Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trường hợp Giấy chứng nhận QSDĐ bị thu hồi

Ông bà ngoại bà Phan Thị Dự đã chết nhưng không để lại di chúc, tài sản để lại là 1 mảnh đất và 1 ngôi nhà. Gần đây những người thừa kế họp bàn chia tài sản thừa kế, nhưng 2 người con trai không có mặt.

Sau đó gia đình bà Dự được biết một trong số hai người đó đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), mặc dù đây là di sản chưa chia. Bà Dự hỏi phải làm thế nào để yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ cấp sai đối tượng và chia lại di sản của ông bà ngoại để lại.

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Việc UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ là tài sản thừa kế cho một người thừa kế mà chưa có sự thỏa thuận của các đồng thừa kế khác là không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp cho các thừa kế khác.

Người bị thiệt hại bởi quyết định của UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ trái pháp luật cho người khác có quyền nộp đơn khiếu nại đến UBND huyện. Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thời hạn quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Sau đó, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND huyện thì người bị gây thiệt hại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại TAND huyện để yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp.

Thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ cấp trái pháp luật

Khoản 2, Điều 25 Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất quy định việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thực hiện như sau:

"a) Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp mà có văn bản của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận là Giấy chứng nhận đã cấp trái với quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;

b) Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tự kiểm tra và phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra. Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra đối với Giấy chứng nhận do UBND cấp huyện cấp, Thanh tra cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra đối với Giấy chứng nhận do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp. Nếu qua thẩm tra có kết luận là Giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Trường hợp tổ chức, công dân phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại điểm b khoản này”.

Thỏa thuận phân chia hoặc yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế

Nếu người chết không để lại di chúc, những người được thừa kế theo pháp luật cần thỏa thuận với nhau để phân chia di sản. Trong trường hợp không thỏa thuận được việc phân chia di sản thì những người thừa kế có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế.

Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế, tức là kể từ ngày người để lại di sản thừa kế chết.

Trường hợp bà Dự phản ánh thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đối với phần di sản của ông ngoại bà đã hết (ông bà ngoại bà Dự mất lần lượt năm 1984 và 2001). Tuy nhiên sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Nếu các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện khi có đơn yêu cầu Tòa án chia theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung mà không áp dụng thời hiệu.

Đối với phần di sản của bà ngoại bà Dự thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế sẽ hết vào ngày 25/6/2011.

Một trong các điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện là tranh chấp đã được tiến hành hòa giải tại cơ sở. Do đó, những người thừa kế cần gửi đơn yêu cầu UBND xã tổ chức hòa giải tranh chấp thừa kế có liên quan đến đất đai, theo quy định tại Điều 135 Luật đất đai.

Sau khi nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ án. Trên cơ sở tài liệu chứng cứ, Tòa án sẽ xét xử, quyết định phân chia di sản và yêu cầu UBND huyện thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật.

Luật sư Lê Văn Đài - VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

(Theo Tin Chính phủ)

  • Thế nào là đất sử dụng ổn định?
  • Chế độ trợ cấp khó khăn với công chức, viên chức tập sự
  • Thời điểm hợp đồng xây dựng hết hiệu lực
  • Chưa có sổ đỏ cũng có thể thế chấp ngân hàng?
  • Người ủy quyền giao dịch BĐS phải khai nộp thuế TNCN
  • Hướng dẫn thủ tục đầu tư cảng biển
  • Thủ tục khóa mã số thuế khi doanh nghiệp giải thể
  • Giao dịch về nhà ở với người nước ngoài
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%