Ông Đặng Hoàng An (TP. Hà Nội) là kỹ sư điện, đang làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, tại bộ phận liên doanh thuộc Công ty TNHH A, được hình thành từ nguồn vốn thuộc sở hữu nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài.
Ông An có quá trình công tác tại khu vực Nhà nước như sau: Tháng 5/1972, nhập ngũ vào quân đội. Tháng 11/1976, ông được Sư đoàn 308 cử đi học tại Trường Đại học Cơ Điện theo diện ưu tiên 1, dành cho quân nhân phục viên, xuất ngũ, khóa học 1976-1981.
Ngày 29/1/1982, ông An nhận Quyết định phân phối học sinh tốt nghiệp đại học của Bộ Công nghiệp Nhẹ (nay là Bộ Công Thương) về công tác tại 1 Nhà máy. Ngày 12/2/1982, Nhà máy tiếp nhận ông vào làm việc.
Ngày 16/9/1994, ông được Nhà máy quyết định cho chuyển công tác đến Công ty TNHH A.
Từ đó đến nay, ông An làm việc tại bộ phận liên doanh thuộc Công ty TNHH A theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tại Điều 5 Hợp đồng lao động giữa Công ty và ông An ký tháng 9/1994, có thỏa thuận ông An “được tính thâm niên liên tục trong toàn bộ thời gian trước đây”. Lương cơ bản ông được hưởng từ tháng 1/2010 đến nay là 4 triệu đồng/tháng.
Vừa qua, Công ty TNHH A thông báo sẽ giải thể bộ phận liên doanh vào tháng 8/2010. Theo thông báo thì ông An là một trong số lao động sẽ bị mất việc làm, và ông chỉ được tính hưởng trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc tại Công ty từ tháng 8/1994 đến tháng 12/2008 (từ tháng 1/2009 đến nay đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
Ông An đề nghị được tư vấn các vấn đề sau:
- Trước khi chuyển về Công ty TNHH A, ông An đã có thời gian làm việc tại khu vực Nhà nước chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm. Nay khi mất việc làm tại Công ty TNHH A, thì thời gian ông An làm việc tại khu vực nhà nước có được tính để hưởng trợ cấp không? Đơn vị nào trực tiếp chi trả khoản trợ cấp đó ?
- Cách tính trợ cấp khi mất việc làm đối với trường hợp cụ thể của ông An?
Nếu những lời ông An trình bày và bản sao tài liệu của ông gửi kèm là chính xác, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm
Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm thì khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu tổ chức như sáp nhập, giải thể một số bộ phận của đơn vị dẫn đến người lao động bị mất việc làm, mà người sử dụng lao động không giải quyết được việc làm mới cho người lao động, phải cho người lao động thôi việc thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ luật Lao động và Điều 12 của Nghị định 39/2003/NĐ-CP.
Khoản 2, Khoản 4, Điều 12 Nghị định 39/2003/NĐ-CP quy định: Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động đó đến khi bị mất việc làm. Trường hợp, người lao động trước đó có thời gian làm việc ở khu vực nhà nước mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, thì thời gian đó được tính để nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động. Khoản trợ cấp thôi việc này do Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm của đơn vị mà người lao động bị mất việc làm trả cùng trợ cấp mất việc làm.
Trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc được trả trực tiếp một lần cho người lao động tại nơi làm việc hoặc tại nơi thuận lợi nhất cho người lao động và chậm nhất không quá 7 ngày, kể từ ngày người lao động bị mất việc làm.
Như vậy, khi mất việc làm, ông An được hưởng trợ cấp như sau:
- Thời gian ông làm việc tại khu vực Nhà nước từ tháng 5/1972 đến tháng 9/1994 được tính để hưởng trợ cấp thôi việc.
- Thời gian ông làm việc tại Công ty TNHH A từ tháng 9/1994 đến tháng 12/2008 được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm.
- Việc chi trả trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc đối với ông An do Công ty TNHH A thực hiện.
(Từ tháng 1/2009 đến nay, ông đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì trợ cấp thất nghiệp do Cơ quan BHXH chi trả theo quy định tại Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008).
Cách tính trợ cấp mất việc làm
- Cách tính tiền trợ cấp thôi việc cho thời gian làm việc tại khu vực nhà nước áp dụng Điều 2, Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009: Thời gian từ tháng 5/1972 đến tháng 9/1994 bằng 22 năm 4 tháng, được làm tròn thành 22 ½ năm. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Tiền trợ cấp thôi việc = 22 ½ năm x (4 triệu đồng + phụ cấp nếu có) x ½
- Cách tính tiền trợ cấp mất việc làm áp dụng Điều 1, Thông tư 39/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/11/2009 hướng dẫn mức trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP: Thời gian làm việc tại Công ty TNHH A từ tháng 9/1994 đến tháng 12/2008 bằng 14 năm 3 tháng, được làm tròn thành 14½ năm. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương được tính bình quân của 6 tháng liền kề của người lao động trước khi bị mất việc làm, bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Tiền trợ cấp mất việc làm = 14 ½ năm x (4 triệu đồng + phụ cấp nếu có) x 1
Nếu có việc thực hiện không đúng chế độ trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc đối với ông An, ông cần liên hệ với Công ty TNHH A để yêu cầu thực hiện đúng.
VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội
(Theo Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com