Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ảm đạm thị trường điện thoại di động

Mặt bằng giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng cân nhắc nhiều hơn khi mua điện thoại di động. Ảnh: Lê Toàn.

Mức tăng trưởng của ngành hàng điện thoại di động nửa đầu năm nay đã không được như kỳ vọng của nhiều nhà bán lẻ khi sức mua ngày càng suy giảm. Đây được cho là thời điểm khá tồi tệ của ngành hàng vốn dĩ được coi là “mỏ vàng” của nhiều doanh nghiệp phân phối và bán lẻ hàng công nghệ.

Lan Anh, nhân viên một cửa hàng bán lẻ điện thoại di động có tiếng tại TPHCM, cho biết từ đầu năm đến nay, doanh số bán hàng của cô sụt giảm từ 15% đến 20% vì người mua đã phải cân nhắc nhiều hơn khi mua một chiếc điện thoại mới. Cô nói cửa hàng vẫn đông người mua sắm nhưng “ngắm nhiều hơn mua”. Nhiều khách hàng còn khó tính khi so giá giữa các cửa hàng để tiết kiệm thêm một chút cho hầu bao của họ.

Sức mua đang giảm là điều dễ nhận thấy trong vòng mấy tháng qua, đặc biệt là trong ba tháng kể từ tháng 3 là thời kỳ thấp điểm của ngành hàng này.

Sức mua giảm sút

Ông Đinh Anh Huân, Phó tổng giám đốc của chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động Thế giới Di động, cho biết ở hệ thống siêu thị Thế giới Di động, số lượng điện thoại bán ra trong hai quý vừa qua là rất ít, sức mua đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng điện thoại di động nhập về của Thế giới Di động theo đó cũng giảm gần 30%. “Sức mua giảm là do bị tác động bởi những biến động vĩ mô của nền kinh tế khiến người dân phải thắt chặt hầu bao hơn khi mua sắm. Họ chỉ ưu tiên cho những mặt hàng thực sự cần thiết hơn là điện thoại di động”, ông Huân nói.

Việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đã khiến dòng điện thoại phổ thông giá rẻ được lựa chọn nhiều. Hiện, các thành phố nhỏ, vùng nông thôn lại được xem là thị trường đầy hấp dẫn khi có sức tăng trưởng cao hơn so với các đô thị lớn.

Cũng theo ghi nhận tại chuỗi siêu thị bán lẻ điện thoại Viễn Thông A, sức mua cũng giảm đáng kể dù người đại diện của Viễn Thông A lạc quan nói rằng ngành hàng này tiếp tục tăng trưởng.

Ông Huỳnh Nhân Quí, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Viễn Thông A, cho hay ngành hàng điện thoại di động vẫn tiếp tục đà tăng trưởng trong sáu tháng đầu năm nay. Thị trường nhìn chung ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cùng chung bối cảnh với nhiều ngành hàng khác, ngành hàng điện thoại di động cũng có những biến động khiến mức tăng trưởng không như kỳ vọng của các nhà bán lẻ. Sức mua trong các dịp mua sắm năm nay là kém hẳn so với năm trước.

Một số hãng sản xuất điện thoại di động đã giảm giá điện thoại trong gần sáu tháng qua. Đợt giảm giá mạnh đầu tiên được thực hiện vào tháng 2. Khi đó, Dell, HTC, Samsung, Nokia… đã giảm giá hàng loạt mặt hàng với mức giảm từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.

Tưởng rằng giá điện thoại di động sau đợt giảm nói trên sẽ ổn định, thế nhưng đến tháng 5, HTC và Nokia tạo nên cú “sốc” khi tiếp tục giảm giá hàng loạt mẫu điện thoại của mình, trong đó đáng chú ý là HTC có sản phẩm giảm đến 4 triệu đồng: chiếc điện thoại thông minh HD7 chạy hệ điều hành Winphone 7 đã giảm giá từ 14.990.000 đồng xuống còn 10.990.000 đồng.

Nguyên nhân của việc giảm giá này là các nhà phân phối đã nhập khẩu điện thoại về nhiều trong khi đó sức mua lại không như kỳ vọng.

Lượng linh kiện điện tử nhập khẩu tăng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhóm ngành hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch nhập khẩu trong tháng 5-2011 là 471 triệu đô la Mỹ, tăng 4,9% so với tháng trước, nâng tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này trong năm tháng đầu năm nay lên 2,23 tỉ đô la, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 1,69 tỉ đô la, tăng 37,3% và các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 540 triệu đô la, giảm nhẹ 0,8% so với năm tháng đầu năm 2010.

Hàng nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, với kim ngạch 728 triệu đô la, tăng 19,7% và chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Những nguồn cung kế tiếp cho thị trường Việt Nam là Hàn Quốc (589 triệu đô la, tăng 169% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm tỷ trọng 26%), Nhật Bản (349 triệu đô la, giảm 3,8%), Malaysia (145 triệu đô la, tăng 0,2%), Đài Loan (108 triệu đô la, giảm 9%).

