Bà Trần Thị Kim Loan (TP. Hồ Chí Minh) phản ánh: Nhà máy sản xuất da giày tại khu dân cư nơi bà Loan đang sinh sống mỗi ngày sản xuất 24 giờ liên tục, phát tán mùi cao su, ảnh hưởng các khu nhà dân lân cận, gây nhiều bệnh tật cho trẻ nhỏ.
Nay, bà Loan muốn làm đơn đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư nơi bà đang sinh sống. Bà Loan muốn được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục.
Đề nghị của bà Loan được Công ty Luật TNHH Đại Việt hướng dẫn như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 6, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, thì hành vi: “Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép” là hành vi bị cấm.
Theo khoản 2, Điều 128, Luật Bảo vệ môi trường, công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sau đây:
- Gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;
- Xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư, tổ chức, gia đình và cá nhân.
Như vậy, nếu có đủ căn cứ cho rằng nhà máy sản xuất da giày có hành vi phát tán mùi cao su độc hại ra môi trường, bà có thể làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công ty đó.
Trình tự, thủ tục
Điều 65, Luật Khiếu nại tố cáo quy định: “Người tố cáo phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận phải ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo.”
Cũng theo Luật Khiếu nại tố cáo, tại Điều 60 có quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Tố cáo hành vi phạm tội do các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự”.
Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm bà có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến Thanh tra bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Cơ quan điều tra công an cấp huyện nơi công ty có hành vi vi phạm pháp luật để được giải quyết.
Theo Điều 66, Điều 67 Luật khiếu nại tố cáo thì chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo phải thụ lý để giải quyết; trong trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo khi họ yêu cầu.
Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Trong trường hợp cấp thiết, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo phải báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm để áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người tố cáo khi họ yêu cầu.
Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm và tác hại đến môi trường, cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định ngừng sản xuất hoặc quyết định di dời nhà máy sản xuất của công ty nói trên hay không.
Công ty Luật TNHH Đại Việt - Số 335 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
(Theo Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com