Đại diện doanh nghiệp chờ làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế quận Tân Bình. Ảnh: Minh Tâm. |
Theo Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6-4 của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (trừ một số trường hợp đặc biệt) sẽ được gia hạn thời gian đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của năm 2011 thêm một năm.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, việc gia hạn nộp thuế ở thời điểm này giống như liều thuốc bổ, trong khi điều cấp thiết đối với họ lúc này là những liều thuốc đặc trị.
Không thể đo đếm
Nói về chính sách gia hạn nộp thuế, tất cả doanh nghiệp chúng tôi tiếp xúc đều nhận định: trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp hàng tá khó khăn như hiện nay, chuyện giãn thuế chỉ mang ý nghĩa tinh thần, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với doanh nghiệp chứ khó lòng mang lại một hiệu quả thiết thực nào.
Đơn giản là với tình hình này, sản xuất kinh doanh có lãi để đóng thuế là điều gần như không tưởng với nhiều doanh nghiệp. Nếu may mắn có lãi thì mức thuế TNDN của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) như quy định cũng không đáng kể, có đưa trở lại để quay vòng vốn sản xuất cũng như muối bỏ bể.
Ông Trần Anh Huy, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Huy Phát, đơn vị gia công nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho các tập đoàn đa quốc gia với vốn điều lệ dưới 4 tỉ đồng, sử dụng chừng 10 công nhân, nói với TBKTSG rằng: bây giờ anh em bạn bè làm ăn chung gặp nhau, câu hỏi đầu tiên là “sống sót được không?” chứ không phải “năm nay lời bao nhiêu?” như trước đây.
Ông Huy cho biết chưa có thời điểm nào giá cả đầu vào lại tăng nhiều, tăng nhanh như thời gian qua. Chẳng hạn, vỏ sò, nghêu tăng 20%, dầu chạy máy từ đầu năm đến nay tăng hai lần, doanh nghiệp phải tăng 20-30% lương nhân công để giữ người...
“Vấn đề ở chỗ chúng tôi không thể tăng giá bán tương ứng với mức tăng giá đầu vào theo kiểu nước lên thuyền lên, bởi làm không khéo là mất khách hàng. Mình là doanh nghiệp nhỏ, đâu có thể làm căng với mấy ông lớn. Họ không lấy hàng của mình thì có thể lấy của hàng chục người khác. Còn mình không bán được hàng cho họ là coi như khóc ròng”, ông Huy nói. Và vì vậy, theo ông, doanh nghiệp chỉ còn biết bấm bụng giảm lãi, cố duy trì sản xuất chờ qua cơn bĩ cực.
Cũng theo ông Huy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ông hiện giờ giảm xuống dưới 10%, thay vì 25-30% như trước đây. Chỉ tiêu lợi nhuận năm nay theo đó gần như không được đặt ra. Và chuyện giãn thuế TNDN cũng không nằm trong suy nghĩ.
Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (Miti), cho hay khó khăn của doanh nghiệp còn nằm ở việc hàng hóa sản xuất ra muốn tiêu thụ cũng khó. Ông cho biết khi gặp khó khăn về vốn, doanh nghiệp muốn đẩy mạnh việc bán lẻ để mong có vốn quay vòng nhưng đành lùi bước vì giá thuê mặt bằng.
Theo ông, giá thuê một mặt bằng rộng chừng 30 mét vuông tại Hà Nội hiện ở mức 60-70 triệu đồng/tháng, mà cũng không có để thuê. Thành thử, cái khó bó cái khôn, đã khó càng khó hơn. Ông thừa nhận năm nay mức lợi nhuận sẽ khó lòng đạt được như mục tiêu dù chỉ dám đặt bằng năm ngoái. Vì thế mức thuế được gia hạn không đáng bao nhiêu, giống như hầu hết các doanh nghiệp nhỏ khác.
Phó tổng giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản cho hay, số thuế TNDN năm 2010 đơn vị này phải đóng là hơn 500 triệu đồng. Năm nay, chỉ tiêu lợi nhuận được đặt ra chỉ bằng hai phần ba mức lợi nhuận năm ngoái và đang đứng trước nguy cơ không thể đạt được. Điều tất nhiên là mức thuế TNDN phải đóng sẽ thấp hơn rất nhiều. Con số quyết toán theo từng quí lại càng nhỏ. “Số tiền này nếu dùng quay vòng vốn, thú thực sẽ như muối bỏ bể với chúng tôi khi có những hợp đồng trị giá tới hàng chục tỉ đồng”, ông nói.
Bi quan hơn, ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Thực phẩm Hanco (Hancofood), cho biết tình hình năm nay tại công ty sẽ bi đát hơn mọi năm, có thể lỗ chứ không dám nói hòa vốn. Do vậy, việc đóng thuế TNDN là điều không thể xảy ra. Ông Tuấn nhận xét, chuyện gia hạn nộp thuế trong bối cảnh này chỉ mang ý nghĩa tinh thần, hiệu quả thực tế thì chưa thể đo được.
