Trong vụ việc này, Đài THVN không thu được tiền quảng cáo từ chương trình truyền hình trực tiếp đêm chung kết để chuyển đến Quỹ từ thiện Nối vòng tay lớn giúp đỡ người nghèo.
Mặt khác, để chuẩn bị cho chương trình này lên sóng, Đài cũng đã phải bỏ công sức đầu tư cho việc sản xuất chương trình, chứ không đơn thuần chỉ có mỗi việc tiếp sóng. Điều quan trọng hơn cả là, hàng triệu khán giả xem truyền hình của Việt Nam bị mất đi cơ hội được thưởng thức một chương trình văn hoá hấp dẫn.
Theo tìm hiểu ban đầu, ngay sau khi phát hiện phần thi Hoa hậu Thời trang (không phải truyền hình trực tiếp) bị vi phạm bản quyền do một số website trong nước thu lại sóng của VTV3 và đưa lên mạng trực tuyến, thậm chí có những trang web còn lưu giữ để phát lại, đại diện Tập đoàn RAAS đã yêu cầu Đài THVN cảnh cáo các website xâm phạm và yêu cầu họ phải chấm dứt hành động vi phạm bản quyền.
Thế nhưng, trong đêm phát sóng phần thi Hoa hậu biển tiếp theo, các web site này vẫn tái diễn vi phạm. Chính vì vậy, ngay trong sáng 13/12, ông Hoàng Kiều, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn RAAS đã gửi thư cho đại diện Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình, Đài THVN (TVAd) thông báo chính thức về việc không tiếp tục cung cấp bản quyền phát sóng trực tiếp đêm chung kết Hoa hậu Thế giới 2008 cho Đài THVN nữa.
Theo ông Vũ Ngọc Hoan, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH - TT & DL), sự việc này nên được phân định rõ thành hai điểm. Thứ nhất, hiện mới chỉ khẳng định được các website như vietnamitv.com; vtc.com.vn... đã ngang nhiên vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan khi đưa những nội dung của chương trình Hoa hậu Thế giới lên trang web của mình.
Thứ hai, cũng cần xem xét lại những điều khoản trong bản cam kết giữa Đài THVN với RAAS. Cho dù đó chỉ là việc tặng quyền phát sóng, nhưng nếu Đài THVN không vi phạm bản quyền thì việc RAAS cắt bỏ quyền phát sóng của Đài THVN trong trường hợp lỗi vi phạm, lại do các đơn vị khác thì hẳn sẽ là chưa thoả đáng đối với nhà Đài.
Đồng quan điểm trên, Chánh Thanh tra Bộï VH - TT & DL, Vũ Xuân Thành cũng cho rằng, rõ ràng các website nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng về quyền tác giả và quyền liên quan. Tuy chưa tìm hiểu kỹ để biết chắc chắn được đơn vị nào đang nắm giữ bản quyền phát sóng chương trình.
Nếu trong trường hợp bản quyền phát sóng vẫn do RAAS nắm giư,õ thì chỉ họ mới có quyền khởi kiện các website vi phạm còn Đài THVN là đối tượng có quyền liên quan. Nhưng nếu trong trường hợp bản quyền thuộc về Đài THVN, thì lúc đó Đài THVN mới có quyền khởi kiện và đòi bồi thường.
Qua sự việc này, ông Hoan cho rằng, đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn vi phạm bản quyền Internet trong môi trường kỹ thuật số đối với các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng ở Việt Nam. Sang năm 2009, chắc chắn cơ quan quản lý sẽ phải đưa ra những biện pháp mạnh tay nhằm thắt chặt việc quản lý Internet trong môi trường kỹ thuật số. |