Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Oan hay không oan?

Minh họa: Khều.

Tìm hiểu và chấp hành quy định của các luật thuế là nghĩa vụ của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Nếu vi phạm luật thuế với bất kỳ lý do gì, kể cả do chưa nắm được sự thay đổi của luật đều bị phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là quy định của pháp luật!

Nội dung đơn khiếu nại

Gần đây, doanh nghiệp tư nhân K tại Quảng Nam đã gửi đơn khiếu nại tới Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kêu oan vì đã vi phạm Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) do… chưa được hướng dẫn!

Sự việc xảy ra do có sự thay đổi thuế suất Thuế GTGT đối với hàng ủy thác, gia công xuất khẩu từ 0% lên 10% từ tháng 6-2007 theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Thông tư số 32/2007/TT-BTC ngày 9-4-2007 của Bộ Tài chính. Sự thay đổi nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhận ủy thác, gia công hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp K đã không tìm hiểu và thực hiện theo sự thay đổi này. Vì vậy, các hóa đơn GTGT của doanh nghiệp K đối với hàng nhận ủy thác, gia công xuất khẩu từ tháng 6-2007 đến tháng 10-2008 vẫn áp thuế suất thuế GTGT bằng 0%.

Ngày 4-5-2009, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam có thông báo yêu cầu doanh nghiệp kê khai điều chỉnh bổ sung với nội dung điều chỉnh thuế suất từ 0% lên 10% cho các tờ khai thuế GTGT trong khoảng thời gian nói trên. Với việc điều chỉnh này, số thuế GTGT mà doanh nghiệp K phải nộp thêm là hơn 628 triệu đồng. Doanh nghiệp K đã chấp hành và nộp đủ số tiền truy thu. Song, ngày 26-8-2009, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam lại có tiếp một thông báo với yêu cầu “các trường hợp sau khi khai bổ sung, điều chỉnh dẫn đến tăng số thuế phải nộp của kỳ có số liệu bổ sung điều chỉnh thì người nộp thuế phải nộp số thuế tăng thêm và số tiền phạt chậm nộp phát sinh theo số tăng thêm. Thời điểm xác định chậm nộp được tính sau ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng có số liệu bổ sung, điều chỉnh đến ngày người nộp thuế nộp số tiền đó vào ngân sách nhà nước”. Với quy định đó, số tiền phạt chậm nộp của doanh nghiệp K là trên 105 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được thông báo nộp tiền phạt chậm nộp, doanh nghiệp K đã gửi đơn khiếu nại đến Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam. Đơn khiếu nại có đoạn: “Số tiền phạt chậm nộp, doanh nghiệp không thể nào thực hiện được. Vì quy định đó của Cục Thuế tỉnh thiếu sự dân chủ, công bằng và trách nhiệm đối với doanh nghiệp. Tại sao tháng 5-2009, Cục Thuế mới hướng dẫn và doanh nghiệp đã chấp hành thực hiện ngay, nhưng Cục Thuế lại buộc doanh nghiệp phải nộp phạt tiền thuế chậm nộp từ tháng 6-2007 trở đi với số tiền hàng trăm triệu đồng? Phải chăng đây chỉ là quyền, còn nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thì sao?”.

Ngày 14-10-2009, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định không công nhận nội dung đơn khiếu nại của doanh nghiệp K. Ngày 27-10-2009, doanh nghiệp K tiếp tục có đơn khiếu nại gửi Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… Đơn khiếu nại lần hai của doanh nghiệp K có đoạn: “Việc nộp phạt, về cơ bản theo luật thuế chúng tôi thấy không có gì sai, nhưng đối với doanh nghiệp, chúng tôi thấy rất oan nghiệt…”. Lý do mà doanh nghiệp K cho là điều “oan nghiệt” là “việc thay đổi thuế suất Thuế GTGT của hàng may mặc gia công, ủy thác xuất khẩu từ 0% lên 10% là việc hoàn toàn mới. Lẽ ra, các doanh nghiệp phải được cơ quan chức năng nhà nước tập huấn, hướng dẫn thấu đáo…” và “từ tháng 6-2007 đến tháng 10-2008, doanh nghiệp đã gửi tổng cộng 17 bản báo cáo lên Cục Thuế tỉnh… Nếu nắm được quy định của Luật Thuế GTGT mới của hàng ủy thác, gia công xuất khẩu là 10% mà trong báo cáo chúng tôi ghi là 0% thì tại sao không phản hồi lập tức, không hướng dẫn để chúng tôi chỉnh sửa kịp thời mà để đến tháng 5-2009, tức là hai năm trôi qua mới hướng dẫn chúng tôi thực hiện?”.

Thấy gì từ trường hợp doanh nghiệp K?

