Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỳ tích vượt “bão” suy thoái

“Năm 2010, có cơ sở để tin tưởng nền kinh tế VN sẽ tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu 6,5%” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, khủng hoảng kinh tế ở VN đã chạm đáy trong quý I/2009 và sẽ không quay lại trong năm 2010 nếu thực hiện tốt các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục ở vị trí số 1

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy kinh tế tháng 1 và 2-2010 có dấu hiệu hồi phục tương đối rõ ràng. Trong đó, công nghiệp tăng trên 28%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 23%; xuất khẩu tăng trên 28%, đạt 5 tỉ USD.

Sự lạc quan này được củng cố bằng một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Nền kinh tế VN bắt đầu phục hồi sau những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong quý I/2009. Với việc áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của VN ước tính đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2010 (năm 2009, tăng trưởng ở mức 5%).

Con số này tiếp tục giúp VN duy trì vị trí số 1 trong khu vực về tốc độ tăng trưởng kinh tế. GDP của các nước Đông Nam Á khác như: Lào ước tính tăng 5,7%, Indonesia tăng 5,4%, Singapore tăng 4,5%, Malaysia tăng 4,5%, Thái Lan tăng 3,5%, Campuchia tăng 3,5%, Philippines tăng 3,3% và Brunei tăng 2,3%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp VN đã trụ vững trong năm 2009 và sẽ phát triển mạnh trong năm nay. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty May An Phước - TPHCM. Ảnh: H.THÚY

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng sự dịch chuyển kinh tế nhanh chóng và rõ nét trong khủng hoảng đã giúp doanh nghiệp VN trụ vững trong năm 2009 và sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm nay.

Trong năm 2009, có 76.000 doanh nghiệp được thành lập, tạo thêm 1,5 triệu chỗ làm; thu ngân sách vượt chỉ tiêu đặt ra là 750 tỉ đồng. Kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 7%. Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được bảo đảm... “Như vậy, có thể nói cấu trúc của nền kinh tế với sự điều hành linh hoạt đã thực sự phát huy hiệu quả trước cơn bão khủng hoảng của nền kinh tế thế giới” - ông Phúc nhận định.

Chú trọng thị trường trong nước

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng thận trọng hơn khi cho rằng những diễn biến gần đây của kinh tế trong nước và thế giới khiến VN không thể lạc quan quá sớm mà phải nhìn rõ được vấn đề, có giải pháp thích hợp. “Ngay trong tháng 2 này, Chính phủ sẽ họp giao ban với các bộ, ngành để tìm giải pháp nâng cao tính thanh khoản cho các ngân hàng để hệ thống ngân hàng có thể cung cấp đủ vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Tiếp đó là các cuộc giao ban trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất và hạn chế nhập siêu” - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào người Việt dùng hàng Việt, bởi nhu cầu trong nước đang đóng góp từ 15%-18% cho GDP. Đặc biệt, phải tìm ra các giải pháp để huy động vốn vì nếu không giải quyết được vấn đề này thì sản xuất trong tháng 4 và tháng 5 sẽ bị ảnh hưởng.

Ngân hàng Nhà nước VN theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tiền tệ, tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và tính thanh khoản của nền kinh tế.

Cảnh giác nhập siêu và lạm phát cao

Theo ADB, mặc dù tốc độ tăng trưởng được cải thiện nhưng lạm phát ở VN có nguy cơ tăng mạnh so với các quốc gia khác trong khu vực do mức tín dụng năm 2010 cao hơn năm 2009.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thẳng thắn cho rằng tình hình kinh tế - xã hội đang xuất hiện một số khó khăn: cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nhập siêu còn cao; tính thanh khoản của nền kinh tế còn hạn chế, tín dụng phục vụ sản xuấttăng chậm; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh tác động đến chỉ số giá tiêu dùng; số hộ dân thiếu đói trong vụ giáp hạt đang tăng; thiên tai tác động xấu đến sản xuất và đời sống...

Năm 2009 thể hiện nỗ lực lớn của VN

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho biết như trên và khẳng định nông nghiệp thực sự là nền tảng giúp kinh tế VN ổn định

. Phóng viên: Thưa bà, 2009 là năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng VN không những đã vượt qua mà còn là một trong số ít nước đạt mức tăng trưởng dương. Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, bà đánh giá vấn đề này thế nào?

- Bà Phạm Chi Lan: Điều đó thể hiện nỗ lực rất lớn của VN. Đó là nỗ lực của Chính phủ trong cách điều hành linh hoạt, trong đó có đóng góp của chính sách kích cầu. Đó cũng là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và nông dân.

Theo tôi, thành công của VN trong năm 2009 ngoài chính sách còn nhờ vào nông nghiệp. Nền kinh tế của ta có quy mô nhỏ, dựa trên nông nghiệp là chính.

Trong khi đó, cơn khủng hoảng vừa rồi tàn phá rất mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng nhưng nông nghiệp không bị tác động nhiều. Cho nên năm 2009, nông nghiệp thực sự là nền tảng, là bệ đỡ giúp kinh tế VN ổn định.

. Khủng hoàng là cơ hội để chúng ta nhận ra những mặt tồn tại, yếu kém của nền kinh tế. Theo bà, đó là những mặt nào?

- Khủng hoảng kinh tế đã khiến VN càng thấy rõ hơn yếu kém của mình. Đó là sự phụ thuộc quá nặng vào xuất khẩu, vào phát triển những ngành sử dụng lao động giá rẻ nên khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU gặp khó khăn thì VN lập tức ảnh hưởng ngay.

Nếu chúng ta tiếp tục cạnh tranh dựa trên lợi thế lao động giá rẻ và tài nguyên thô thì không thể cầm cự lâu dài. Tài nguyên đang cạn dần, sức cạnh tranh của nền kinh tế đang giảm xuống.

Điểm yếu thứ hai đang bộc lộ là tăng trưởng dựa rất nhiều vào đầu tư của Nhà nước. Vài năm trước, tỉ lệ đầu tư của Nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội đã có dấu hiệu giảm và nổi lên vai trò của tư nhân.

Nhưng năm 2009, đầu tư của Nhà nước lại tăng rất lớn. Hiệu quả của khu vực kinh tế Nhà nước không cao mà dồn rất nhiều nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước là bất cập.

Như thế, nền kinh tế sẽ phát triển không đồng đều và sử dụng nguồn lực không hiệu quả, không tạo được môi trường cạnh tranh.

Về điều hành, mặc dù chính sách có linh hoạt hơn so với những năm trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Rõ nhất là biện pháp kích cầu đã được Chính phủ đưa ra từ cuối năm 2008 nhưng phải đến tháng 4-2009 mới đi vào cuộc sống.

Độ trễ này hơi dài so với nhu cầu của nền kinh tế lúc đó. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm.

(Theo Anh Phương // Nguoilaodong Online)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!