A. Nguyên

Theo thống kê của Bộ Công Thương, khoảng 5 triệu chiếc điện thoại di động được nhập về trong quý 1, tăng tới 16% so với quý 1 năm ngoái. Đáng chú ý là trong tháng 1, lượng nhập khẩu lên tới khoảng 2,5 triệu chiếc, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm Tết.

Ông Huân cho hay, trong dịp Tết, Thế giới Di động đã mạnh tay nhập hàng. Song, sức mua lại không như mong muốn nên lượng hàng tồn sau Tết còn khá nhiều. “Đến hết tháng 4, chúng tôi mới giải phóng được hàng tồn và chỉ mới bắt đầu nhập hàng trở lại vào đầu tháng 5”, ông Huân nói.

Theo phân tích của các nhà bán lẻ điện thoại, việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đã khiến dòng điện thoại phổ thông giá rẻ được lựa chọn nhiều. Hiện, các thành phố nhỏ, vùng nông thôn lại được xem là thị trường đầy hấp dẫn khi có sức tăng trưởng cao hơn so với các đô thị lớn.

Ông Quí nói rằng các dòng máy phân khúc giá cao vẫn có tăng trưởng nhưng mang tính riêng lẻ theo từng phân khúc và từng dòng sản phẩm. Cũng theo ông, các thị trường tăng trưởng mạnh nhất là ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ...

Cùng quan điểm đó, ông Huân cho biết trong sáu tháng qua, Thế giới Di động đã khai trương nhiều cửa hàng mới tại các khu vực này.

Khó khăn vẫn đợi chờ

Thách thức cho các nhà phân phối và bán lẻ điện thoại di động không chỉ dừng lại ở doanh số bán hàng tụt giảm. Họ cho rằng quy định về việc các sản phẩm này chỉ được nhập khẩu qua ba cảng biển kể từ 1-6 của Bộ Công Thương sẽ phần nào ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ; đây là quy định khó bởi từ trước đến nay họ chỉ nhập điện thoại bằng đường hàng không.

Ngoài việc chỉ được đưa điện thoại di động vào qua ba hải cảng chính, các doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu sẽ phải xuất trình thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền của nhà phân phối, hãng sản xuất... Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Ông Huân nói rằng, khi quy định nói trên có hiệu lực, các nhà phân phối sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mất thêm nhiều thời gian và phát sinh thêm chi phí. “Phần lớn điện thoại di động đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu vận chuyển bằng tàu biển thì phải mất vài ngày mới về tới cảng, trong khi hiện nay, đi bằng đường hàng không chỉ mất vài tiếng đồng hồ”, ông Huân nói.

Yêu cầu hàng hóa phải có giấy tờ xác nhận của cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài càng làm cho thời gian hoàn thành thủ tục nhập hàng kéo dài và phát sinh thêm nhiều chi phí. Riêng việc kiểm hóa của hải quan cũng đã mất khoảng 15 ngày mà theo các nhà doanh nghiệp, thời gian càng kéo dài, chi phí càng bị đội lên.

“Ước tính toàn bộ quy trình thủ tục sẽ “ngốn” của doanh nghiệp khoảng một tháng mới có hàng về đến Việt Nam và chi phí tăng thêm có thể chiếm tới 2% giá điện thoại”, ông Huân nói. Tất nhiên, chi phí phát sinh này sẽ được hạch toán vào giá bán và người tiêu dùng sẽ là người phải thanh toán khoản tăng thêm đó.

Việc không cho nhập khẩu bằng đường hàng không đã khiến một số doanh nghiệp lách luật bằng cách tháo rời điện thoại di động và nhập khẩu từng bộ phận theo dạng linh kiện qua đường này và sau đó về Việt Nam sẽ lắp ráp lại. Để hạn chế việc doanh nghiệp “lách” luật, ngành hải quan sẽ áp dụng các biện pháp để kiểm soát chặt đối với các lô hàng linh kiện điện thoại di động nhập khẩu.

Trước sự phản hồi của doanh ngiệp, mới đây, đại diện của Bộ Công Thương cho biết bộ sẽ xem xét lại quy định nói trên theo hướng chống nhập siêu và không gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Microsoft bắt tay Baidu khai thác thị trường Trung Quốc
  • Wonderbuy: Bán kiểu Mỹ, phá sản kiểu Việt Nam
  • Nhạc sĩ giàu hay nghèo?
  • Thời của nhà tư vấn M&A
  • Siêu máy tính Nhật đè bẹp hàng Trung Quốc
  • Nokia sẽ ra tay giành lại châu Á
  • Nokia và Apple ký thỏa thuận “đình chiến”
  • Lợi nhuận của Toyota có thể lao dốc mạnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com