Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thang, bảng lương và chế độ nâng lương tại DNNN

Bà Phạm Thị Hồng Nguyên (nguyenvfx@...) làm trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bà Nguyên hỏi bà có thể căn cứ Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ để chuyển xếp và nâng bậc lương được không?

Câu hỏi của bà Nguyên được Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội hướng dẫn như sau:

Theo quy định tại Mục I, Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức thì phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Thông tư này là cán bộ, công chức, viên chức đã được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ, gồm:

- Các chức danh đã được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành tòa án, ngành kiểm sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành tòa án, ngành kiểm sát.

- Cán bộ, công chức đã được xếp lương theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 3/3/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn bảng lương và phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo kiểm toán Nhà nước; bảng lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức kiểm toán Nhà nước; chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên Nhà nước.

- Cán bộ, công chức, viên chức đã được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Thang, bảng lương tại DNNN

Chế độ tiền lương tại DNNN không áp dụng quy định tại Thông tư 02/2007/TT-BNV nêu trên, mà được áp dụng theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/12/2004 quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước.

Căn cứ theo Điều 2 Nghị định này thì đối tượng áp dụng là:

- Công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh;

- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát;

- Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng (không  kể Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng);

- Viên chức chuyên môn, nghiệp vụ; nhân viên thừa hành phục vụ.

Chế độ nâng bậc lương tại DNNN

Theo quy định tại Mục 4, Mục 5 Thông tư 18/2008/TT-BLĐTBXH ngày 16/9/2008 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hằng năm, căn cứ vào nhu cầu công việc, tình hình sản xuất, kinh doanh, sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, công ty lập kế hoạch và tổ chức nâng bậc lương cho người lao động làm việc trong công ty.

Căn cứ để nâng bậc lương đối với lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhận, đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, phục vụ là tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức và thâm niên làm việc trong doanh nghiệp.

Điều kiện được xét nâng bậc lương hàng năm gồm:

- Phải thường xuyên hoàn thành công việc được giao về số lượng, chất lượng ghi trong hợp đồng lao động đã ký kết.

- Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và nội quy lao động của công ty.

- Đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, nhân viên thừa hành phục vụ có thời gian giữ bậc lương hiện hưởng tại doanh nghiệp ít nhất 2 năm (đủ 24 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) thấp hơn 2,34; có ít nhất 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) từ 2,34 trở lên quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.

- Đối với công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh đạt kết quả thi nâng bậc theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhiệm, nếu thi đạt bậc nào thì xếp lương theo bậc đó.

Việc nâng bậc lương đối với thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), thành viên chuyên trách Hội đồng quản lý, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng trong công ty nhà nước, công ty TNHH một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ căn cứ vào điều kiện và tiêu chuẩn nâng bậc lương như sau: Có thời gian giữ bậc 1 từ 3 năm trở lên; hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm; không vi phạm chế độ trách nhiệm theo quy định của pháp luật lao động; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật.

Trường hợp bà Phạm Thị Hồng Nguyên làm việc tại DNNN, việc xếp lương, nâng bậc lương không áp dụng Thông tư 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ, mà được áp dụng theo quy định của Nghị định 205/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Mục 4. Mục 5 Thông tư 18/2008/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Luật sư Trần Văn Toàn VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

(Theo Tin Chính phủ)

  • Bộ GDĐT giải đáp quy trình miễn, giảm học phí
  • Chế độ với con của người hoạt động kháng chiến
  • Thuế thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần
  • Độ tuổi tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn
  • Hỏi về chi phí quản lý các công trình thủy lợi
  • Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con
  • Mức tạm ứng tối đa trong hợp đồng xây dựng
  • Hỏi: Sự khác nhau giữa Nghị quyết và Quyết định
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%