Trước hết, doanh nghiệp K có bị phạt oan hay không? Oan là bị quy tội mà bản thân không phạm, phải chịu sự trừng phạt mà bản thân không đáng phải chịu. Đó là giải nghĩa chung nhất về “oan”. Theo đó, quả là doanh nghiệp K không cố tình, làm sai do không biết. Tuy nhiên, cái sự “không biết chính sách thuế mới” của doanh nghiệp K lại khó có thể chấp nhận. Khoản 2 điều 7 Luật Quản lý thuế quy định một trong những trách nhiệm của người nộp thuế là “khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế”. Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp K nói riêng phải có trách nhiệm cập nhật những thông tin thay đổi về chính sách thuế.

Thứ hai, cán bộ có liên quan thuộc Cục Thuế tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm gì trước một sự kiện đã qua hai năm mới phát hiện được? Khoản 2 điều 8 Luật Quản lý thuế quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế là “tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế” và khoản 3 quy định: “Giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế…”. Tại biên bản làm việc giữa đại diện Phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Quảng Nam và doanh nghiệp K có ghi nhận: “Việc kiểm tra hồ sơ khai thuế của đơn vị từ tháng 6-2007 trở đi mà cán bộ kiểm tra không yêu cầu đơn vị kê khai điều chỉnh hay bổ sung, cho đến tháng 5 - 2009 cơ quan thuế mới có thông báo cho doanh nghiệp nên dẫn đến số tiền bị phạt nói trên”. Như vậy, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam không thể không có trách nhiệm gì trước việc doanh nghiệp K bị phạt oan.

Tuy nhiên, cũng theo các văn bản quy phạm pháp luật, không thể cho rằng, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam không thực hiện việc “tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế” và “giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế…”. Bởi lẽ, Cục Thuế đã tổ chức tập huấn và cung cấp văn bản về pháp luật thuế cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, không một văn bản nào bắt buộc cán bộ thuế phải tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn pháp luật về thuế… đối với từng doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay có 2.508 doanh nghiệp, trong đó có 2.384 doanh nghiệp ngoài nhà nước. Việc quan tâm, hướng dẫn tới từng doanh nghiệp, dù là rất đáng hoan nghênh và khuyến khích, song sẽ là bất khả thi đối với lực lượng cán bộ thuế hiện nay. Điều đáng trách chỉ là sự việc đã bị “chìm trong quên lãng” tới hai năm và gây hậu quả khá nặng nề cho doanh nghiệp. Phải chăng, đó là sự vô cảm trong thi hành công vụ?

Thứ ba, trách nhiệm chính dẫn đến việc bị phạt vẫn thuộc về doanh nghiệp K. Bởi lẽ, tìm hiểu các quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh nói chung, luật thuế nói riêng, phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp. Một hành vi vi phạm được coi là cố ý hay vô ý rất khó có thể phân định rạch ròi. Trường hợp của doanh nghiệp K là do không biết thực sự, nhưng nếu thừa nhận việc “miễn phạt” do không biết mà vi phạm thì chắc chắn số doanh nghiệp vi phạm “vì không biết” sẽ rất nhiều và khi đó, công tác quản lý thuế sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ tư, từ sự việc của doanh nghiệp K, bài học có ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp là cần tìm hiểu, nắm chắc và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan quản lý nhà nước không thể thay thế cho việc học tập, cập nhật thông tin của bản thân doanh nghiệp. Trong điều kiện hệ thống pháp luật có sự thay đổi rất nhiều và nhanh, một bộ phận lớn các cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước còn “vô cảm, lạnh lùng” như hiện nay thì vai trò chủ động của các chủ doanh nghiệp lại càng quan trọng hơn. Chủ doanh nghiệp có thể không có thời gian để đọc, hiểu các văn bản quy phạm pháp luật (vốn rất nhiều và rất phức tạp). Song, doanh nghiệp cần có bộ phận pháp chế hoặc sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật. Chi phí cho việc duy trì bộ phận pháp chế của doanh nghiệp hoặc thuê tư vấn chắc chắn sẽ thấp hơn so với tiền nộp phạt.

(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Xử lý tham nhũng: Hiệu quả chưa đi liền với... quyết tâm
  • Thêm một cơ sở nấu lậu nhớt cặn ở Bình Dương
  • Bắt quả tang DN xả nước thải không qua xử lý
  • Xe du lịch biến thành xe tải Van: Hải quan vẫn chưa thông!
  • Cuối năm: Tình hình tranh chấp lao động “nóng” lên
  • Cơ sở lưu trú có hạng ở Đà Lạt hoảng hốt vì văn bản… lạ
  • Hàng giả, hàng nhái tập trung ở các thành phố lớn
  • Thủ tục hải quan điện tử : Cần sự phối hợp từ nhiều phía
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%