Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Viễn thông hết đất “quảng canh”

Doanh thu từ dịch vụ viễn thông di động cơ bản (thoại và tin nhắn) của thị trường viễn thông Việt Nam bắt đầu có xu hướng giảm.
 
Tính đến hết tháng 8/2010, tổng số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam đã lên đến 140 triệu thuê bao, đạt mật độ 160 máy/100 dân. Với tỷ lệ điện thoại cao gấp 1,6 lần dân số, thị trường viễn thông di động Việt Nam xem như đã bước vào giai đoạn bão hoà.

Theo nhận định của ông Prakash Sadagopan, Giám đốc Marketing sản phẩm khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Convergys (tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông), thị trường viễn thông di động Việt Nam đang có dấu hiệu bão hoà, tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ rơi từ mức 40-50%/năm hiện nay xuống chỉ còn 10-20%/năm trong 4-5 năm tới.

Điều này cũng được xác minh qua nhận định của ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Theo ông Trung, năm 2009, tốc độ tăng trưởng thuê bao mới của Viettel đã bắt đầu giảm và đây là xu hướng khách quan ở hầu hết các nước sau giai đoạn phát triển bùng nổ. Cũng theo ông Trung, trong giai đoạn tiếp theo, mặc dù vẫn có sự tăng trưởng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại.

Do vậy, theo ông Trung, ở giai đoạn này, doanh nghiệp viễn thông không thể tiếp tục mô hình kinh doanh “quảng canh” (phát triển nhanh để thâu tóm thị trường), mà phải chuyển sang hình thức “thâm canh”, tức là đi vào từng phân khúc thị trường, chú trọng khâu chăm sóc và giữ chân khách hàng.

Tại thời điểm này, các doanh nghiệp viễn thông gần như đều tập trung vào khai thác đối tượng khách hàng học sinh, sinh viên; khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, nhóm khách hàng học sinh, sinh viên được quan tâm đặc biệt với chương trình tặng SIM, giảm cước và khuyến mãi.

Cũng chính do sự quan tâm đặc biệt đến nhóm khách hàng này, một số nhà mạng đã “quên” quy định do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và cơ quan này đã phải hai lần “thổi còi”, buộc doanh nghiệp viễn thông dừng chương trình ưu đãi với đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên.

Khi tập trung vào phân khúc khách hàng trên, theo ông Trung, doanh thu bình quân trên một thuê bao (ARPU) sẽ giảm. Hiện ARPU trung bình của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chỉ đạt 100.000 - 150.000 đồng. Cùng chung nhận định với ông Trung, đại diện một hãng viễn thông khác cũng cho rằng, hiện các nhà mạng đều vấp phải vấn đề tỷ lệ thuê bao phát triển mới giảm, khách hàng rời mạng tăng, ARPU giảm, đồng thời doanh thu không tăng trưởng tương ứng với số lượng tăng trưởng của thuê bao.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ dịch vụ viễn thông di động cơ bản trong năm 2009 của các nhà mạng đã không còn giữ được tỷ lệ tăng trưởng so với giai đoạn trước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2006-2009, số lượng thuê bao di động của năm sau luôn tăng trưởng gấp đôi so với năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ viễn thông di động cơ bản lại giảm. Trong năm 2007, doanh thu từ dịch vụ viễn thông di động cơ bản tăng 49% so với năm 2006, tương đương 759 triệu USD. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ viễn thông di động cơ bản là 41%, tương đương 944 triệu USD. Nhưng sang năm 2009, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ viễn thông di động cơ bản chỉ còn 24%, tương đương 782 triệu USD.

Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính đến hết tháng 5/2010, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone chiếm tới 87,8% thị phần. 4 doanh nghiệp viễn thông còn lại chia nhau 12,2% thị phần; trong đó, S-Fone chiếm 5,1% thị phần, Vietnamobile chiếm 4,6%, Beeline chiếm 1,4% và EVNTelecom chiếm 1,1%.

(Theo Đức Huy // Báo đầu tư)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Các “tiểu gia” di động chạy đua giành khách hàng
  • Ý tưởng kinh doanh từ những sắc mầu
  • Cà phê ‘80s: Góc Hà Nội xưa
  • Kinh doanh thói quen cũ – mang lại cảm xúc mới
  • Canon “bội thu” giải thưởng trong tháng 9
  • Đầu tư vào rượu vang “sinh lời” nhiều hơn chứng khoán?
  • Doanh nghiệp hãy là người tiêu dùng
  • Xâm nhập thị trường Châu Âu: Mười bí quyết từ thực tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com