|
Gần hai tháng nữa, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 12 sẽ diễn ra. Lựa chọn và định ra những chỉ tiêu thế nào để phản ánh được đúng chất lượng của sự phát triển kinh tế - xã hội chính là vấn đề mà Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đang tập trung nghiên cứu với hy vọng sớm tìm ra được những câu trả lời thoả đáng nhất.
Hiện nay, theo nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội, những chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Quốc hội quyết định thường chỉ mới phản ánh vấn đề ở khía cạnh số lượng, chưa phản ánh thích đáng mặt chất lượng của sự phát triển.
Chủ nhiệm Ủy Kinh tế Hà Văn Hiền đặt vấn đề, đã đến lúc phải xem xét thật thấu đáo về hiệu lực các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tính chất bắt buộc về mặt pháp lý, tính chất định hướng, chủ trương trong các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết.
Phía sau những chỉ tiêu “vênh” nhau
Chẳng hạn như về chỉ tiêu việc làm, TS. Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Đó là một chỉ tiêu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Chính phủ trình ra Quốc hội rồi Quốc hội biểu quyết thông qua nhưng chỉ tiêu đó không nói lên được nền kinh tế đó mỗi năm tạo việc làm mới là bao nhiêu, cũng không lý giải được tỷ lệ thất nghiệp như thế nào, về kinh tế vĩ mô nó không giải quyết được gì”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng thừa nhận: “Chúng ta đưa ra chỉ tiêu mà không đo đếm được. Khi chúng tôi làm kế hoạch hàng năm với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và chỉ tiêu này được xác định theo căn cứ báo cáo của bộ này, nhưng cũng thấy bất hợp lý nên hỏi Tổng cục Thống kê, thì Tổng cục cũng bảo con số này là con số... phỏng đoán, dự đoán thôi”.
Hay như quyết định của Quốc hội về ngân sách nhà nước cũng đang tồn tại khá nhiều bất cập. TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế phân tích: trong các quyền quyết định của Quốc hội về tài chính - ngân sách thì đầu tiên phải nhắc đến là quyền quyết định dự toán ngân sách Nhà nước.
Dự toán Ngân sách Nhà nước được Quốc hội quyết định không phải là kế hoạch tài chính bình thường mà là quyết định mang tính pháp lý. Cần phải hiểu và làm sao để quyết định của Quốc hội về ngân sách nhà nước có giá trị như một văn bản luật, đòi hỏi và bắt buộc các cơ quan, các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ.
“Nhưng giữa thực tế thực hiện ngân sách Nhà nước với dự toán hiện nay có sự chênh lệch đáng kể, thậm chí có trường hợp chênh nhau rất lớn. Có nghĩa là dự toán mà Quốc hội đã quyết định, hoặc không được tuân thủ, hoặc chưa sát với thực tế”, ông Thanh nhận xét.
Còn Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Lê Quốc Dung nhận xét hiện nay một số chỉ tiêu thể hiện chưa phù hợp, chưa chuẩn mực, không cần thiết, một số chỉ tiêu mang tính thông tin nhiều hơn là tính pháp lệnh làm cho hiệu lực các chỉ tiêu chưa cao hoặc mang tính hình thức nên chưa được chú trọng giám sát. “Chẳng hạn như chỉ tiêu tổng vốn đầu tư xã hội mang tính thông tin nhiều hơn pháp lệnh”, ông Dung dẫn chứng.
Cần luật hoá nghị quyết?
Thực tế cho thấy, giữa mục tiêu kế hoạch và chính sách kinh tế không gắn liền với nhau, chính vì thế trong những năm qua đã xảy ra tình trạng Quốc hội biểu quyết thông qua rồi lại phải biểu quyết để điều chỉnh.
Như tháng 11/2008, Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng năm 2009 là 6,7%. Sau đó, đến tháng 6/2009 lại phải biểu quyết để điều chỉnh chỉ tiêu này xuống còn 5%.
Tương tự, năm 2007, Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng năm 2008 là 8,5% GDP, cuối cùng phải điều chỉnh còn 7% nhưng GDP thực tế chỉ đạt được 6,3%. Vì vậy yêu cầu rất bức thiết hiện nay đặt ra là phải đổi mới căn bản công tác lập kế hoạch trong đó bao gồm các khâu như công tác phân tích, dự báo; tách biệt mục tiêu và phương tiện thực hiện...
Hiện nay, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm vẫn bao gồm 23 chỉ tiêu chủ yếu như GDP theo giá so sánh, GDP bình quân hàng năm, GDP bình quân đầu người... Ngoài ra, trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 cũng có chỉ số phát triển con người...
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, cần cải tiến quy trình chuẩn bị và ban hành quyết định của Quốc hội theo hướng quy phạm hóa, lượng hóa để nâng cao giá trị và tính ràng buộc pháp lý của các nghị quyết; đề cao vai trò thẩm tra của các cơ quan Quốc hội và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định.
(Theo Lê Châu // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com