Sáng 21-11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bùi Duy Nhâm đã chủ trì sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 49- NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Lân đã đến dự.
Sau ba năm thực hiện, công tác cải cách tư pháp của TP Hà Nội đã được chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là trong việc phối hợp giữa các ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án (CA-VKS-TA). Song, cải cách tư pháp chưa phải đã hết những bất cập...
Cải cách trước hết về cơ chế phối hợp
Trong 6 nhiệm vụ, giải pháp TP Hà Nội đề ra nhằm cụ thể hóa NQ 49 của Bộ Chính trị, thì cải cách cơ chế phối hợp của liên ngành tư pháp được coi trọng hàng đầu. 3 cơ quan CA-VKS-TA phối hợp chặt chẽ, gắn trách nhiệm từ việc tạm giữ, tạm giam, phân loại, xử lý các đối tượng vi phạm đến quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù. TP lựa chọn 66 vụ án hình sự để tổ chức phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, nhất là việc tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm các phán quyết của tòa án được chính xác, nghiêm minh; không xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Viện trưởng VKSND TP Hà Nội Đặng Văn Khanh cho biết, VKS 2 cấp vào cuộc ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án. Qua đó, các kiểm sát viên chủ động đưa ra yêu cầu điều tra và có sự thống nhất với cơ quan điều tra, bảo đảm hồ sơ chặt chẽ, giải quyết vụ án đúng thời hạn luật định, đúng pháp luật.
Theo tinh thần cải cách tư pháp, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Sơn khẳng định, các phiên tòa đưa ra xét xử đã chú trọng đến hoạt động tranh tụng, thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, phối hợp với VKS, cơ quan điều tra, trại tạm giam… để tổ chức tốt công tác xét xử bảo đảm dân chủ, bình đẳng, khách quan; các quyết định, bản án của tòa án có sức thuyết phục. Trong 3 năm, TA và VKS các cấp của thành phố đã xét xử và kiểm sát xét xử gần 19.000 vụ, dẫn đầu cả nước về công tác xét xử lưu động (1.757 vụ), xét xử kịp thời những vụ án điểm, không xử oan người vô tội, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm cho nhân dân Thủ đô. Nếu năm 2005 có tới 1,9% án hình sự; 5,7% án dân sự bị hủy, thì 6 tháng đầu năm 2008 số án bị hủy giảm còn 0,53%.
Tăng thẩm quyền cho cơ quan tư pháp cấp huyện
Nhằm tạo thuận lợi cho tòa án cấp huyện hoạt động sau khi được tăng thẩm quyền, TP Hà Nội đã đầu tư 176 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị làm việc cho các đơn vị. Đến năm 2010, phòng tư pháp của 4 quận, huyện gồm Mê Linh, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai sẽ được bố trí vốn xây dựng trụ sở.
Sau 3 năm, TAND cấp huyện đã thực hiện tăng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại Điều 170, Khoản 1, Bộ luật Tố tụng hình sự và tăng thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự được quy định tại Điều 33, Bộ luật Tố tụng dân sự. Tỷ lệ giải quyết các loại án của huyện Đông Anh đạt cao (đạt 96%) là do định kỳ 3 tháng, Thường trực Huyện ủy giao ban với khối nội chính, nắm tình hình và tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc. Các dòng họ tự nguyện chấp hành án, ngăn ngừa phát sinh điểm nóng về ANTT.
Được tăng thẩm quyền các cơ quan tố tụng, TP Hà Đông đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử gần 1.000 vụ án hình sự với trên 1.000 bị can, bị cáo, không trường hợp nào bị oan sai; tỷ lệ giải quyết án trên 90%. Ở huyện Sóc Sơn, tỷ lệ án hình sự được giải quyết đạt 96,6%, không có vụ án nào bị kháng nghị; án dân sự giải quyết được 92,1%, án hôn nhân gia đình giải quyết được 96,9%...
Nhưng còn chậm so với yêu cầu
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Lân cho rằng, TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong thực hiện cải cách tư pháp, nhưng còn chậm so với yêu cầu. Đội ngũ cán bộ tư pháp đã có tiến bộ về năng lực, trình độ khả năng thực thi nhiệm vụ, song còn nhiều bất cập, chưa đủ sức giải quyết tranh chấp xã hội. Số vụ án xét xử bị hủy, cải sửa vẫn còn cao, có vụ việc xét xử chưa sát với thực tiễn, thiếu cơ sở pháp lý…
Khắc phục hạn chế này, ngoài phát huy nội lực, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của cơ quan tư pháp các cấp cần duy trì tốt sự phối hợp liên ngành CA-VKS-TA trong thực thi nhiệm vụ, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó BCĐ Cải cách tư pháp TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 4 vấn đề: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp; bổ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của ngành; có chế độ đãi ngộ thỏa đáng và tăng biên chế cho các ngành tư pháp. Cùng với nỗ lực của thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương sẽ tăng lực cho TP Hà Nội và Chiến lược cải cách tư pháp sẽ đạt hiệu quả hơn.
Trước khi bị bắt, ông Phạm Công Danh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam trong khi ông Phan Thành Mai là Tổng giám đốc.Cả hai đã bị miễn nhiệm chức vụ từ 28/7.
Sáng nay 29/7, Công an Thái Nguyên đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Lê Xuân Hộ (tức Lê Xuân Động), về hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ.
Điện thoại bị theo dõi tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh... Nghiêm trọng hơn, toàn bộ dữ liệu được gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng.
Quyền lợi người tiêu dùng (NTD) bị xâm phạm đang dần trở thành một hiện tượng phổ biến, trong khi đó, cơ chế đảm bảo thắng kiện và được bồi thường còn rất hạn chế. Đây là nội dung chính được rất nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo “Giải quyết khiếu nại NTD: Vấn đề pháp lý và thực tiễn” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) phối hợp với Tổ chức Bảo vệ NTD Ấn Độ tổ chức tại TP Vũng Tàu ngày 20-11.