Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Trói” trách nhiệm của doanh nghiệp

Chỉ khi văn bản luật có các điều khoản quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hàng hoá cung ứng ra thị trường thì người tiêu dùng mới có điều kiện để đòi quyền lợi hợp pháp của mình.

Ông Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý bình luận rằng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn. “Sự mất cân xứng thông tin giữa người bán hàng và người mua hàng là vô cùng lớn, nên bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là một công việc nặng nề. 

Hệ thống pháp luật đan xen và mức độ bảo vệ người tiêu dùng khác nhau của các văn bản luật cộng với hệ thống cơ quan thực thi pháp luật còn yếu đang cản trở việc người tiêu dùng đòi quyền lợi của mình”, ông Hạnh phân tích các yếu tố luật pháp chưa hoàn chỉnh khiến cho người tiêu dùng khó bảo vệ quyền lợi của mình. Ngay cả Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng đang tồn tại chỉ có ý nghĩa tuyên ngôn về bảo vệ người tiêu dùng, chứ ít được áp dụng trong cuộc sống. 

Chuyên gia này cung cấp thêm một thông tin, trong cuộc khảo sát mà ông và các cộng sự tiến hành, tuyệt đại đa số người tiêu dùng quan tâm tới yếu tố giá cả trước tiên trong khi lựa chọn hàng hoá trên thị trường, mà ít chú ý tới thời hạn sử dụng cũng như chất lượng bên trong của chúng.

“Tâm lý thích hàng rẻ và hàng ngoại nhập trong tiêu dùng của người Việt đang là một trở ngại cho việc bảo vệ quyền lợi của họ. Bên cạnh đó, việc hệ thống quảng cáo của doanh nghiệp rất thiếu kiểm soát cộng với sự liên hết giữa các cơ quan đang lỏng lẻo khiến cho việc bảo vệ người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn”, ông Hạnh bổ sung. 

Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các chuyên gia và người tiêu dùng. Luật này khi được thực thi sẽ là công cụ hữu hiệu để người tiêu dùng có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất. 

Trước yêu cầu phải phát huy được khả năng bảo vệ người tiêu dùng một cách tốt nhất, Dự luật đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia. Theo ông Nguyễn Duy Tiến (Văn phòng Quốc hội), việc Dự luật coi cơ quan bảo vệ người tiêu dùng là cơ quan quản lý nhà nước có yếu tố không hợp lý. “Nếu là cơ quan quản lý nhà nước thì đó là bộ hay cơ quan tương đương bộ nào? Còn nếu là cơ quan thuộc một bộ thì chỉ có chức năng tham mưu cho lãnh đạo bộ, chứ không phải là cơ quan quản lý”, ông Tiến đặt vấn đề. 

Cũng theo ông Tiến, nguyên tắc hoà giải được nói tới trong Dự thảo, song theo cách hiểu đúng nhất về hoà giải thì phải đảm bảo các yếu tố bí mật và đây phải là trung tâm độc lập. Trong khi đó, ở Việt Nam lại chưa có các trung tâm này, nên việc nghiên cứu tới phạm vi hoà giải, vai trò, quyền của tổ chức hoà giải và hoà giải viên cũng cần được đặt ra.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Cạnh tranh cho rằng, việc hoà giải được thực hiện theo nguyên tắc bí mật, thì quyền lợi của những người tiêu dùng khác bị vi phạm sẽ không được bảo vệ chính đáng. “Nên chăng, chỉ bí mật trong quá trình giải quyết hoà giải để không bị “nhiễu” thông tin. Còn kết quả thì cần phải công khai để cho người tiêu dùng khác biết mà đòi quyền lợi chính đáng cho mình”, ông Thanh nói.

Theo ông Lê Hồng Hạnh, việc xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần phải làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp khi đưa hàng hoá ra phục vụ người tiêu dùng. “Phải có quy định thật chi tiết, rõ ràng để doanh nghiệp thấy rằng, họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hoá khi đã đưa ra lưu thông. Đây là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng có thể đòi quyền lợi cho mình”, ông Hạnh nói. Theo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, việc doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hoá của mình trên thị trường là đương nhiên và người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất trên cơ sở cam kết về chất lượng này. 

Chuyên gia của Viện Khoa học pháp lý cũng phân tích, để Luật Bảo vệ người tiêu dùng phát huy được hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng, thì việc nghiên cứu sửa các luật khác cũng rất cần thiết. “Có thể dẫn chứng, hiện nay ở Việt Nam không có quy định nào để người tiêu dùng có thể khiếu kiện tập thể. Điều này cần phải được làm rõ để khi người tiêu dùng bị thiệt hại về quyền lợi thì có thể liên kết khởi kiện doanh nghiệp ra toà”, ông Hạnh nói. 

Với việc coi bảo vệ người tiêu dùng là trung tâm, nhiệm vụ thiết kế Luật Bảo vệ người tiêu dùng là hết sức khó khăn. Do đó, để Luật có thể phát huy được vai trò trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cần phải chi tiết luật theo hướng người tiêu dùng chỉ nên là cá nhân và hàng hoá ở đây là hàng hoá hữu hình, là động sản có thể di chuyển được. “Nếu “ôm” cả phần dịch vụ, cả phần quyền lợi của tập thể, thì e rằng, chúng ta khó lòng thực hiện được”, ông Hạnh phân tích.

 

(Theo Duy Đông // Báo đầu tư )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%