Bà Đinh Thị Thương (dinhthuong186@...) có dự định tổ chức hôn lễ với hôn phu là Việt kiều Pháp. Bà Thương muốn được tư vấn thủ tục để bà được bảo lãnh sang Pháp.
Vấn đề bà Đinh Thị Thương yêu cầu, Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn như sau :
Như bà Hương trình bày thì hôn phu của bà là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có quốc tịch Pháp, là công dân Pháp. Bà và bạn trai có thể lựa chọn việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc tại Pháp. Nếu đăng ký kết hôn tại Pháp thì xin cấp thị thực sang Pháp kết hôn. Nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam, thì sau khi kết hôn bà đến Cơ quan Lãnh sự Pháp tại Việt Nam làm thủ tục xin cấp thị thực sang Pháp với tư cách là vợ của công dân Pháp.
Đăng ký kết hôn với người nước ngoàitại Việt Nam
Theo Điều 12, Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và Điều 13, Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP, thì thẩm quyền đăng ký kết hôn, hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được quy định như sau:
UBND cấp tỉnh nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Trong trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có hộ khẩu thường trú, nhưng đã đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về hộ khẩu thì UBND cấp tỉnh nơi tạm trú có thời hạn của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký việc kết hôn giữa người đó với người nước ngoài.
Hồ sơ đăng ký kết hôn của mỗi bên phải có các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;
- Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.
Trong trường hợp pháp luật của quốc gia mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài);
- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
- Số lượng hồ sơ: 2 bộ.
Trình tự, thủ tục, lệ phí đối với việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được niêm yết, biểu mẫu tờ khai được cấp tại Bộ phận tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam là 30 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp có yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm 20 ngày.
Thủ tục đi Pháp
Thủ tục cấp thị thực vào nước Pháp được Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nêu như sau:
Người Việt Nam có hộ chiếu được cấp tại Hà Nội hoặc Đà Nẵng tới nộp hồ sơ xin thị thực tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội (Số 57, phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội).
Người có hộ chiếu được cấp tại TP. Hồ Chí Minh hoặc đang cư trú ở đó, tới nộp hồ sơ xin thị thực tại Tổng Lãnh sự quán Pháp (Số 27, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí Minh).
Người đề nghị cấp thị thực phải trực tiếp đến Phòng Thị thực nộp hồ sơ, không chấp nhận hồ sơ chuyển qua đường bưu điện.
Người xin thị thực cần phải xuất trình những giấy tờ bản chính khi tới Phòng Thị thực, trong trường hợp hồ sơ của họ mới chỉ có bản sao.
Người đề nghị cấp thị thực phải nộp lệ phí làm thủ tục hồ sơ bằng thẻ tín dụng quốc tế với số tiền là 99 Euros, trả bằng tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá tương đương ngay khi nộp hồ sơ. Khoản lệ phí này sẽ không được hoàn trả trong trường hợp bị từ chối cấp thị thực.
Cơ quan Lãnh sự Pháp sẽ từ chối cấp thị thực, nếu người xin cấp thị thực khai báo không trung thực hoặc trong hồ sơ sử dụng giấy tờ giả mạo.
Một hồ sơ đề nghị cấp thị thực đầy đủ, nhưng có thể không được cấp thị thực. Do vậy người xin cấp thị thực không nên mua trước vé máy bay khi chưa được trả lời kết quả.
Những giấy tờ bản chính có thể phải xuất trình khi vào lãnh thổ Pháp, nếu thiếu, đương sự có thể không được nhập cảnh.
Hồ sơ xin cấp thị thực đi kết hôn với công dân Pháp
- Mỗi người khai đầy đủ nội dung vào 2 Tờ khai xin thị thực dài hạn.
- 3 ảnh chứng minh thư mới chụp trên phông màu trắng (cỡ 3,5 x 4,5), hai ảnh dán vào hai tờ khai, một ảnh nộp cùng hồ sơ.
- Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất là trên 06 tháng so với thời hạn thị thực (nộp kèm 2 bản photocopy hộ chiếu).
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn do Tòa thị chính nơi sẽ tổ chức hôn lễ cấp.
- Một trong các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Pháp của người chồng (hoặc vợ) tương lai như: chứng minh thư Pháp, hoặc giấy chứng nhận mang quốc tịch Pháp; hoặc bản sao Sắc lệnh công nhận mang quốc tịch Pháp; hoặc giấy chứng nhận đăng ký vào sổ danh sách những người Pháp ở nước ngoài (ví dụ: thẻ lãnh sự còn giá trị).
- Giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập; bảng thuế thu nhập mới nhất và bảng lương của 3 tháng gần nhất của người chồng, hoặc người vợ tương lai ở Pháp;
- Giấy tờ về nhà ở: giấy sở hữu nhà đất hoặc hợp đồng thuê nhà ở của vợ hoặc chồng tương lai ở Pháp;
- Giấy chứng nhận đón tiếp có giá trị ít nhất 3 tháng, do Tòa thị chính nơi ở của chồng hoặc vợ tương lai ở Pháp;
- Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính cá nhân của người đề nghị cấp thị thực: tài khoản và thẻ tín dụng quốc tế có số tiền là 4.500 USD.
Vé máy bay và bảo hiểm y tế hồi hương chỉ yêu cầu xuất trình khi thị thực được phòng thị thực đồng ý cấp.
Hồ sơ xin cấp thị thực đi Pháp với tư cách là vợ hoặc chồng công dân Pháp
Theo quy định tại Luật nhập cư Pháp, có hiệu lực từ ngày 26/8/2006, thì thị thực được cấp đối với vợ hoặc chồng của công dân Pháp là thị thực dài hạn.
Nếu sang Pháp định cư thì làm thẻ lưu trú ngay khi tới Pháp. Nếu không định cư thì xin cấp thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần có giá trị 1 năm, 2 năm, hoặc 3 năm.
- Mỗi người điền đầy đủ hợp thức 02 Tờ khai xin thị thực dài hạn,
- 03 ảnh chứng minh thư mới chụp trên phông màu trắng để dán vào tờ khai (3,5 x 4,5)
- Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất là trên 6 tháng so với thời hạn thị thực.
- Những giấy tờ liên quan tới kết hôn: sổ hộ khẩu gia đình của Pháp, hoặc bản sao đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, hoặc bản bản sao giấy chuyển đổi đăng ký kết hôn nước ngoài vào sổ hộ tịch lãnh sự.
- Giấy tờ liên quan tới quốc tịch Pháp của người chồng hoặc vợ: Chứng minh thư Pháp, hoặc phiếu hộ tịch chứng nhận mang quốc tịch Pháp, hoặc giấy chứng nhận mang quốc tịch Pháp, hoặc bản sao Sắc lệnh cho nhập quốc tịch Pháp.
- Giấy tờ xác nhận điều kiện cư trú ở Pháp: Giấy sở hữu hoặc hợp đồng thuê nhà của người bảo lãnh.
- Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính: Bảng thuế thu nhập mới nhất và bảng lương của 3 tháng lương gần nhất của người bảo lãnh tại Pháp.
Trường hợp của bà Thương cần đối chiếu các quy định trên để lựa chọn nơi kết hôn. Nếu sang Pháp với chồng thì thực hiện đúng các thủ tục do Cơ quan Lãnh sự Pháp tại Việt Nam hướng dẫn để xin cấp thị thực sang Pháp, sau đó làm thẻ lưu trú, định cư tại Pháp cùng chồng.
Luật sư Lê Văn Đài - VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội
(Theo Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com