Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vụ OCI: Giữ nguyên “tội” cũ, mắc thêm “tội” mới

Thông báo tạm ngưng dịch vụ Phone-to-Phone từ 27/3 trên website của OCI
Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM vừa có kết luận giải quyết khiếu nại của Công ty Cổ phần Internet Một Kết Nối (OCI), nhưng vụ việc này vẫn chưa có hồi kết.

Theo hai quyết định 177/QĐ-STTTT và 178/QĐ-STTTT về giải quyết khiếu nại của OCI, ban hành ngày 19/5/2009, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM cho biết OCI đã chính thức triển khai kinh doanh trong lãnh thổ Việt Nam dịch vụ điện thoại Internet loại hình Phone-to-Phone gọi được về Viêt Nam, từ ngày 27/12/2008.

Ngoài ra, OCI còn ban hành giá cước, lắp đặt các thiết bị theo dõi cước, thiết bị định tuyến tại Việt Nam để phục vụ cho dịch vụ Phone-to-Phone gọi được về Việt Nam.

Từ quá trình đầu tư đến tiêu thụ sản phẩm điện thoại Internet loại hình Phone-to-Phone gọi được về Việt Nam đều được thực hiện tại thị trường Việt Nam, doanh thu cũng phát sinh tại thị trường Việt Nam.

“Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa cho phép kinh doanh điện thoại Internet Phone-to-Phone. Do vậy công ty sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam đối với dịch vụ điện thoại Internet loại hình Phone-to-Phone gọi được về Việt Nam là vi phạm pháp luật”, kết luận giải quyết khiếu nại của Sở khẳng định.

Đồng thời, Sở cũng dẫn chứng, tại điểm 2.2, khoản 1 của Thông tư Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định các tổ chức, cá nhân không được in, phát hành, bán thẻ và bán lại dịch vụ điện thoại Internet của doanh nghiệp không có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ điện thoại Internet. Vì thế mà OCI không được in, ấn phát hành thẻ có tính năng Phone-to-Phone, và việc thu hồi của Sở là đúng pháp luật.

Và theo quyết định trả lời khiếu nại, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM khẳng định quyết định của Thanh tra Sở là hoàn toàn đúng đắn, và việc khiếu nại của OCI là thiếu cơ sở.

OCI mắc thêm tội

Ngày 12/5/2009, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đã có buổi làm việc với OCI để giải quyết đơn khiếu nại của OCI, nhưng do “vụ việc phức tạp” nên Sở hoãn thụ lý tới ngày 30/6/2009 nên sự việc chưa ngã ngũ, và OCI đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhưng “đùng một cái”, ngày 19/5, OCI đã nhận được hai quyết định của Sở qua đường fax. Ngoài việc khẳng định sự đúng đắn về quyết định xử phạt của Thanh tra Sở với OCI, Sở còn quy OCI mắc vào thêm “tội” mới.

Theo kết luận của Sở, OCI đã gian lận cước viễn thông. Cụ thể, sau khi đối chiếu lưu lượng giữa các doanh nghiệp trong nước nhận lưu lượng của OCI Singapore và lưu lượng do OCI Việt Nam báo cáo thanh toán, có sự chênh lệch hơn 1 triệu phút.

Vì theo báo cáo của OCI Việt Nam tại công văn 327/2009/CV/OCI-BOE ngày 20/04/2009, lưu lượng OCI Việt Nam đã thanh toán cho OCI Singapore đối với dịch vụ Phone-to-Phone chiều về Việt Nam từ tháng 12/2008 đến tháng 3/2009 là 3.612.750 phút; nhưng theo báo cáo của hai doanh nghiệp là VDC và VTC, lưu lượng tiếp nhận từ OCI Singapore từ tháng 12/2008 đến tháng 3 năm 2009 là 4.645.607 phút.

Cũng tại quyết định giải quyết khiếu nại, Sở cho biết còn có bằng chứng đối với việc chuyển lưu lượng trái phép về điện thoại cố định tại Việt Nam trong tháng 2/2009 của OCI. Trong đó, lưu lượng thoại dịch vụ Phone-to-Phone chiều về điện thoại cố định OCI báo cáo đã thanh toán cho OCI Singapore là 1.668.240 phút; nhưng lưu lượng do các doanh nghiệp Việt Nam báo cáo đã tiếp nhận của OCI Singapore là 1.427.436 phút, chênh lệch 240.804 phút, vì vậy Sở cho rằng OCI đã "chiếm dụng trái phép" 240.804 phút.

Với những lập luận trên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM Lê Mạnh Hà đã quyết định giao Thanh tra Sở chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi trộm cước viễn thông đối với các đối tượng chuyển lưu lượng trái phép vào Việt Nam.

Đồng thời cũng giao Thanh tra Sở chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty OCI về hành vi đầu tư ra nước ngoài khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, vì đầu tư tại Úc, Canada, Mỹ khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, nên OCI đã vi phạm pháp luật.

Kiện Sở ra tòa?

Trước kết luận giải quyết khiếu nại của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội Điện tử và Công nghệ thông tin Tp.HCM cho rằng, lập luận OCI đã “gian lận cước viễn thông” chẳng khác gì phép tính cộng trừ “A - B = C”, mà không hề nói lên ý nghĩa của việc chênh lệch hơn 1 triệu phút đó là như thế nào.

“Theo tôi con số chênh lệch này chỉ có thể nói lên ý nghĩa là số lưu lượng OCI Việt Nam còn nợ chưa thanh toán cho OCI Singapore mà thôi. Có lẽ từ kết luận của Bộ Thông tin và Truyền thông mà Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đã cố tìm kiếm chứng cớ OCI chuyển lưu lượng trái phép về Việt Nam, cho dù không nêu ra được bằng chứng về việc lưu lượng thoại kết cuối về Việt Nam bằng đường kết nối nào?”, ông Hiền nói.

Bà Lê Thị Thu Thu, Giám đốc Quan hệ chiến lược OCI cho rằng, điều mà OCI mong mỏi là Sở đưa ra bằng chứng như theo quy định hướng dẫn của Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) là chỉ ra bằng chứng về việc lưu lượng thoại kết cuối về Việt Nam được chuyển qua trang thiết bị của công ty OCI, thì mới khẳng định được là OCI vi phạm.

“Nhưng trong cả hai quyết định của Sở không hề thấy đề cập tới những thông tin, dẫn chứng nào để chứng minh như theo quy định của Bộ, mà chỉ căn cứ vào những quy định về việc cung cấp dịch vụ mà quy OCI vi phạm”, bà Thu nói.

Trong thông cáo báo chí công bố ngày 21/5, OCI cũng khẳng định nhiều lập luận của Sở đưa ra là không xác thực. Ví dụ như việc suy luận cho rằng để có thể đưa thêm tính năng cho khách hàng gọi Phone-to-Phone từ Mỹ, Úc và Canada về Việt Nam OCI nhất định phải “đầu tư” sang các nước này là suy luận hoàn toàn không có căn cứ…

Theo OCI, với kết luận trên của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, doanh nghiệp này sẽ tính đến chuyện khởi kiện Sở ra tòa.

Trong một diễn biến khác, ngày 13/5 vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, trong đó cho biết Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhận được đơn kêu cứu của OCI, và đề nghị Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết ý kiến giải quyết.

(Theo MẠNH CHUNG // Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%