Khu vực có gà, vịt sống bán và giết mổ nhiều nhất là các chợ tạm ở các phường Long Bình, Tân Phong, xã Hóa An, đường Đồng Khởi và Nguyễn Ái Quốc.
Hiện các chợ tạm nói trên có hàng chục điểm bán gà, vịt sống và việc mua bán, giết mổ diễn ra rất thoải mái như không hề có lệnh cấm buôn bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố.
Phần lớn các điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống, chủ yếu là gà, vịt, ngan diễn ra công khai vào các buổi sáng hàng ngày để cung ứng thịt gia cầm và gia cầm sống cho khách đi đường và các điểm bán lẻ ở các chợ tạm.
Lông và một số bộ phận gia cầm sống sau khi làm thịt tại chỗ để bán cho khách hàng được thả xuống cống thoát nước sinh hoạt, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường và là tác nhân gieo rắc mầm bệnh khi có dịch xảy ra.
Quyết định ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm của thành phố Biên Hòa đã triển khai được gần 3 năm. Nhưng đến nay, toàn thành phố vẫn còn nuôi hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm, trong đó tập trung nhiều nhất ở các phường Long Bình, Trảng Dài, Hố Nai và Tân Biên.
Lý do khiến người dân chưa chấp hành nghiêm việc ngưng chăn nuôi là vì đến thời điểm này, họ vẫn chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào để di dời chăn nuôi ra ngoài thành phố. Mặt khác, việc xử lý các trường hợp buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép còn quá nhẹ, chủ yếu là tịch thu tại chỗ, chưa đủ sức răn đe.
Theo ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai, từ nay đến cuối năm là thời điểm rất dễ xảy ra dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, vì vậy các phường, xã nên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nuôi, buôn bán gia cầm sống trong thành phố./.