Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa kiến nghị UBND TPHCM về việc xử lý Công ty cổ phần In Vườn Lài vì có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng. Trước đó, sở cũng đã xử phạt 3 đơn vị khác. Điều đáng nói là trong các đơn vị bị xử lý vi phạm môi trường lần này, có những đơn vị đã từng bị xử lý trước đây nhưng cho đến nay vẫn tái vi phạm.
Nước thải không đạt chuẩn vẫn xả vô tư
Theo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty cổ phần In Vườn Lài hoạt động trong lĩnh vực in ấn các loại bao bì tại phường 5, quận 10. Khi Thanh tra sở thực hiện kiểm tra, công ty đã có nhiều hành vi vi phạm môi trường. Cụ thể như vi phạm quy định về cam kết bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động, công ty chưa được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường xác nhận cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.
Một góc Công ty cổ phần Dệt may Gia Định - Phong Phú. Ảnh: KIM NGÂN |
Không dừng lại đó, công ty không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Do đó, toàn bộ nước thải phát sinh từ công đoạn rửa bản in và nước thải sinh hoạt không được xử lý mà thải thẳng ra cống sinh hoạt chung của thành phố. Kết quả phân tích mẫu nước thải của công ty cho thấy nồng độ chất thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 – 10 lần. Riêng chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất gồm mực in, dụng cụ chứa đựng hoặc dính mực in không được công ty đăng ký sổ chủ nguồn thải hoặc chuyển giao cho công ty chức năng thu gom, xử lý mà bỏ chung vào rác thải sinh hoạt.
Trước đó, thanh tra sở đã kiểm tra Công ty cổ phần Dệt may Gia Định – Phong Phú, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tương Lai Xanh và Công ty TNHH TM – DV Ngọc Phú cũng đã phát hiện có nhiều hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, đối với Công ty cổ phần Thương mại Dệt may Gia Định đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Điều đáng nói, vào năm 2007, Công ty cổ phần Dệt may Gia Định đã từng bị xử phạt vì có hành vi xả nước thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Còn đối với Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tương Lai Xanh và Công ty TNHH TM – DV Ngọc Phú không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại nhưng vẫn thu gom lưu giữ loại chất thải này.
Kiến nghị UBND TP xử phạt nặng
Trước hành vi vi phạm môi trường trên, bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã quyết định xử phạt Công ty cổ phần Dệt may Gia Định – Phong Phú 6 triệu đồng. Hai công ty là Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tương Lai Xanh và công ty TNHH TM – DV Ngọc Phú, mỗi công ty 25 triệu đồng. Ngoài ra, hai công ty này bị buộc phải vận chuyển đúng các loại chất thải nguy hại đã được cấp phép.
Riêng trường hợp Công ty cổ phần In Vườn Lài, tổng mức phạt cho cả 3 hành vi vi phạm là xả nước thải vượt tiêu chuẩn, không đăng ký sổ chủ nguồn thải và không chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy định là 185 triệu đồng. Mức phạt này vượt thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, nên sở đã kiến nghị UBND TPHCM ra quyết định xử phạt. Trong đó, sở cũng kiến nghị UBND TP buộc công ty này phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn mới được thải ra môi trường. Mặt khác, trong vòng 30 ngày, công ty phải thực hiện đăng ký sổ chủ nguồn thải đối với chất thải nguy hại. Đồng thời, phân loại và chuyển giao chất thải nguy hại cho các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý.
Kiểm soát chặt công tác tư vấn đầu tư môi trường
Có thể nói, cho đến nay nghị định xử phạt mới về vi phạm môi trường của Chính phủ đã đi vào cuộc sống được 6 tháng. Theo đó, những hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp dù ở mức nặng hay nhẹ đều bị xử phạt rất khắt khe. Đơn cử, cũng là hành vi không chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy định như trước tháng 3-2010 chỉ có thể bị phạt 10 - 30 triệu đồng. Còn từ sau tháng 3 trở lại nay, doanh nghiệp có thể đối mặt với mức phạt lên đến 100 triệu đồng. Điều này bước đầu đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện nhu cầu đầu tư cải thiện môi trường sản xuất của doanh nghiệp rất lớn. Trong khi đó, số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư môi trường tại Việt Nam còn ít. Đó là chưa kể, chất lượng của các nhà đầu tư môi trường bị thả nổi khiến cho nhiều doanh nghiệp mất tiền oan. Do đó, nếu các cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn chất lượng của các nhà tư vấn đầu tư, thì chắc chắn ngày càng có nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường.
( Theo ÁI VÂN // Báo SGGP Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com