Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc đua cước dữ liệu

Chương trình ưu đãi dành cho khách hàng mua thiết bị USB 3G đã giúp số lượng khách thuê bao D-Com của Viettel tăng khá nhanh. Ảnh: Lê Toàn.

Mục tiêu chính của công nghệ di động 3G là thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng trong việc truy cập dữ liệu và sử dụng nội dung trên các thiết bị di động với tốc độ cao. Cuộc cạnh tranh của các nhà cung cấp đang hướng vào phân khúc này sau nhiều biến động về giá cước dịch vụ thoại.

Đua giảm cước dữ liệu

Đã có nhiều đợt giảm cước lớn cho dịch vụ mạng 3G kể từ khi dịch vụ này ra đời. Lần thứ nhất diễn ra hồi tháng Ba sau khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ 3G với nhiều gói cước linh hoạt và thấp hơn trên thị trường; sau đó MobiFone công bố giảm mạnh giá cước 3G. Đến tháng 7, Viettel lại tung ra các khoản ưu đãi cho khách hàng với bộ hòa mạng D-Com giảm giá 30-45%. Và gần đây, cước dữ liệu của các mạng VNPT đã giảm một lần nữa với hàng loạt các chương trình giảm giá, điều chỉnh cước phí và tăng dung lượng truy cập cho khách hàng.

Trước tháng Tám, khách hàng hòa mạng gói dịch vụ gồm thiết bị USB 3G kèm thẻ SIM của VinaPhone và MobiFone trả khoảng 1-1,8 triệu đồng với 750Mb dữ liệu hằng tháng trong 12 tháng và tăng 250Mb mỗi tháng sau đó được khuyến mãi giảm 50% cước trả sau và tặng 50% giá trị thẻ nạp tiền. Trong khi mạng Viettel có mức 700.000 đồng, với 600Mb nhưng cước thuê bao là 30.000 đồng. Một số gói cước PC 3G của Viettel thấp hơn với lưu lượng vượt định mức 50 đồng/1Mb, gói laptop 3G là 65 đồng/1Mb. Nhìn chung, dung lượng của các gói truy cập của các mạng hiện đều đã tăng lên nhiều lần, trong khi mức cước đã giảm hoặc không thay đổi tùy từng gói.

Tham khảo các gói cước của các nhà cung cấp hiện nay, ta thấy cước truy cập từ điện thoại của Viettel, VinaPhone và MobiFone sau khi giảm là tương đương, mức cước vượt gói cũng bằng nhau với 10 đồng/10Kb. Cước dịch vụ truy cập trên máy tính trả trước của VinaPhone và Viettel cũng bằng nhau, tuy nhiên cước trả sau của VinaPhone sau khi điều chỉnh đã thấp hơn, lưu lượng cao hơn và cước sử dụng vượt gói bằng nhau (xem bảng). MobiFone cũng điều chỉnh cả hai gói cước Mobile Internet và Fast Connect nhưng cách tính cước đồng giá 65 đồng/1Mb.

Trong cuộc chạy đua này, Viettel cũng tung ra các dịch vụ kết hợp giữa thiết bị USB, máy tính và gói cước 3G nhờ giành được quyền phân phối máy tính của các hãng lớn trên thị trường. Chưa hết, VinaPhone và VDC phối hợp cung cấp gói cước MobileVNN thu hút khách hàng sử dụng đồng thời dịch vụ truy cập Internet từ mạng 3G trên máy tính của VinaPhone với dịch vụ băng thông rộng ADSL MegaVNN hoặc Internet cáp quang FiberVNN của VDC. Khi dùng dịch vụ VDC ngoài vùng cố định, họ được quyền sử dụng mã số khách hàng chung để truy cập Internet 3G. Theo tính toán, cước “dùng chung” này thấp hơn 30% so với cước Mobile Broadband, cước dung lượng vượt gói chỉ 54 đồng/1Mb thay vì 65 đồng. Khách hàng được miễn phí dung lượng 350-450Mb/tháng tùy gói dịch vụ.

Cho đến nay, dịch vụ truy cập Internet qua điện thoại và máy tính vẫn mang lại nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất cho các mạng viễn thông. Các nhà mạng có lúc đã công bố đạt đến 6-7 triệu số thuê bao 3G, tuy nhiên số thuê bao thực vẫn đang là một nghi vấn.

Thực tế thị trường cho thấy cước dịch vụ 3G sẽ tiếp tục giảm với sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp và nhu cầu tăng của cộng đồng sử dụng cho mạng lưới đã đầu tư. Nếu muốn “phổ cập” được 3G, cần một chính sách giá “bình dân” để thu hút giới trẻ – đối tượng chủ yếu của dịch vụ này. Cước dữ liệu 3G là một phần quan trọng trong chính sách cước của nhà cung cấp, lộ trình giảm giá được dự báo sẽ diễn ra tương tự với dịch vụ thoại.

