Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để chống tham nhũng hiệu quả

 Có ý kiến cho rằng, gần đây những sai phạm tham nhũng tinh vi hơn, có sự tham gia của yếu tố nước ngoài, nên việc phát hiện, điều tra khởi tố gặp khó khăn. Thế nhưng, cũng có ý kiến, Luật Tương trợ tư pháp đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2008 nhưng giữa Việt Nam và một số nước đầu tư quan trọng (Nhật, EU, Mỹ, Hàn Quốc...) vào nước ta vẫn chưa ký hiệp định song phương nên khó phối hợp điều tra là chuyện đương nhiên.

 

Tuy nhiên, theo tôi, hoàn toàn có thể khắc phục điều đó nếu chúng ta thực sự quyết tâm. Thật tình mà nói nếu không thực hiện tốt công khai minh bạch, dân chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình thì không thể nào ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.


Có một tổng kết, gần 80% vụ tham nhũng do quần chúng phát hiện chứ không phải do tổ chức đảng, cơ quan chính quyền, cơ quan thanh tra, giám sát, kiểm tra phát hiện! Vấn đề ở đây là quần chúng ở cơ sở phải được phát động, phải thấy hết nghĩa vụ của mình, được tôi luyện và quan trọng là được bảo vệ thì mới góp phần quyết định ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

 


Điều quan trọng nhất là phải thực hiện công khai triệt để, không có vùng cấm nào và nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, người có trách nhiệm. Không làm tốt việc công khai và minh bạch, dân chủ, trách nhiệm giải trình thì đừng nói đến chống tham nhũng.Nhưng như thế vẫn chưa đủ mà cần phải cải cách hành chính, cải tiến chế độ tiền lương mới có cơ sở để đẩy lùi và ngăn chặn tham nhũng.


Một bộ máy hành chính chồng chéo trách nhiệm, quyền hạn, thiếu kỷ cương thật sự là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.


Một nhân viên bảo vệ bình thường cũng nghĩ cách nhũng nhiễu để những người có nhu cầu bức xúc vào ra chốn công đường phải “biết điều”; anh lái xe cho thủ trưởng thì biết cách làm đầu mối cho “đường dây” trình ký nhanh; một em sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường đã bị tiêm nhiễm bởi “tấm gương” của người đi trước, tâm niệm sẽ tìm chỗ “có màu” để phục vụ...


Một cỗ máy khổng lồ chạy theo quán tính như vậy thật khó lòng để “thắng gấp”. Đa số chúng ta ít nhiều đều vừa là “nạn nhân” vừa là “thủ phạm” trong guồng máy khổng lồ ấy. Phải công nhận là nỗ lực cải cách hành chính ở nhiều đơn vị, nhiều nơi đã làm giảm phiền hà, nhũng nhiễu...


Tuy nhiên, liệu các nỗ lực này sẽ kéo dài được bao lâu? Suy cho cùng, cải cách hành chính chỉ là một quá trình có tính chất nặng về kỹ thuật. Con người trong guồng máy hành chính ấy mới là yếu tố quyết định. Thế nhưng, những người này dù có lý tưởng cao siêu đến đâu vẫn phải lo toan, phải tìm cách đáp ứng những nhu cầu chính đáng thường nhật.


Nói một cách không quá đáng, không cải cách chế độ lương hiện hành thì chống tham nhũng mãi mãi chỉ là khẩu hiệu! Nói đến chế độ tiền lương hiện hành là câu chuyện dài. Đồng lương vô lý đã xô đẩy đại bộ phận người ăn lương trong các cơ quan công quyền phải tích cực xoay xở. Thôi thì nhắm mắt làm ngơ, ngậm miệng chịu mang tiếng là hèn để chờ tham nhũng “cốm kẹ” ở ngay bên cạnh có cơm thì mình cũng có cháo.


Tôi không có ý đánh đồng sự nghèo với tham nhũng, dứt khoát là không. Nhưng trong một thời gian dài để tồn tại, ai cũng có lúc “trót tay nhúng chàm”. Chỗ đáng sợ là đại bộ phận tham nhũng cò con dần dà coi tham nhũng lớn là chuyện bình thường. Đã có nhiều công trình nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng.


Tuy nhiên, theo tôi, các giải pháp phải tạo dựng cho được cơ chế KHÔNG MUỐN - KHÔNG DÁM - KHÔNG THỂ. “Không muốn” thuộc phạm trù đạo đức lối sống nhưng nó cũng cần được bổ trợ bởi môi trường dư luận xã hội, và trên hết là một điều kiện vật chất khả dĩ để công chức có thể sống thanh cao.


“Không dám” cần phải viện đến một môi trường pháp luật nghiêm minh, pháp chế mạnh, xã hội thượng tôn pháp luật. “Không thể” đòi hỏi phải tạo lập một nền hành chính “trong suốt” để mọi người có thể dễ dàng giám sát, tạo lập một công nghệ hành chính tiên tiến.


Áp dụng nghiêm ngặt “công nghệ” đó, khi một khâu nào trong dây chuyền làm không đúng sẽ bị phát hiện và bị loại ra, đồng thời đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội phải minh bạch và có tính giải trình cao.

(Theo Diệp Văn Sơn // Báo Saigon Times online)

  • Điều tra 2 công ty gas về vi phạm cạnh tranh
  • Một văn bản pháp luật được mong chờ
  • Vụ trốn thuế hơn 16 tỷ đồng ở Quảng Nam: Khởi tố thêm 2 đối tượng
  • Nhận diện doanh nghiệp “ma”
  • Hơn 500 tấn phân bón không nguồn gốc
  • 23 đơn vị thuộc EVN bán chất thải độc hại trái phép
  • Thuế bảo hộ hàng hóa trong nước
  • Khởi tố cựu giám đốc Cty Cơ khí Công nghiệp Sài Gòn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%