Bầu dồn phiếu là một quy định mới lần đầu tiên được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, được áp dụng đối với việc bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Hiện tại, hai văn bản pháp lý có quy định liên quan đến bầu dồn phiếu là Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005.
Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 thì: “Việc bầu thành viên HĐQT hoặc ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của HĐQT hoặc ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên”.
Khoản 4, Điều 17, Nghị định 139/2007/NĐ-CP quy định: “Người trúng cử thành viên HĐQT hoặc thành viên ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại điều lệ công ty”.
Trên thực tế, ĐHCĐ của một số công ty còn có những cách hiểu khác nhau về quy định bầu dồn phiều. Điều này dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, làm nảy sinh những mâu thuẫn không cần thiết trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp. Hiện có 2 cách hiểu như sau:
Cách hiểu thứ nhất: một số doanh nghiệp cho rằng, theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 thì quyết định của ĐHCĐ được thông qua tại cuộc họp khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận.
Do đó, áp dụng Điểm a và Điểm c, Khoản 3, Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 139/2007/NĐ-CP thì người trúng cử thành viên HĐQT hoặc ban kiểm soát được xác định “theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp” và tối thiểu phải đạt ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận.
Cách hiểu thứ hai: một số doanh nghiệp khác thì cho rằng, theo Khoản 4, Điều 17 Nghị định 139/2007/NĐ-CP thì người trúng cử thành viên HĐQT hoặc ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu “tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại điều lệ công ty”.
Như vậy, theo Nghị định 139/2007/NĐ-CP thì việc xác định người trúng cử vào thành viên HĐQT hoặc ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu từ cao xuống thấp cho đến khi đủ ứng viên và không bắt buộc phải đảm bảo điều kiện “được ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”.
Vậy đâu là cách hiểu đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và văn bản hướng dẫn thi hành? Chúng ta có thể lấy ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn về quy định này. Công ty X tiến hành bầu thành viên HĐQT. Số thành viên cần bầu là 5 người và số ứng cử viên trong trường hợp này giả sử có 5 người (A, B, C, D và E). Giả thiết, vốn điều lệ của công ty X là 1 tỷ đồng, tổng số cổ phần là 100.000 cổ phần. Vì bầu 5 thành viên HĐQT nên số phiếu sẽ được nhân với 5. Như vậy, tổng số phiếu bầu là 500.000 cổ phần.
Giả sử 500.000 cổ phần đó được phân chia như sau: ông A - 150.000 cổ phần, tương đương 150%; ông B - 150.000 cổ phần, tương đương 150%; ông C - 100.000 cổ phần, tương đương 100%; ông D - 95.000 cổ phần, tương đương 95% và ông E - 5.000 cổ phần, tương đương 5%.
Với kết quả như trên, theo cách hiểu thứ hai thì 5 ứng cử viên trên đều trúng cử thành viên HĐQT công ty X. Điều này dẫn đến sự bất hợp lý là ông E, chỉ với số phiếu bầu chiếm 5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết vẫn trúng cử thành viên HĐQT. Theo cách hiểu này, nếu công ty X có số lượng ứng cử viên bằng với số thành viên HĐQT do ĐHCĐ quyết định thì kết quả bầu cử luôn đảm bảo tất cả ứng cử viên đều trúng cử.
Theo cách hiểu thứ nhất thì chỉ có 4 ứng cử viên A, B, C, D là đáp ứng đủ điều kiện trở thành thành viên HĐQT. Cách hiểu này có vẻ hợp lý hơn vì theo Khoản 3, Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 thì quyết định của ĐHCĐ được thông qua khi ít nhất 65% tổng số cổ phần biểu quyết của cổ đông dự họp chấp thuận.
(Theo ĐTCK)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com