Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỗi nơi trích quỹ bình ổn giá xăng dầu mỗi kiểu

Quỹ BOG xăng dầu được tạo nên từ tiền của người tiêu dùng khi mua xăng sử dụng. Ảnh: Minh Tâm

Kiểm toán Nhà nước xác định việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2009-2010 được thực hiện khá nghiêm túc nhưng mỗi doanh nghiệp làm mỗi kiểu, nơi trích thiếu, nơi trích thừa do hướng dẫn thiếu rõ ràng, cụ thể.

Đây là thông tin được rút ra từ báo cáo kết quả kiểm toán chuyên đề về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu giai đoạn 2009-2010 do Kiểm toán Nhà nước thực hiện vừa được công bố.

Theo báo cáo kiểm toán, việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu của các doanh nghiệp trong thời gian qua được thực hiện khá nghiêm túc theo quy định của Nhà nước. Số tiền đã trích lập và sử dụng quỹ cơ bản phù hợp với số phải trích lập và số được sử dụng.

Cụ thể, trong 2 năm 2009-2010, tổng số tiền 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được kiểm toán trong đợt này trích vào quỹ là 5.554,661 tỉ đồng. Trong đó, năm 2009, các doanh nghiệp đầu mối đã trích 1.006,881 tỉ đồng (trong khi tổng số tiền cần phải trích lập là 970,908 tỉ đồng). Số đã trích lớn hơn số phải trích là 35,973 tỉ đồng.

Sang năm 2010, các doanh nghiệp đã trích là 4.561,559 tỉ đồng, thiếu 22,194 tỉ đồng so với số cần phải trích 4.583,753 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có trích thừa, trích thiếu khác nhau trong hai năm. Ví dụ, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trích thiếu 108 triệu đồng, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) trích thừa 8,050 tỉ đồng; Công ty Dầu khí Mê Kông (PtroMekong) trích thừa 52,393 tỉ đồng trong năm 2009.

Theo Kiểm toán Nhà nước, những số liệu chênh lệch giữa số liệu báo cáo và kiểm toán là do một vài văn bản hướng dẫn trích lập và sử dụng Quỹ BOG của Tổ giám sát liên bộ Công Thương - Tài chính thiếu rõ ràng, cụ thể khiến các doanh nghiệp đầu mối hiểu không đúng, dẫn đến thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, cơ chế trích lập Quỹ BOG còn bất hợp lý khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tham gia thực hiện nhiệm vụ BOG mà kết quả kinh doanh bị lỗ vẫn phải trích lập quỹ. Do giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở nên doanh nghiệp phải lấy vốn của mình để trích lập vào quỹ. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, điều này làm tăng chi phí, giá cơ sở. Khi đó, việc trích lập Quỹ BOG không có ý nghĩa, doanh nghiệp đã lỗ càng thêm lỗ.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, Quỹ BOG rất dễ bị doanh nghiệp lạm dụng, sử dụng vào mục đích khác khi để quỹ tại doanh nghiệp. Việc để quỹ tại doanh nghiệp tiềm ẩn những rủi ro cao, không có biện pháp phòng ngừa và không tách bạch được các khoản lãi từ quỹ mang lại.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường và giá cả cho hay, kết quả kiểm toán nói trên là hợp lý bởi việc trích lập, thu - chi doanh nghiệp đều làm theo quy định của Nhà nước và việc kiểm toán được thực hiện trên giấy tờ, sổ sách chứ không phải là kiểm đếm tiền mặt.

Theo ông Long, vấn đề đáng nói ở đây là cơ chế hình thành, hoạt động và tính minh bạch của quỹ. Ông Long cho rằng, với cái kiểu để tại doanh nghiệp như hiện nay thì có hai trường hợp xảy ra: một là một số tiền lớn nằm im một chỗ không sinh lời, hai là doanh nghiệp có thể sử dụng vào mục đích khác mà Nhà nước không quản lý được.

Do vậy, theo ông Long cần thay đổi cơ chế hình thành, hoạt động quỹ. Thứ nhất, về nguồn hình thành quỹ không phải chỉ mình người tiêu dùng đóng góp như hiện nay mà cần có sự “chung lưng đấu cật” của doanh nghiệp (trích từ lợi nhuận).

Thứ hai, Quỹ BOG không nên cho doanh nghiệp giữ, làm một khoản “tiền chết” như hiện nay mà đưa ra ngoài, sử dụng hiệu quả và minh bạch. Chẳng hạn như gửi ngân hàng không kỳ hạn, vừa thu được tiền lãi không nhỏ mà vẫn có thể rút ra sử dụng bất kỳ lúc nào.

Thứ ba, theo ông Long, cần tính toán cơ chế trích lập quỹ phù hợp thực tế, xác định mức thu và thời điểm dựa trên tình hình cụ thể.

10 doanh nghiệp và hai đơn vị được kiểm toán lần này bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Công ty thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty TNHH một thành viên xăng dầu Hàng không (Vinapco), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco), Công ty Dầu khí Mê Kông (PV Oil Mekong), Công ty thương mại xăng dầu Đường biển (PMT thuộc Tổng công ty Hàng hải), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, qua biên bản kiểm tra của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho thấy chỉ có một doanh nghiệp chưa thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ trong số 10 doanh nghiệp được kiểm toán.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%