Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật thôi chưa đủ

Đầu tư vào công nghệ cao dường như vẫn là một câu chuyện xa vời với nhiều doanh nghiệp Việt Nam
Đầu tư vào công nghệ cao dường như vẫn là một câu chuyện xa vời với nhiều doanh nghiệp Việt Nam

Luật Công nghệ cao cho phép doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi chưa từng có. Nhưng luật ra rồi có đồng nghĩa với việc những luồng đầu tư sẽ đổ vào lĩnh vực đang được ưu tiên này?

Thứ trưởng Bộ KH - CN Lê Đình Tiến chia sẻ: “Mới đây, một nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư công nghệ cao về sinh học tại Hà Nội có đề nghị Chính phủ có những ưu đãi không chỉ trong nước mà còn có tính cạnh tranh với khu vực. Tôi trả lời, Luật Công nghệ cao đã tạo môi trường thuận lợi, đặc biệt được ưu đãi về thuế. Điều này làm các nhà đầu tư rất yên tâm”.

Ưu đãi và thông thoáng

Nếu nhìn từ góc độ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới, tính tới thời điểm này, ban hành Luật Công nghệ cao thì có thể thấy sự lạc quan hoàn toàn có lý. Bộ luật này được ví như tạo luồng sinh khí mới với mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp luật về thuế cũng như đất đai và các điều kiện khác đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Sơn kiêm Tổng giám đốc IQLinks Việt Nam nhìn nhận, kể từ những năm 80 trở lại đây, đã có nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, Chính phủ nói nhiều về sự phát triển công nghệ cao tại Việt Nam. Rất tiếc đó chỉ là các văn bản, chính sách mang tính định hướng vĩ mô. Luật Công nghệ cao có hiệu lực đã cơ bản hoàn thành được bộ khung để các cơ quan có thẩm quyền xác định được thế nào là công nghệ cao.

Có thể nói, Luật Công nghệ cao đã dành nhiều khuyến khích, ưu đãi cho phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao, hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Không phải chỉ có những doanh nghiệp trong khu công nghệ cao do Thủ tướng phê duyệt mới được hưởng ưu đãi, mà tất cả doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cao đều được ưu đãi như nhau - thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết thêm.                  

Một điều dễ hiểu, trong khu công nghệ cao, doanh nghiệp được hưởng hạ tầng rất tốt do Nhà nước hoặc tư nhân đầu tư. Được vào khu công nghệ cao còn có thuận lợi nữa là được hưởng những tiện ích từ các khu chức năng như R&D, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, phòng thí nghiệm... Thế nhưng không nhiều doanh nghiệp có thể thụ hưởng được điều đó. TS Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ KHCN kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (HBI) cũng phải thừa nhận là có rất nhiều hồ sơ xin ra nhập HBI, nhưng chúng tôi phải từ chối. “Cái khó nhất của chúng tôi là cơ sở hạ tầng chưa đâu vào đâu. Nhận họ vào rồi nhưng nhà ở đâu, điện nước thế nào, đi lại ra sao?”, ông Lạng nói.

Cho phép tư nhân đầu tư tư tưởng là thoáng nhưng chưa chắc đã khơi thông được luồng vốn đầu tư vào công nghệ cao

Với một khu trọng điểm như HBI mà còn chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thì bài toán len chân vào khu công nghệ cao quả thật là quá sức với phần nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Rõ ràng, một mình HBI không thể hóa giải được việc thiếu hụt nguồn cung về cơ sở hạ tầng cho công nghệ cao!

Tư nhân lần đầu tiên được nhập cuộc

Điểm đặc biệt của Luật Công nghệ cao là nhà đầu tư tư nhân cũng có thể đầu tư xây dựng và kinh doanh các khu công nghệ cao nếu được Chính phủ phê duyệt. Đây là quy định chưa từng có. Thế nhưng, khi Doanh Nhân đặt câu hỏi với một số doanh nghiệp vốn có tiếng tăm trong đầu tư các khu công nghiệp, khu công viên phần mềm thì nhận được câu trả lời là không bình luận! Tuy nhiên, một số người trong giới công nghệ thì nhìn nhận, cho phép tư nhân đầu tư tưởng là thoáng nhưng chưa chắc đã khơi thông được luồng vốn đầu tư vào công nghệ cao bởi để lên được cấp Thủ tướng duyệt doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có việc phải chứng minh năng lực bản thân, qui mô hoạt động v.v… Điều này không hề đơn giản.

