Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

200 lao động Việt sống trong rừng Nga : Xưởng may đen đè mộng làm giàu

200 người Việt vừa bị công an Nga phát hiện trong khu rừng ngoại ô Moscow, theo ghi nhận của cộng tác viên Sài Gòn Tiếp Thị ở Nga, chỉ là số nhỏ khi có hàng ngàn người Việt qua Nga lao động trong các xưởng may bất hợp pháp, nguồn cung hàng cho chợ Vòm vừa bị đóng cửa.

200 lao động Việt phải sống tạm trong rừng. Ảnh: TL

Đại diện cơ quan di trú tỉnh Moscow cho biết, gần 60 công dân Việt Nam vừa bị bắt giữ trong một khu rừng ở quận Lyubertsy, ngoại ô Moscow. Toàn bộ số người này không có giấy tờ tuỳ thân.

Trước đó, báo chí Nga loan tin công an phát hiện 200 người Việt Nam cư ngụ trong một khu rừng gần thị trấn Malakhovka thuộc tỉnh Moscow. Họ đã căng lều bạt thành một doanh trại, cắt cử cả người canh gác. Phụ nữ và trẻ em được ưu tiên sống bên trong, đàn ông ở vòng ngoài.

Theo nguồn tin từ sở Di trú tỉnh Moscow, những người này từng làm công nhân ở một số xưởng may “đen”, cách gọi để phân biệt với xưởng may hợp pháp có đóng thuế, do các ông chủ người Việt đầu tư và tổ chức hoạt động.

Vấn nạn xưởng may đen

Trước khi chợ Vòm bị đình chỉ hoạt động, toàn bộ sản phẩm của các xưởng may này được chở thẳng ra ngoài chợ, thông qua các điểm bán hàng của những tiểu thương người Việt được bán sỉ đến các địa phương của nước Nga. Các hàng hoá này chủ yếu là hàng giả, hàng nhái mác có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật.

 

Khi chợ Vòm đóng cửa, theo quyết định của chính quyền Moscow hôm 29.6, gần trăm ngàn người mất việc làm, trong đó có các tiểu thương người Việt. Thị trường tiêu thụ sản phẩm “đen” của các xưởng may “chui” cũng tiêu tan. Để giảm bớt thiệt hại, nhiều chủ xưởng nhanh chóng thoái thác trách nhiệm đối với công nhân của mình, đẩy họ ra ngoài đường trong tình trạng không nơi nương tựa, không tiền bạc, không giấy tờ tuỳ thân. Trong cảnh “màn trời chiếu đất” này, những công nhân người Việt đáng thương buộc phải rút lui vào rừng, sống trong các lều tạm.

Có thể nói, các xưởng may “đen” là một vấn nạn của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga. Chúng mọc lên như nấm trong những năm gần đây do nguồn lợi khổng lồ từ việc làm hàng giả, nhái mác và trốn thuế. Bên cạnh đó, công nhân làm việc tại đây là những người được tuyển thẳng từ Việt Nam, chấp nhận làm việc với đồng lương rẻ mạt, mỗi ngày phải lao động cật lực từ 10 – 15 tiếng, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, chui lủi, trở thành những người cư trú bất hợp pháp vì không có giấy tờ lao động hợp lệ.

Tan mộng làm giàu

Được quảng cáo mức lương trên 600 USD, lao động trong xưởng may bất hợp pháp phải làm 15 giờ, lương lại thấp. Ảnh: TL

Nhiều người đã bị lừa sang Nga sau khi được một số nhà tuyển dụng trong nước quảng cáo mức lương 600 – 1.000 USD mỗi tháng. Trần Văn Thảo, một cử nhân luật, không biết trời xui đất khiến thế nào lại sang Nga làm may. Vừa đến nơi đã bị “dính” công an vì giấy tờ không hợp lệ. Sau sáu tháng ngồi trại giam, anh được một chủ xưởng thương tình bỏ tiền chạy cho ra, nhưng với điều kiện đi làm trả nợ dần. Gần năm năm trời, anh vẫn không gửi về cho gia đình được một xu. Tết nhất cũng không dám gọi điện về nhà vì xấu hổ.

Liên tiếp trong các tháng gần đây, công an Nga đã phát hiện và xoá bỏ nhiều xưởng may “đen” của người Việt Nam. Ngày 17.8 vừa qua, phòng an ninh kinh tế bộ Nội vụ Nga đã phá một vụ án liên quan đến xưởng may “đen” của người Việt Nam chuyên may quần áo nhái mác “Sochi-2014” và các nhãn mác của các công ty nước ngoài nổi tiếng. Xưởng may này nằm tại thị trấn Ivanteevka, quận Pushkin, tỉnh Moscow với 300 cỗ máy may công nghiệp và 600 công nhân làm việc suốt ngày đêm. Hầu như tất cả số công nhân này cư trú bất hợp pháp, họ không có những giấy tờ lao động hợp lệ. Bản thân công ty không có giấy phép sản xuất, không nộp thuế.

Chưa đầy ba tháng trước, cán bộ cơ quan di trú Nga đã bắt giữ 200 người Việt Nam làm việc ở một xưởng may ngay giữa trung tâm thị trấn Balashikha, ngoại ô Moscow. Nguyễn Thành Lộ, một công nhân của xưởng may này cho biết: “Toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu bị ông chủ thu giữ. Tiền lương nhận được chỉ vừa đủ ăn”.

Theo đánh giá của một số người có trách nhiệm trong cộng đồng người Việt tại đây, con số các xưởng may kiểu này ở ngoại ô Moscow trước khi chợ Vòm đóng cửa là hàng trăm. Trung bình mỗi xưởng có 100 – 150 công nhân. Như vậy, 200 người Việt vừa bị bắt trong rừng chỉ là số nhỏ trong số hàng ngàn người đang lâm vào tình cảnh bị “bỏ chợ”. Trần Thanh, một chủ xưởng may vào loại “nhờ nhờ” cho biết, hiện nay khoảng 30% công nhân may đã về Việt Nam bằng tiền gia đình gửi sang. Số còn lại không biết lấy đâu ra tiền mua vé máy bay vì các ông chủ của họ đã cao chạy, xa bay. Trong khi đó, vẫn có những đoàn người ôm mộng làm giàu tìm đường sang Nga.

(Theo Thành Công/SGTT/ (Moscow)

  • 2 tấn ngà voi “quá cảnh” cảng Hải Phòng
  • Dự thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng: Dễ đáo tụng đình hơn
  • Vụ điện kế điện tử: Ông Lê Minh Hoàng xin hưởng án treo
  • Cán bộ khu bảo tồn thiên nhiên xẻ thịt bò rừng?
  • Hai con đập ở Mê Linh (Hà Nội) bị sụt vỡ: Không thể đổ lỗi cho... ông Trời
  • Quy chế về góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài
  • Gom sổ đỏ để thế chấp ngân hàng?
  • Phát hiện 'thương vụ' gần 100 triệu đồng tiền giả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%