Theo ông Tuấn, mối quan tâm của doanh nghiệp lúc này không phải là những chuyện xa xôi, xảy ra ở thì tương lai như mức thuế TNDN phải đóng bao nhiêu mà là những vấn đề sát sườn, cụ thể và trước mắt như tìm vốn ở đâu nếu không chấp nhận vay lãi suất cao ngất ngưởng ở ngân hàng, phải làm sao để duy trì sản xuất...
Rối trong việc xác định đối tượng
Khác với quyết định giảm thuế TNDN được thực hiện năm 2009-2010, đối tượng được giãn nộp thuế năm nay bị thu hẹp lại. Theo đó, doanh nghiệp xếp loại 1 theo quy định của Thông tư liên tịch số 23 (thường là các doanh nghiệp nhà nước), DNNVV được xếp hạng đặc biệt, doanh nghiệp theo mô hình mẹ - con mà công ty mẹ nắm giữ hơn 50% vốn chủ sở hữu công ty con, không phải đối tượng DNNVV, công ty con dù đáp ứng tiêu chí về vốn và lao động sẽ không được gia hạn nộp thuế.
Chưa hết, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, xổ số kiến thiết, từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện tiêu thụ đặc biệt và thu nhập từ kinh doanh các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu... cũng không thuộc diện gia hạn nộp thuế.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, sẽ có khoảng 200.000 doanh nghiệp trên tổng số 360.000 DNNVV trong cả nước thuộc đối tượng thụ hưởng của chính sách với số tiền thuế gia hạn ước khoảng 7.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương, số lượng doanh nghiệp và số tiền thuế chậm thu lại chưa thể xác định. Một lãnh đạo của Cục Thuế TPHCM nói rằng: cho đến thời điểm này chưa thể tính được con số chính xác doanh nghiệp thụ hưởng cũng như số thuế chậm thu. Nguyên nhân là quy định năm nay về đối tượng, ngành nghề kinh doanh quá chi tiết, cụ thể.
“Chẳng hạn, trong cùng doanh nghiệp nhưng nếu nguồn thu từ bất động sản, chứng khoán... thì không được gia hạn nộp thuế, còn từ các nguồn khác thì lại được hưởng. Các khoản thu phải được hạch toán riêng. Từ phía cơ quan thuế, để có thể xác định được số lượng, số tiền thuế không hề đơn giản. Còn bản thân doanh nghiệp, nếu không đọc kỹ văn bản hướng dẫn, không được tư vấn, có thể bị nhầm lẫn”, người này nói.
Nhiều doanh nghiệp cho biết vốn đã không hào hứng với chuyện gia hạn nộp thuế vì kinh doanh lời lỗ chưa biết, lại thấy quy định rắc rối, phức tạp nên càng không mặn mà. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản kể, doanh nghiệp của bà được bên thuế xác định là DNNVV, nếu xét về tiêu chí lao động thì thuộc đối tượng được giãn nộp thuế nhưng thanh tra thuế lại xác định không phải. Lý lẽ của thanh tra thuế là phải lấy tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên chứ không phải tổng số lao động.
“Đã từng bị phạt về việc chậm nộp thuế, mất một khoản khá lớn chỉ vì sự chênh nhau giữa các cơ quan quản lý, nên lần này chúng tôi chấp nhận mình không phải là DNNVV, cứ đóng thuế nếu có lãi cho chắc ăn”, bà nói.
Theo nhiều doanh nghiệp, đây không phải lúc để kêu than hoặc trông chờ vào các chính sách hỗ trợ mà phải tự thân vận động, tìm ra các giải pháp cho riêng mình.
Ông Tuấn cho biết cách làm của Hancofood hiện nay là phải tìm nguồn vốn khác ngoài vốn vay ngân hàng. Nguồn vốn này sẽ lấy từ việc cơ cấu lại tài sản, bán những tài sản không cần thiết, không phục vụ cho sản xuất kinh doanh trước mắt. Tiếp đó là kêu gọi đối tác chiến lược đầu tư vốn. Hiện Hancofood đang trong quá trình tiếp xúc, thương thảo với một số nhà đầu tư cùng lĩnh vực sản xuất đến từ Mỹ, Úc, Đan Mạch.
“Chúng tôi xác định trong điều kiện hiện nay, việc hợp tác phải được thực hiện càng nhanh càng tốt, không nên quá chi li, chú ý các tiểu tiết mà cần nhìn vào lợi ích lâu dài”, ông Tuấn nói.
Đối tượng được giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ là các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về vốn và lao động theo quy định của Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 về trợ giúp phát triển DNNVV.Nghị định 56 định nghĩa về DNNVV như sau: |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com