Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Soạn thảo luật: không thể bỏ qua quy trình

Gần 100 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã gửi đơn đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa họ với lãnh đạo Bộ Công Thương để tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Thông tư 20 (*) vừa được ban hành.

Theo Thông tư 20, doanh nghiệp khi nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, ngoài thủ tục hiện hành, còn phải nộp thêm những giấy tờ sau: giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng; giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Văn bản này được cho là đã đặt ra những rào cản gây khó khăn cho việc nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống và vì vậy đang bị các doanh nghiệp phản ứng quyết liệt.

Nhìn từ những góc độ khác nhau, việc quy định thêm những giấy tờ nói trên trong thủ tục nhập khẩu ô tô liệu có cần thiết hay không là điều có lẽ còn nhiều tranh cãi. Doanh nghiệp có cái lý của mình nhưng Nhà nước vì mục tiêu quản lý nền kinh tế nên chắc chắn cũng không phải vô cớ mà đặt ra quy định nói trên. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý Thông tư 20 có những dấu hiệu chưa phù hợp, đặc biệt là về thẩm quyền cũng như quy trình xây dựng văn bản pháp luật.

Để ngăn chặn vấn nạn “giấy phép con”, điều 7 Luật Doanh nghiệp đã quy định rằng tất cả các cơ quan cấp dưới Chính phủ, trong đó có cơ quan bộ đều không được quyền đặt ra các quy định về điều kiện kinh doanh cho các ngành, nghề kinh doanh. Có ý kiến cho rằng các giấy tờ được quy định bởi Thông tư 20 do Bộ Công Thương ban hành thực chất chính là những điều kiện kinh doanh của ngành nghề nhập khẩu ô tô vì muốn nhập khẩu doanh nghiệp buộc phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đó. Như vậy, cần phải kiểm tra, xem xét lại thẩm quyền ban hành Thông tư 20, nếu không phù hợp Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có thể yêu cầu Bộ Công Thương hủy bỏ văn bản nói trên.

Theo quy định, trong quá trình xây dựng pháp luật, cơ quan soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và ý kiến đóng góp phải được tiếp thu. Đối với các văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì dự thảo phải gửi cho VCCI để tổ chức lấy ý kiến trong vòng 20 ngày. Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết dự thảo Thông tư 20 đã không được gửi cho VCCI.

Cũng theo ông Tuấn, không chỉ Thông tư 20 mà hầu hết dự thảo các văn bản pháp luật mang tính chất điều hành, quản lý của các bộ, ngành rất ít khi được gửi cho VCCI để lấy ý kiến. Hiện nay, nhiều trang web của các bộ, ngành đã có mục “lấy ý kiến dự thảo văn bản”, tuy nhiên có những dự thảo người ta vẫn không thể nào tìm thấy chúng cho đến khi “bỗng nhiên” văn bản được ban hành. Lại có trường hợp, dự thảo cũng được công khai nhưng so với văn bản được ban hành thì nội dung khác nhau về cơ bản.

Điển hình là trường hợp Thông tư 01/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cấm kinh doanh sàn vàng. Ngân hàng Nhà nước đã thành lập tổ liên ngành để xây dựng dự thảo quản lý sàn vàng từ tháng 10-2008. Quá trình xây dựng dự thảo cũng được thực hiện chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng liên quan và trong các dự thảo đều không có phương án cấm kinh doanh sàn vàng.

Thế nhưng, Thông tư 01 lại đưa ra quy định này, hơn nữa còn quy định văn bản có hiệu lực ngay kể từ khi ban hành, khiến cho các doanh nghiệp hết sức bất ngờ. Trong khi đó, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời điểm có hiệu lực của văn bản không được sớm hơn 45 ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

Việc bỏ qua, không lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo không chỉ là vấn đề vi phạm về quy trình mà còn dẫn đến một vấn nạn đã đề cập nhiều, đó là tình trạng chất lượng văn bản pháp luật yếu kém. Nếu giả sử dự thảo được công bố và lấy ý kiến đóng góp cẩn thận thì có lẽ đã không có chuyện gần 100 doanh nghiệp phải đề nghị gặp lãnh đạo Bộ Công Thương để giải quyết vướng mắc của Thông tư 20. Vì vậy, dù mục tiêu có thể là cần thiết nhưng để có những văn bản pháp luật đi vào cuộc sống thì việc xây dựng pháp luật không thể bỏ qua những quy trình luật định. Thông tư 20 có thể là một bài học cần rút ra.

__________

(*) Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống do Bộ Công thương ban hành vào ngày 12-5-2011

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Sửa luật thuế để chống chuyển giá
  • Bàn thêm về phụ phí hãng tàu
  • Độc quyền trong khai thác mỏ quặng Apatit: Cần thay đổi quy hoạch (p2)
  • Hướng dẫn thăm dò, khai thác, tuyển quặng apatít : Tạo thế độc quyền? (p1)
  • Méo mặt vì chọn lầm nhà thầu
  • Mở cửa thị trường thẩm định giá: còn nhiều bất cập
  • Phần vốn góp: Cam kết góp hay thực góp?
  • Bị bắt chẹt vẫn phải hiệp thương
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%