĩa là, trước khi vào đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan thuế sẽ thỏa thuận giá trước để hạn chế những vướng mắc sau này. Cơ quan thuế sẽ tính toán, tham khảo với cơ quan thuế của nước ngoài để đưa ra mức thuế, nhà đầu tư thì tính toán đầu vào, đầu ra và thấy mức thuế hợp lý thì chấp thuận hoặc trao đổi lại.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com