Thêm vào đó, khu công nghệ cao do tư nhân thành lập có cần một chuẩn khác với các khu công nghệ cao do Nhà nước lập nên không cũng là câu hỏi được quan tâm. Theo ông Bắc lý giải, nếu mang ra xét khu công nghệ cao bằng tiêu chí diện tích đất sử dụng là bao nhiêu thì là vô lý.

“Hậu” luật đến đâu?

Đến lúc này, sau hơn 2 tháng có hiệu lực, rất khó có thể nói sự tác động trực tiếp của Luật như thế nào, nhất là khi dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật còn đang chờ Chính phủ xem xét. Nhưng có một điều đáng suy nghĩ khi một vị đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản thắc mắc rằng, luật của Việt Nam ra trước còn hướng dẫn ra sau lâu quá khiến doanh nghiệp chẳng biết lập kế hoạch kinh doanh thế nào?

Thật ra, Luật Công nghệ cao có sức hấp dẫn như thế nào còn tùy thuộc rất nhiều vào các nghị định hướng dẫn, quy định về doanh nghiệp công nghệ cao, quỹ đầu tư mạo hiểm... “Cần phải chờ các nghị định hướng dẫn cụ thể và chi tiết mới có thể cụ thể hóa các vấn đề trong Luật được”, Thứ trưởng Tiến khẳng định như vậy.

Còn từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Bắc cho rằng, trong 5 lĩnh vực được xác định là công nghệ cao, Chính phủ cần tạo cơ chế thông thoáng đối với việc thành lập các doanh nghiệp; Ngân sách tăng lên gấp 10 lần so với trước (2%) bởi vì nói đến phát triển công nghệ cao mà nguồn vốn chỉ là 2%  thì hoàn toàn không khả thi. Các doanh nghiệp được bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước cũng như mọi quyền lợi đã được qui định.

Cần khuyến khích bà con kiều bào, các công ty nước ngoài tham gia vào chương trình này bởi phải nhìn nhận một thực tế rằng, đến thời điểm này ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào, kể cả Nhà nước và dân doanh, có đủ tầm để phát triển công nghệ cao, ông Nguyễn Hoài Bắc khuyến nghị.

Luật có tạo nên sự phát triển nhảy vọt công nghệ?

“Luật được ban hành là vô cùng quan trọng nhưng khi thực thi luật lại cần rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thì mới đi vào cuộc sống được. Đoạn đường này tưởng ngắn nhưng trên thực tế lại ngốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của Nhà nước cũng như của doanh nghiệp.

Điều đáng sợ nhất là, khi thực thi người ta lại bỏ lên bàn cân để cân đo đong đếm xem có lợi bao nhiêu và bất lợi bao nhiêu. Mọi rào cản bắt đầu phát sinh, chưa kể đến những quyết định cảm tính và duy ý chí có thể xảy ra từ các cơ quan chính quyền địa phương được phân cấp thừa hành.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong vòng 15 năm qua, nhiều quốc gia châu Á, châu Phi, Nam Mỹ đã đặt ra những mục tiêu công nghiêp hóa, hiện đại hoá đất nước rất hoành tráng và ấn tượng. Chính phủ các nước này đã hỗ trợ về nhiều mặt, kể cả về vốn đầu tư, thời gian và chính sách bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có vài nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và sau này là Israel, Ireland là đạt được thành công thực sự. Đặc biệt là thành công của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao. Các nước Nam Mỹ và Đông Nam Á chưa đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu. Đây sẽ là kinh nghiệm quý báu để chúng ta lựa chọn đường đi cho mình”.

(Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Công ty cổ phần Đại Sơn kiêm Tổng giám đốc IQLinks Việt Nam)

 

(Theo Sơn Khánh // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Thủ tục cho người nước ngoài thuê nhà ở
  • Hai thương vụ béo bở
  • Điều chỉnh thuế GTGT và thuế TNDN: Ai hưởng lợi?
  • Kết luận điều tra bổ sung vụ tham nhũng tại Potmasco
  • Hơn 80% vụ kiện thương mại của Việt Nam liên quan đến chống bán phá giá
  • Cục Hàng không "tố" Jetstar Pacific mập mờ lách luật
  • Nhà ở trong hành lang an toàn điện được bồi thường đến 70%
  • Kiểm soát chặt việc bán tài sản nhà nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%