Nước ô nhiễm hóa chất tại kênh Ba Bò - TP HCM |
Thực trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam đang đến hồi báo động. Từ việc dòng sông Thị Vải trở thành dòng sông chết đến việc các DN thi nhau nhập rác thải nguy hại... Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng điều đáng buồn đa phần là nguyên nhân chủ quan, do chính cơ quan chức năng, DN, người dân... tạo nên.
Hiện tượng trốn nộp phí bảo vệ môi trường (BVMT) đang rất phổ biến, dù đây là nguồn kinh phí chủ yếu dùng vào tái tạo, giữ gìn và BVMT.
Các kiểu trốn phí, chưa tôn trọng BVMT
Phó GS - Tiến sĩ Bạch Thị Minh Huyền - chuyên gia tư vấn quốc tế dự án ETV2 về thuê - phí BVMT nói: Tuy việc thu phí BVMT tại Việt Nam còn phải chỉnh sửa, nhưng nếu thực hiện nghiêm các quy định hiện có cũng góp phần tích cực tái tạo, BVMT. Việc thu phí BVMT đang đạt rất thấp, nghiêm trọng nhất là việc thu phí đối với nước thải công nghiệp hiện chỉ đạt khoảng 20% tổng số phí phải thu, dù loại nước này đang là nguyên nhân chính làm chết các dòng sông Việt Nam.
Ông Trương Quang Thông- Trưởng Phòng pháp chế Cục Thuế Đồng Nai còn cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2008, chỉ có 410 DN chấp hành khai và nộp phí BVMT, còn khoảng 500 DN chưa hề nộp phí BVMT, có 6 DN nợ tích lũy phí BVMT trên 100 triệu đồng/DN. Nổi cộm nhất là Cty Vedan đã trốn phí BVMT khoảng 90 tỷ đồng. Kiểm tra tại ĐN của Bộ TN - MT cho thấy 100% DN qua kiểm tra đều có gây ô nhiễm MT. Khi kiểm tra 128 DN xả nước ra sông Thị Vải, cơ quan chức năng đã phạt việc trốn phí, vi phạm Luật BVMT gần 1,5 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2007 thì Đồng Nai có 23 KCN được thành lập, với 19 KCN đang hoạt động nhưng hiện chỉ có 3 KCN có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) hoạt động tương đối ổn định là KCN Biên Hòa 2, Amata và Loteco. Hiện chỉ có 1/3 số nhà máy xí nghiệp tại Đồng Nai có hệ thống XLNT.
Tình hình thu phí BVMT tại tỉnh Long An cũng không khá gì hơn. Ông Huỳnh Thái Ngôn - Phòng tổng hợp nghiệp vụ dự toán Cục Thuế tỉnh Long An cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước các loại phí BVMT tại Long An đạt không đáng kể so với mức thu theo quy định. Hiện tỉnh Long An chủ yếu cũng chỉ thu được phí khai thác khoáng sản của các đối tượng có địa điểm cố định, lượng khai thác lớn. Năm 2006, tỉnh chỉ thu được hơn 114,7 triệu đồng phí BVMT; năm 2007 thu hơn 3,8 tỷ đồng và năm 2008 thu trên 2,4 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng - DN đều xem thường
Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), hiện Việt Nam chưa có một sắc thuế cụ thể về BVMT, mà chỉ có một số sắc thuế có nội dung liên quan đến BVMT như: Thuế tiêu thụ đặc biệt, có đánh thuế các loại hàng hóa khi sản xuất, tiêu dùng có ảnh hưởng đến môi trường. Thuế TNDN, có chính sách ưu tiên cho xây dựng hoặc cải tiến công nghệ mới cải thiện môi trường... Hiện việc thu phí BVMT đều thực hiện theo Pháp lệnh phí và lệ phí do Quốc hội ban hành, và nghị định kèm theo của Chính phủ.
Ông Trương Quang Thông lý giải hiện tượng trốn nộp các loại phí BVMT của các DN tỉnh Đồng Nai là do: “Ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể còn kém...”. Còn yếu kém của các cơ quan chức năng là do “Việc xử lý các vi phạm còn lúng túng, khó khăn”. Ông Thông ví dụ: Để chia tỷ lệ bồi thường thiệt hại sông Thị Vải là việc không thể làm được, vì có đến 13 KCN đều có vi phạm thải ô nhiễm ra dòng sông này! Nếu chỉ xử lý một mình Cty Vedan là không công bằng, vì Vedan chỉ là “giọt nước tràn ly”.
Việc chấp hành Luật BVMT của các cơ quan chức năng cũng không nghiêm, cụ thể: Luật quy định các KCX- KCN khi lấp đầy 30% diện tích phải đưa hệ thống XLNT vào hoạt động, nhưng thực tế như đã nêu ở trên là KCN lấp đầy 100% nhiều năm mà vẫn chưa hoạt động nhà máy XLNT. Hầu như tỉnh nào cũng mời gọi đầu tư vào các KCN, cho dù các KCN đó chưa có nhà máy XLNT.
Giải pháp nào ?
Ông Michel Mehling- Chuyên gia tư vấn quốc tế dự án ETV2 khẳng định: Việt Nam chỉ cần thực hiện nghiêm các quy định về BVMT đã có thì đã giảm đáng kể việc tàn phá MT. Ông này còn khuyến cáo: Phải thu phí, phạt tiền đơn vị vi phạm BVMT... chứ không nên hô hào chung chung.
Tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Hùng - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) - Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho biết: Ngành TNMT thiếu người đi thu phí BVMT, nếu có quy định thu các loại phí này cùng một lần với các loại thuế khác thì sẽ dễ hơn, có tác dụng mạnh với DN. Ngoài ra, ông này còn kiến nghị: Thu phí BVMT chỉ cần căn cứ vào bản kê khai lượng nước thải, chỉ số ô nhiễm của cơ sở mà không cần phải vác thiết bị xuống hàng chục ngàn cơ sở để lấy mẫu, thẩm định như quy định hiện nay. Chỉ thẩm định khi cơ sở không đồng ý với mức phí cơ quan chức năng đưa ra. Hơn nữa, nếu phải thẩm định cũng không thể chính xác, vì trước khi xuống thẩm định ngành chức năng phải báo trước, và cơ sở đã tìm cách giảm chỉ số ô nhiễm.
Mặt khác, nhiều DN không đồng tình khi phải nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp đánh đồng như nhau. Ví dụ, mức phí nước thải của ngành giấy, ngành hóa chất... cũng bằng mức phí của nước thải ngành thực phẩm, dù tác hại, chi phí xử lý... khác nhau xa.
Thật buồn khi trao đổi với một cán bộ thuế. Ông này cho biết ngành chức năng có thừa các biện pháp để thu đủ và thu đúng thuế- phí BVMT. Biện pháp cuối cùng có thể là phong tỏa tài khoản. Hầu hết các DN đều không phản đối việc nộp phí BVMT. Tuy nhiên, việc thu phí BVMT yếu kém chủ yếu là do nhận thức xem thường loại phí này của cả hai phía nhà nước và DN.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com