Kỳ trước, Sài Gòn Tiếp Thị đã đăng góc nhìn của luật sự Trịnh Thanh, văn phòng luật sư Người Nghèo về dự thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng. Kỳ này, xin giới thiệu góc nhìn của TS Nguyễn Ngọc Điện.
Ông Điện cho rằng trong khi luật của các nước phát triển cho phép hội của người tiêu dùng hai loại quyền khởi kiện, tương ứng hai loại lợi ích khác biệt: lợi ích tập thể của người tiêu dùng và lợi ích cá nhân của nhiều người tiêu dùng thì dự luật chỉ trao cho hội quyền thứ hai, loại tỏ ra ít hiệu quả hơn.
Bất kỳ ai bị thiệt hại do người khác gây ra đều có quyền khởi kiện trước toà án để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy bảo vệ người tiêu dùng bằng các công cụ tư pháp truyền thống tỏ ra không hiệu quả. Lý do chính là trong hầu hết trường hợp, thiệt hại mà một người tiêu dùng riêng lẻ gánh chịu do sử dụng sản phẩm có khuyết tật thường không lớn, trong khi để làm chuyển động guồng máy bảo đảm công lý, cần đổ nhiều công sức, thời giờ, tiền bạc. Sự đánh đổi không cân xứng dễ làm nản lòng người tiêu dùng điển hình, vốn không giàu có gì, lại có bản tính hiền lành, không thích đối đầu, xung đột.
Để bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng cần có những công cụ đặc biệt, giải quyết vấn đề một cách nhanh, gọn, ít tốn kém mà vẫn bảo đảm đạt được hiệu quả mong muốn.
Cho phép người tiêu dùng kiện cáo theo thủ tục rút gọn có thể giúp đạt được các mục tiêu ấy. Tuy nhiên, thủ tục rút gọn được ghi nhận tại dự thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng thực ra chỉ là một loại thủ tục tố tụng dân sự truyền thống được giản lược: vẫn toà án ấy, với các thẩm phán và bộ máy giúp việc ấy, thao tác như đã quen…; nguyên đơn có thể không cần nộp tạm ứng án phí, nhưng không được miễn, nghĩa là mối đe doạ phải trả tiền án phí do thua kiện vẫn treo lơ lửng.
Ở các nước, thủ tục rút gọn trong khuôn khổ chế độ pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng có thể được tiến hành tại một định chế tài phán đặc biệt, độc lập với toà án thông thường, được lập ra để chuyên làm việc đó. Người xét xử được Nhà nước bổ nhiệm và trả thù lao để làm công việc thẩm phán không chuyên, theo kiểu cộng tác viên. Các “thẩm phán” này cư trú rải rác trên quản hạt. Mỗi khi có việc tranh chấp, cơ quan tài phán chỉ định người xét xử có nơi ở gần nhất đối với người cần được bảo vệ. Việc xét xử phải tuân thủ các nguyên tắc đơn giản, nhanh chóng và nhất là hoàn toàn miễn phí.
Song, thủ tục rút gọn chỉ thích hợp cho các trường hợp thiệt hại của người tiêu dùng mang tính chất cá biệt. Thực tiễn ghi nhận nhiều tình huống mà thiệt hại phát sinh “trên diện rộng”: cả lô hàng xuất xưởng đều có khuyết tật và đã được bán gần hết, quảng cáo gian dối được nhiều người nghe theo,… Khi đó, nên bảo vệ người tiêu dùng bằng một vụ kiện chung cho tất cả những người bị thiệt hại: để cho mỗi người tiến hành một vụ kiện riêng lẻ và giống hệt nhau, dù là theo thủ tục rút gọn, thì rất lãng phí.
Hội bảo vệ người tiêu dùng là nhân vật thích hợp nhất cho vai trò đại diện của cộng đồng người tiêu dùng đứng nguyên đơn trong vụ kiện chung này. Luật ở các nước phát triển thừa nhận cho hội hai loại quyền khởi kiện, tương ứng hai loại lợi ích khác biệt: lợi ích tập thể của người tiêu dùng và lợi ích cá nhân của nhiều người tiêu dùng.
Kiện vì lợi ích tập thể của người tiêu dùng được chấp nhận trong trường hợp thiệt hại của cộng đồng người tiêu dùng là hiển nhiên, nhưng việc xác định lai lịch của từng người bị thiệt hại là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể được. Chẳng hạn, có rất nhiều hộp sữa nhiễm chất melamine đã được tung ra bán; điều đó có nghĩa là rất nhiều trẻ em đã cho vào bụng thứ sữa độc hại ấy, nhưng cụ thể bao nhiêu em, những ai, thì không biết. Khi đó, hội người tiêu dùng có thể kiện. Mức bồi thường thiệt hại tất nhiên chỉ được ước tính; tiền bồi thường không được chia cho những người tiêu dùng mà được giao cho hội để phục vụ cho các hoạt động vì lợi ích chung.
Còn kiện vì lợi ích riêng của nhiều người tiêu dùng được thực hiện trong trường hợp bên cạnh tính chất rõ ràng của thiệt hại, việc xác định lai lịch người bị thiệt hại là khả thi. Có thể hình dung: thấy rõ thiệt hại do nhà sản xuất gây ra, hội tiêu dùng khởi kiện; toà án tuyên bố nhà sản xuất có trách nhiệm, nhưng không ấn định ngay mức bồi thường; sau đó, toà án bố cáo rộng rãi bản án và yêu cầu người tiêu dùng nào bị thiệt hại thì đăng ký đòi bồi thường trong thời hạn nhất định; hết hạn, toà án khoá sổ, tổng kết, đánh giá thiệt hại theo khai báo và ấn định mức bồi thường chung. Tiền bồi thường sẽ được giao cho hội bảo vệ người tiêu dùng để phân phối cho những người tiêu dùng bị thiệt hại đã đăng ký và có thiệt hại thực tế đã được toà án thẩm định...
Dự thảo luật Bảo vệ người người tiêu dùng chỉ ghi nhận loại quyền kiện của hội nhằm bảo vệ lợi ích cá nhân của nhiều người tiêu dùng. Người làm luật lại lựa chọn mô hình đã được các nước phát triển áp dụng từ lâu, nhưng hiệu quả không cao: nó đòi hỏi người tiêu dùng phải xuất hiện và đăng ký ngay trong giai đoạn chuẩn bị khởi kiện; về phần mình, người tiêu dùng thường chỉ thích tham gia vụ việc một khi đã nắm chắc phần thắng. Vả lại, ở các nước, chỉ cần được uỷ thác của hai người trở lên là hội đi kiện được rồi; dự luật đòi ít nhất đến 100 người uỷ thác…
(Theo TS Nguyễn Ngọc Điện/SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com