Thanh tra Bộ TNMT kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của DN trong KCN |
Quyết định số 4523 của UBND tỉnh về việc xử lý ô nhiễm tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên, việc thiếu nhất quán về chủ trương và không đồng bộ trong xử lý các DN vi phạm luật môi trường khiến cho lộ trình thực hiện Quyết định 4523 không đạt được kết quả như mong đợi.
Theo tinh thần của Quyết định 4523, 29/52 DN đang hoạt động tại các KCN nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải dừng ngay hành vi xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn VN cho phép cho đến khi có biện pháp xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn VN. 23 DN còn lại thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải nhanh chóng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, khí thải trong năm 2009.
Doanh nghiệp chưa “động đậy”
Quyết định cũng yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các KCN phải nhanh chóng đầu tư hoàn chỉnh nhà máy xử lý nước thải tập trung trong năm 2009. Bên ngoài các KCN, lộ trình cho các DN đang hoạt động nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là một năm (bắt đầu từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2009 phải hoàn thành các hạng mục xử lý khí thải, nước thải). Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn khá nhiều DN thiếu thiện chí trong việc khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường do chính mình gây ra.
Trung tá Lê Văn Ninh - Phó trưởng phòng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh cho biết, DNTN Liêm Chính (KCN Mỹ Xuân A) là một điển hình. DN này vừa sử dụng trái phép nguồn tài nguyên nước ngầm, vừa không xử lý nước thải theo quy định trước khi thải ra môi trường. Mặc dù đã được các ngành chức năng từ TƯ đến địa phương và cảnh sát môi trường kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp khắc phục nhưng đến nay DN này vẫn đánh bài “lờ”, không tự xử lý nước thải trước khi đưa vào hệ thống xử lý chung của toàn KCN Mỹ Xuân A, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý của nhà máy xử lý nước thải tập trung vì các chỉ số ô nhiễm như: kim loại, dầu mỡ khoáng, chất lơ lửng trong nước... đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.
Nhiều DN khác như: Cty TNHH in kỹ thuật Thắng Nhất; Công ty TNHH Phương Hà – sản xuất bao bì (KCN Đông Xuyên); Cty TNHH SCT gas, KCN Phú Mỹ I cũng đã được kiểm tra nhắc nhở rất nhiều lần nhưng tình hình không cải thiện. Theo báo cáo của Cảnh sát môi trường tại đợt kiểm tra mới đây, Cty TNHH Phương Hà còn vi phạm nghiêm trọng hơn các cơ sở ngoài KCN đã bị đình chỉ hoạt động. Nhà máy giấy Mỹ Xuân (KCN Mỹ Xuân A) cũng vi phạm nghiêm trọng khi DN này sản xuất giấy mà không có hệ thống thu gom xử lý khí thải, ống khói thì thấp lè tè, khi đốt than đốt củi khói mù mịt, ảnh hưởng rất lớn đến DN bên cạnh.
Bất công “trong - ngoài”
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều DN cố tình “chây ì”, không giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường là do thiếu nhất quán trong chủ trương xử lý các doanh nghiệp vi phạm luật môi trường. Thực tế, cũng là những hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường, bên ngoài các KCN, chỉ riêng khu vực xã Tân Hải, huyện Tân Thành, đã có 9/22 doanh nghiệp gây ô nhiễm bị tạm đình chỉ sản xuất. Thế nhưng các doanh nghiệp bên trong các KCN như DN tư nhân Liêm Chính, Công ty TNHH in kỹ thuật Thắng Nhất; Công ty TNHH Phương Hà và Cty TNHH SCT gas thì vẫn vô sự. Theo Trung tá Lê Văn Ninh, đây thực sự là thiếu công bằng.
Không chỉ bất công trong việc xử lý các vi phạm về môi trường giữa bên trong và bên ngoài các KCN, sự thiếu nhất quán về chủ trương từ tỉnh đến địa phương đã và đang tạo nên sự bất công gữa các DN cùng lỗi vi phạm.
Ách tắc do... lộ trình
Trung tá Lê Văn Ninh chỉ rõ, hiện nay, trên địa bàn TP Vũng Tàu có 74 cơ sở gia công, chế biến thủy hải sản. Các cơ sở này nằm đan xen nhau và rải đều trên địa bàn các phường, xã, của TP. Trong đó, theo phân cấp quản lý của Luật bảo vệ môi trường, có 20 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; 54 cơ sở còn lại thuộc thẩm quyền quản lý của TP Vũng Tàu. Trong số 20 cơ sở thuộc tỉnh quản lý, đã có 17 cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chỉ còn 3 cơ sở, còn 54 cơ sở do TP quản lý thì hầu hết chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Lộ trình tỉnh gia hạn cho các DN cũng chỉ đến đầu năm 2009. Thời gian sau này, DN nào vi phạm thì bị đình chỉ hoạt động. Trong khi đó, các DN TP Vũng Tàu quản lý thì lộ trình lại được kéo dài đến tận tháng 6/2011. Điều này dẫn đến nghịch lý là: Các DN nằm cạnh nhau, cùng vi phạm như nhau nhưng một bên thì bị phạt nặng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động, một bên thì vẫn vô sự.
Trường hợp các DN ở kênh Cây Khế (phường 12 TP Vũng Tàu là một điển hình. Khi các hộ dân dọc kênh có đơn kiện, Cảnh sát môi trường kiểm tra, phát hiện đang chuẩn bị xử phạt thì TP có ý kiến rằng họ đã có lộ trình gia hạn cho các DN này đến tháng 6/2011. Như vậy các DN vi phạm vẫn không bị phạt. Trong khi đó, các DN bên kia kênh do tỉnh quản lý thì bị phạt. Trường hợp các DN chế biến thủy sản khu vực cầu Cỏ May cũng một số do tỉnh quản lý, một số do TP quản lý, nằm xen kẽ nhau. TP thì cho tồn tại đến tháng 6/2011, còn tỉnh thì đang đóng cửa các cơ sở xả thải.
Trung tá Lê Văn Ninh cho rằng, cần có sự thống nhất để tạo lộ trình bình đẳng cho DN. Hơn nữa, lộ trình dù được gia hạn đến thời gian nào nhưng cũng phải buộc các DN ngưng xả thải, chứ nếu vẫn để xả thải thì mọi nỗ lực của các ngành các cấp đều bị “xóa sổ”.
(Theo Trung Đức // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com