Trong trường hợp: Thấy một người dùng hung khí tấn công nhục mạ một người khác, anh V.Đ.K dùng lời lẽ khuyên can thì bị người gây rối chuyển sang chửi bới xúc phạm. Vì quá bức xúc, anh V.Đ.K dùng nón bảo hiểm đang cầm sẵn trên tay đánh người gây rối 1 cái và sau đó tiếp tục khuyên nhủ, đưa người gây rối về nhà. Vụ việc được người dân trình báo và công an đã mời các bên về cơ quan giải quyết như sau:
-Người gây rối bị tạm giữ 12 giờ và chịu phạt tiền 350.000 đồng (có quyết định phạt tiền).
-Anh V.Đ.K bị phạt tiền tại chỗ (không phát hành lai thu) số tiền 350.000 đồng với hành vi đánh người gây mất an ninh trật tự. Qua vụ việc và cách xử lý trên của cơ quan công an, tôi thấy chưa được thỏa đáng. Vì hai người trên xuất phát từ hai hành động mục đích khác nhau. Xin được giải thích rõ hơn về quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp này.
NGỌC EM (Bình Thủy)
Vấn đề này, Luật sư Ngô Công Minh, Cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP Cần Thơ, trả lời như sau:
Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính).
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ (đoạn 1 khoản 3 Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính).
Việc phạt tiền tại chỗ với số tiền 350.000 đồng mà không phát hành biên lai là trái pháp luật, bởi lẽ về thủ tục đơn giản khi xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ nội dung Điều 54 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008 quy định:
Trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định xử phạt tại chỗ. Việc xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ tên, địa chỉ của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm, chức vụ của người ra quyết định, điều khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Quyết định này phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt một bản. Trong trường hợp người chưa thành niên bị phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt cảnh cáo còn được gởi cho cha mẹ, người giám hộ của người đó hoặc nhà trường nơi người chưa thành niên vi phạm đang học tập.
Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Cá nhân tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt phải giao biên lai thu tiền phạt cho người bị xử phạt.
Ngoài việc phạt tiền tại chỗ với mức phạt tiền cao nhất là 200.000 đồng, thì trường hợp bạn trình bày anh V.Đ.K có hành vi vi phạm trật tự công cộng là “đánh người gây mất an ninh trật tự” thì có mức xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 150/2005/NĐ.CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, về thẩm quyền xử phạt tiền, chiến sĩ công an nhân dân có quyền phạt tiền đến 100.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 30, Nghị định 150/2005); Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 30, Nghị định 150/2005).
(Theo P.Y thực hiện/CanTho)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com