Tôm thẻ chân trắng có thể trở thành vật nuôi chủ lực ở ĐBSCL
Tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei và hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas hiện đã bị đưa vào Danh mục loài ngoài lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư 22/2011/TT-BTNMT ngày 01/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc đưa 2 loài này vào Danh mục loài ngoại xâm hại đồng nghĩa với việc 2 đối tượng nuôi này sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn khi kinh doanh, tiêu thụ tại thị trườg nội địa và xuất nhập khẩu do mối lo ngại gây hại đến môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam.
Ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa 2 loài thủy sản này vào Danh mục ban hành kèm theo Thông tư 22/2011/TT-BTNMT, người nuôi và các công ty xuất khẩu thủy sản đã có tâm lý hoang mang vì không biết loài thủy sản này có được phép xuất nhập khẩu nữa hay không để có kế hoạch sản xuất chăn nuôi trong thời gian tới.
Tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương có giá trị kinh tế rất cao nên từ năm 2008 đến nay, nhiều địa phương trong nước đã cho phát triển ồ ạt. Do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên dịch bệnh là vấn đề khó tránh khỏi. Chính vì vậy, nhiều Bộ, ngành đã có những vấn đề không thống nhất trong việc quản lý 2 loài ngoại lai này.
Ông Vũ Đình Đáp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Nha Trang, Khánh Hòa), là đơn vị được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Ông Đáp cho biết giống tôm thẻ chân trắng được nghiên cứu ở VN từ năm 2004-2006 bằng hình thức nuôi thương phẩm, triển khai nuôi thử nghiệm ở một số vùng miền Trung như Quảng Ngãi, Khánh Hòa... Giống này được VN nhập từ Hawaii, có xuất xứ gốc Nam Mỹ. Đặc điểm của loại tôm thẻ chân trắng là không nên nuôi gần với tôm sú nội địa vì hai loài này đối kháng nhau và như thế sẽ khiến cho việc lây và phát tán dịch bệnh cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “hàu Thái Bình Dương và tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng nuôi chủ đạo của ngành thủy sản VN. Các chủng loại này đều được các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ ngăn ngừa dịch bệnh tại các cửa khẩu. Trước khi nhập vào VN, các chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển đã có giấy phép chứng nhận an toàn và phiếu xét nghiệm đối với một số bệnh nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, Taura… Việc làm của Bộ TN&MT đã tác động không nhỏ đến việc phát triển sản xuất và xuất khẩu của thủy sản VN.”
Các nguồn cung cấp tôm thẻ chân trắng chủ yếu hiện nay là Ecuador, Mexico và Brazil. Loại thủy sản này được nuôi ở rất nhiều nước trên thế giới như: Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam. Hàu Thái Bình Dương là loài động vật thân mềm thuộc lớp hai mảnh vỏ có nguồn gốc từ Nhật Bản. Do có khả năng thích ứng được với sự biến động của môi trường và giá trị kinh tế cao nên hiện nay chúng được nuôi ở hơn 60 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Canada…Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com