Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mười năm hai lần bị quy hoạch treo

Chỉ trong mười năm, 300 hộ dân ngụ ở tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 1, quận Bình Thạnh, TP. HCM “dính” liên tiếp hai lần quy hoạch treo, quyền lợi của họ vì thế bị treo theo. Quá bức xúc, người dân ở đây đã đồng ký đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng.

Khu dân cư trên đường Bùi Hữu Nghĩa không biết bị treo đến bao giờ

Ông Nguyễn Văn Tùng, nhà 137 Bùi Hữu Nghĩa, bức xúc cho biết: khu dân cư ổn định 50 năm qua. Tuy nhiên, từ năm 1999, người dân phải thấp thỏm lo âu khi hay tin người ta quy hoạch thành khu dân cư nhà vườn, đường rộng 20m. Rồi sau đó, vì không có nhà đầu tư thực hiện dự án, quận Bình Thạnh tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, vẽ khu này thành công viên cây xanh.

Như dây thòng lọng

Theo ông Tùng, sau lần quy hoạch đầu, người dân sống quanh đây cứ tưởng đâu thoát được quy hoạch nhà vườn để yên tâm làm ăn sinh sống thì bất ngờ bị chồng thêm một quy hoạch công viên khiến ai nấy đều ăn ngủ không yên. “Mười năm rồi không được xây nhà kiên cố, có giấy chủ quyền nhưng không thế chấp được, vướng quy hoạch nên nhà bán không ai mua. Bao nhiêu tổn thất của chúng tôi ai đền bù cho được?”, ông Tùng bức xúc.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Hoà, ngụ tại số 121 Bùi Hữu Nghĩa chìa tấm bản đồ quy hoạch của quận ra phân trần: đường Bùi Hữu Nghĩa trong tương lai sẽ có hai công viên nằm trên đoạn đường dài chưa tới 1.000m, phía sau là con rạch nhỏ dài 500m không có dòng thoát nước ở hai đầu. Rạch này hiện chỉ chứa rác và nơi thoát nước thải của các hộ dân chứ không có tác dụng thoát nước cho khu vực trong các đợt triều cường. Trong khi khu dân cư hiện hữu có sức chứa lên đến 1.500 nhân khẩu đã tồn tại nửa thế kỷ, nay quy hoạch làm công viên cây xanh là không hợp lý.

Nhiều người dân sống quanh tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa cho rằng, việc giữ lại con rạch nhỏ mất khả năng thoát nước và biến khu này thành công viên cây xanh không mang lại hiệu quả, gây xáo trộn đời sống người dân. Trong khi đó, dự án này sẽ cần một lượng vốn ngân sách lớn mới di dời hết dân cư, nên thay vì giải toả thì chỉ chỉnh trang.

Ông Tùng và ông Hoà đưa ra phương án, lấp rạch và làm cống hộp để thoát nước, khu dân cư hiện hữu vẫn giữ lại còn mảng xanh thì có thể xen kẽ chứ không nhất thiết giải toả nhà dân làm công viên.

Không biết đến bao giờ

Quy hoạch định hướng

Theo phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, hiện nay quận chưa tiến hành khảo sát thực địa khu dân cư dọc theo tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 1, nên chưa đưa ra được tổng vốn đầu tư phục vụ đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng quy hoạch cây xanh theo tiêu chuẩn làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, quận đã từng bước điều chỉnh hạn chế diện tích cây xanh ở các khu dân cư hiện hữu. Diện tích công viên cây xanh sẽ khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư bổ sung trong những dự án nhà ở mới. Riêng đối với tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, do diện tích quá nhỏ nên quận định hướng quy hoạch là khu công viên cây xanh để chỉnh trang đô thị.

Sáng 26.1, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phan Văn Định, chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh cho biết, trường hợp khiếu nại của các hộ dân trên đường Bùi Hữu Nghĩa đã được quận trả lời, giải thích bằng văn bản rất nhiều lần. Đây không phải là công viên mà chỉ là một vệt cây xanh dọc theo con rạch để chỉnh trang đô thị. Con rạch phải giữ lại theo ý kiến của ngành giao thông để đảm bảo vai trò thoát nước.

