Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

12% số văn bản kiểm tra có dấu hiệu trái luật

Sáng 21.11, Bộ Tư pháp đã tổ chức sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện công tác kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật (2003 - 2008), với sự tham gia của đại diện 20 địa phương và tất cả các bộ, ngành.

Ngày 14.11.2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2003/NĐ-CP về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ này và đã đạt kết quả tốt.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã đánh giá: "Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật ngay từ khi mới ban hành đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong việc xây dựng và ban hành văn bản, từng bước hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật".

Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khẳng định: "Mặc dù khi bắt đầu triển khai Nghị định 135 đã có nhiều ý kiến băn khoăn, e ngại và thực tế đến thời điểm này vẫn còn có những e ngại, nhưng thực tế đã khẳng định công tác kiểm tra văn bản QPPL đã đi vào cuộc sống và được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân".

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, công tác tự kiểm tra văn bản QPPL được các ngành tích cực thực hiện. Báo cáo của Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho thấy: Các bộ, ngành và địa phương đã tự kiểm tra được 33.155 văn bản (trong đó số văn bản do cấp bộ tự kiểm tra là 6.826, chiếm 21%; cấp tỉnh tự kiểm tra được 26.293 văn bản, chiếm 79% số văn bản toàn ngành tự kiểm tra). Qua kiểm tra, đã phát hiện 3.460 văn bản có dấu hiệu sai trái (cấp bộ đã phát hiện 333 văn bản, chiếm 10%; cấp tỉnh phát hiện được 3.127 văn bản, chiếm 90%).

Số văn bản này đến nay đã được xử lý hoặc đang trong quá trình xử lý theo quy định. Về công tác kiểm tra văn bản QPPL theo thẩm quyền kiểm tra, xử lý, toàn ngành đã phát hiện 6.879 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 12% số văn bản tiếp nhận để kiểm tra. Riêng Bộ Tư pháp, trong các năm qua đã kiểm tra, phát hiện 2.174 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 32% số văn bản do toàn ngành phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật và chiếm 85% số văn bản cấp bộ phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật. Các văn bản này chủ yếu là sai về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày, một số có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung hoặc thẩm quyền đã và đang trong quá trình xử lý theo quy định.

Trong công tác kiểm tra văn bản QPPL theo thẩm quyền, việc kiểm tra theo các nguồn tin theo yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân mới phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 135), mới thực hiện chủ yếu tại Bộ Tư pháp.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL  Lê Hồng Sơn: "Bộ Tư pháp đã tích cực thực hiện kiểm tra và kiến nghị xử lý các văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật theo ý kiến phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức và của cá nhân về các văn bản của các bộ: Văn hoá - thông tin, Xây dựng, Công an, Y tế, GTVT... và các địa phương: Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc... Các vấn đề được phản ánh thường thuộc các lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc của công dân. Do vậy, nhiều văn bản nhận được sự quan tâm sát sao của dư luận".

Theo Cục trưởng Lê Hồng Sơn, do ảnh hưởng của phương thức kiểm tra văn bản theo các nguồn tin, nên việc chú trọng, khuyến khích sự quan tâm, phát hiện và yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức và công dân về văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật là rất cần thiết.  

Một số văn bản QPPL chưa phù hợp với quy định của pháp luật đã được phát hiện, nhận được sự quan tâm sát sao của dư luận nhân dân
- Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25.4.2008 của liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế, phòng y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
- Công văn số 283 của Cục Nghệ thuật - biểu diễn, Bộ Văn hoá - Thông tin về việc không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke.
- QĐ số 33/2008/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và QĐ số 34/2008/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người khuyết tật điều khiển xe môtô, xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật, ngày 30.9.2008 của Bộ Y tế.  

(Theo báo lao động )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%