Từ xa xỉ đến bình dân

Kết quả lớn nhất của Viettel ngay khi cho ra mắt dịch vụ 3G không chỉ là gói cước thấp mà còn là chính sách cung cấp thiết bị đầu cuối linh hoạt, đẩy mảng cạnh tranh này sôi động hẳn lên. Thiết bị USB 3G của Viettel ngay khi ra mắt đã được bán với giá thấp hơn cùng nhiều chương trình ưu đãi cho nhiều đối tượng khách hàng. Nhờ vào động thái này mà số thuê bao D-Com của Viettel đã tăng khá nhanh. Chưa hết, nhà cung cấp này đã công bố tự sản xuất thiết bị 3G và đưa ra mức giá phù hợp hơn.

VinaPhone và MobiFone sau đó buộc phải mở rộng dịch vụ trên thiết bị, cho phép khách hàng có thể sử dụng thẻ SIM khuyến mãi với mức cước thực tế thấp hơn, trong khi D-Com chọn cách trừ tiền vào tài khoản gốc.

VinaPhone cũng tung ra năm loại USB 3G với giá từ 780.000 đến 1 triệu đồng kèm theo chương trình khuyến mãi lớn cho các khách hàng đăng ký dịch vụ.

Diễn biến của thị trường cũng đẩy các nhà cung cấp vào thế phải thay đổi. Trong khi giá điện thoại 3G giảm nhanh thì giá thiết bị truy cập vẫn còn cao chót vót. Đó là một nghịch lý. Sở dĩ thiết bị USB 3G được giữ giá cao trong thời gian dài là vì đó là nguồn thu quan trọng của nhà mạng. Ví dụ khi giá thiết bị từ Đài Loan và Trung Quốc trên thị trường trong vùng là 400.000-700.000 đồng thì mức giá do nhà mạng cung cấp có thời điểm gấp hai lần giá thiết bị cùng loại. Chỉ sau khi cộng đồng mạng “tung chiêu” bẻ khóa, một thiết bị có thể dùng thẻ SIM của tất cả các mạng và người mua vẫn nhận được quyền bảo hành tương tự, thì thị trường USB 3G mới giảm nhiệt và dần trở về giá trị thực của nó.

Theo các chuyên gia, mạng 3G đã không thể lan tỏa nhanh chóng thời gian qua do nhiều yếu tố. Trong đó các dịch vụ gia tăng sinh lợi là mấu chốt mang lại doanh thu bên cạnh dịch vụ dữ liệu hiện còn rất nghèo nàn. Những dịch vụ hiện nay của mạng 3G chỉ mới dừng ở mức cơ bản. Chỉ đến khi thị trường chung trưởng thành và có đông đảo đối tượng người sử dụng có khả năng “hấp thu” được những dịch vụ cao cấp, thì các nhà cung cấp mới được hưởng lợi thực sự. Tuy nhiên, điều này lại đòi hỏi chính các nhà mạng phải tạo ra cú hích trong các dịch vụ giá trị gia tăng khác biệt phù hợp với nhu cầu của cộng đồng để tạo doanh thu.

Các nhà mạng cho rằng đang đối mặt với khó khăn vì phải đầu tư lớn cho hạ tầng 3G trong khi độ phát triển dịch vụ từ hạ tầng này đang rất chậm. Vì thế họ cần có chính sách “trợ giá”, “giảm giá” để thu hút khách hàng và phổ cập dịch vụ. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh kinh doanh, đó lại là quy luật, cần tính toán bao nhiêu thời gian để thu hồi vốn và sinh lợi trên mỗi đầu thuê bao. Đó không phải là sự ưu đãi cho khách hàng mà là cách kinh doanh “thả con săn sắt, bắt con cá rô”.

Trên thực tế hiện nay, sóng 3G cũng chỉ phủ ở những thành phố chính, chất lượng còn đang là vấn đề bàn cãi. Mặt khác, hiện nay dịch vụ Wi-Fi rất phổ biến và thường là miễn phí cho người sử dụng.So sánh thì thấy mức cước 3G của Việt Nam với thế giới là khá thấp. Tuy nhiên xét ở góc độ dịch vụ giá trị gia tăng, lại thiếu hẳn các dịch vụ hữu ích cho các nhu cầu cá nhân lẫn doanh nghiệp. Điều này làm cho giá cước 3G dù có bình dân đến đâu cũng vẫn là tương ứng với giá trị của chính dịch vụ hiện có. Nếu tiếp tục phương thức cạnh tranh đơn thuần là giảm giá, dịch vụ 3G sẽ đi theo “lối mòn” của dịch vụ thoại vốn lâu nay cạnh tranh chủ yếu bằng phương thức khuyến mãi.

(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Để trở thành “khách hàng tuyệt vời”
  • Viễn thông hết đất “quảng canh”
  • Các “tiểu gia” di động chạy đua giành khách hàng
  • Ý tưởng kinh doanh từ những sắc mầu
  • Cà phê ‘80s: Góc Hà Nội xưa
  • Kinh doanh thói quen cũ – mang lại cảm xúc mới
  • Canon “bội thu” giải thưởng trong tháng 9
  • Đầu tư vào rượu vang “sinh lời” nhiều hơn chứng khoán?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com