Theo ông Định, hiện nay tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa gần như không có vỉa hè. Người dân buôn bán lấn chiếm hết lối đi bộ. Ở phía sau, người dân cũng làm nhà lấn ra mất nửa con rạch gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và không còn lối thoát nước. Chính vì tình trạng như vậy, nên UBND quận mới có chủ trương cải tạo tuyến đường, xây dựng hai thảm xanh hai bên đường để tạo mỹ quan đô thị.

Trả lời dân về số phận của con rạch và tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, tháng 9.2009, trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh Hồ Phương giải thích: căn cứ vào trả lời của khu Quản lý giao thông đô thị số 1, rạch Bùi Hữu Nghĩa có nhiệm vụ tiêu thoát nước, thuộc danh mục cấm san lấp nên kiến nghị của người dân không thể thực hiện được.

Sở Giao thông vận tải cũng đã gửi công văn 204 (năm 2008) cho sở Quy hoạch kiến trúc về việc rạch Bùi Hữu Nghĩa nằm trong danh mục cần phải giữ lại để phục vụ thoát nước khu vực. Hành lang bảo vệ bờ rạch là 10m, tính từ mép bờ vào bên trong đất liền. Tuy nhiên, hiện con rạch bị lấn chiếm nhiều, việc giải toả rạch rất khó khăn. Do đó, trong trường hợp điều chỉnh con rạch thành cống hộp theo kiến nghị của người dân, sở Giao thông vận tải sẽ điều chỉnh lại danh mục sông, kênh, rạch phục vụ thoát nước đã công bố. Trong công văn số 11 do sở Quy hoạch kiến trúc thành phố ban hành ngày 4.1.2010, rạch Bùi Hữu Nghĩa kéo dài từ ngã ba giao với rạch Cầu Bông đến gần đường Vũ Tùng. Lộ giới đường Bùi Hữu Nghĩa và ranh hành lang bảo vệ bờ rạch sẽ trồng cây xanh để chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị.

Ý kiến bạn đọc:

Chúng tôi sống ở quận Bình Thạnh rất bức xúc. Bình Thạnh là nơi qui hoạch nhiều nhất, treo lâu nhất, mà chẳng làm đến nơi đến chốn, chỉ tội khổ người dân, đời này sang đời khác. Vũ Thị Bích Nga (bichnga...@yahoo.com)

Việc quy hoạch các hộ dân ở đường Bùi Hữu Nghĩa chỉ để tạo một thảm xanh nhỏ là không hợp lý, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước, trong khi nhu cầu về việc xây dựng công viên là không bức thiết, vì đã có nhiều công viên ở khu vực xung quanh như công viên Lê Văn Tám, Gia Định, Hoàng Sa, Trường Sa… Hơn nữa, việc quy hoạch tuyến đường này sẽ phơi bày khu nhà lụp xụp phía sau, gây mất mỹ quan đô thị của thành phố. Đặc biệt, đây là dãy nhà của các hộ kinh doanh buôn bán nên việc quy hoạch sẽ gây mất công ăn việc làm của nhiều người, và thất thu về thuế do các hộ dân này đóng góp. Xin hãy lắng nghe ý kiến của người dân để ngân sách Nhà nước được sử dụng hiệu quả nhất. Le Pham (dieule...@yahoo.com)

Việc ô nhiễm kênh rạch Bùi Hữu Nghĩa là nỗi lo, bức xúc của người dân và lãnh đạo thành phố cần giải quyết có tình có lý.  Chính quyền cần lắng nghe ý kiến của người dân trước khi ký duyệt quy hoạch. Nên có cuộc hộp hội thảo với người dân cùng các cấp địa phương để tìm ra phương hướng giải quyết tối ưu và khả thi nhất, tránh thêm một lần quy hoạch treo nữa. Nguyễn Đức Hoà (tanduc...@yahoo.com)

( Theo Tùng Quang // SGTT Online)

  • Cho người Việt chơi bạc ở casino?
  • Thu hẹp đối tượng hưởng ưu đãi thuế TNDN
  • Dẹp quảng cáo rao vặt: Lúng túng vì thiếu chế tài
  • 5 nhóm hàng hóa chịu thuế môi trường
  • Qua kiểm tra, giám sát thị trường: Phát hiện nhiều hình thức gian lận thương mại
  • Công ty Cổ phần Tân Việt Phát vi phạm nhiều quy định của pháp luật
  • Nóng bỏng buôn lậu biên giới Tây Nam
  • Kiểm toán độc lập: Vướng vì thiếu luật
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%