Cha tôi có lập di chúc bằng chữ viết tay. Trong đó, cán bộ tư pháp xã có xác nhận với nội dung "đương sự ngụ tại địa phương", bên dưới có bút phê của Phó chủ tịch UBND xã với nội dung "chữ ký trên đây đúng là chữ ký của cán bộ tư pháp xã".
Tôi xin hỏi: Bản di chúc này có hợp pháp không? Tại sao? Xin quý Báo trả lời giúp. Tôi xin cảm ơn.
Nguyễn Văn Thìn(Xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch)
Trong Bộ luật Dân sự có quy định việc lập di chúc như sau:
* Điều 649: Hình thức của di chúc
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản, thì có thể di chúc miệng.
Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
* Điều 652: Di chúc hợp pháp
1- Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a.Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
b. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
2- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
3- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn.
4- Di chúc bằng văn bản không có chứng nhận, chứng thực như quy định tại điều 660 của bộ luật này chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều này.
* Điều 655: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại điều 656 của bộ luật này.
Từ những điều luật đã viện dẫn, chúng tôi xin được trao đổi cụ thể về nội dung bạn hỏi như sau:
- Giả sử như di chúc của cha bạn không có chứng thực thì vẫn được coi là hợp pháp nếu phù hợp với điều 652 và điều 655. Vấn đề ở chỗ bạn phải chứng minh chữ viết trong di chúc là chữ viếtcủa cha bạn.
- Trong trường hợp cụ thể này thì di chúc có ghi ý kiến của cán bộ tư pháp xã " Đương sự ngụ tại địa phương" và Phó chủ tịch UBND xã ghi "Chữ ký trên đây đúng là chữ ký của cán bộ tư pháp xã". Cả hai bút phê trong di chúc đều không chứng nhận năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc và cũng không xác định chữ ký, chữ viết trong di chúc có đúng là của cha bạn hay không. Mặt khác, "việc ký, điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, chứng thực phải được thực hiện trước mặt người thực hiện công chứng, chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác" (khoản 1 - điều 11 Nghị định số 75/2000/NĐ.CP). Nếu như người có trách nhiệm chứng thực ghi đầy đủ là "Tôi đã kiểm tra người lập di chúc có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, việc lập di chúc là hoàn toàn tự nguyện và người lập di chúc ký tên, điểm chỉ trước mặt tôi" thì di chúc của cha bạn là hợp lệ.
- Còn trường hợp cụ thể này, người chứng thực chỉ chứng thực chữ ký của cán bộ tư pháp xã, còn cán bộ tư pháp xã lại ghi là "đương sự ngụ tại địa phương". Như vậy, chữ viết và chữ ký trong di chúc có phải là của cha bạn hay không thì không được xác nhận. Mặt khác, cha bạn có ký tên trước mặt Phó chủ tịch UBND xã hay không thì không được ghi nhận.
- Nếu như việc thừa kế theo di chúc của bạn có tranh chấp về tính hợp pháp của di chúc thì bạn sẽ gặp rắc rối và có thể cơ quan thẩm quyền sẽ kết luận là di chúc của cha bạn không hợp pháp (như đã phân tích ở trên).
- Cần trao đổi thêm, bạn ĐT số: 0913.755442 để gặp trực tiếp luật sư sẽ tư vấn cụ thể hơn. Chúc bạn gặp nhiều may mắn.
(Theo LS. Nguyễn Đức // Báo Đồng Nai Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com