Chồng bà Phan Hồng Nhung (Hà Nội) là công nhân lái xe tại 1 công ty cổ phần theo hợp đồng lao động. Vừa qua khi chồng bà Nhung đang lái xe chở hàng cho công ty thì ô tô bị hỏng bộ phận tay lái lao xuống ruộng, xe bị lật, gây thương tích nặng.
Sau khi điều trị, giám định y khoa chồng bà Nhung được kết luận bị suy giảm khả năng lao động 81%. Nhưng công ty chồng bà Nhung cho rằng đây là tai nạn giao thông, nên công ty không bồi thường tai nạn lao động (TNLĐ) cho chồng bà Nhung. Bà Nhung hỏi, như vậy có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của bà Nhung như sau:
Trường hợp được xác định là TNLĐ
Điều 105 Bộ luật Lao động quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Tại Điều 39 - Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, được hướng dẫn tại Điều 19 của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ quy định điều kiện hưởng chế độ TNLĐ như sau:
- Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc.
- Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ).
- Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.
Theo đó, với tính chất công việc của nghề lái xe, thì nơi làm việc của công nhân lái xe bao gồm tại trụ sở NSDLĐ và tại xe ô tô khi người lao động (NLĐ) thực hiện công việc lái xe đi đến và trở lại một địa điểm nào đó theo yêu cầu của NSDLĐ. Nếu NLĐ bị tai nạn giao thông trong khi đang làm việc, tại nơi làm việc (ô tô) thì tai nạn đó là TNLĐ.
Trách nhiệm của NSDLĐ
Trách nhiệm của NSDLĐ khi có NLĐ bị TNLĐ được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 107 Bộ Luật Lao động (đã được sửa đổi bổ sung) như sau:
NSDLĐ phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp. NLĐ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình BHXH bắt buộc, thì NSDLĐ phải trả cho NLĐ một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ BHXH.
NSDLĐ có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của NLĐ. Trong trường hợp do lỗi của NLĐ thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Tất cả các vụ TNLĐ đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp phải căn cứ vào kết luận tại Biên bản điều tra TNLĐ để xác định lỗi của NSDLĐ hay NLĐ làm cơ sở cho việc bồi thường hoặc trợ cấp đối với NLĐ bị TNLĐ.
Trường hợp chồng bà Nhung, bị tai nạn khi đang lái xe, gây tàn tật, làm suy giảm khả năng lao động 81%. Bên cạnh chế độ BHXH về TNLĐ do Cơ quan BHXH chi trả, thì doanh nghiệp phải chịu chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho chồng bà. Nếu việc điều tra tai nạn xác định sự cố hư hỏng bất thường bộ phận điều khiển lái của ô tô là nguyên nhân gây tai nạn (không phải do lỗi của chồng bà), thì doanh nghiệp phải bồi thường cho chồng bà Nhung ít nhất 30 tháng lương và phụ cấp (nếu có).
Luật sư Trần Văn Toàn - VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
(Theo Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com