Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Động lực lớn cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đang nhắm đến việc cung ứng các dịch vụ nội dung cho khách hàng sử dụng điện thoại di động. Ảnh: Lê Toàn.

Thị trường dịch vụ nội dung ứng dụng cho điện thoại di động đang là mảnh đất tiềm năng để khai phá. Tính cá nhân của loại hình dịch vụ này đang tạo ra động lực mạnh mẽ để các nhà cung cấp có thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường.

Các dịch vụ ứng dụng cho môi trường điện thoại di động tại Việt Nam được đề cập nhiều hơn sau khi mạng 3G ra đời.

Nếu như những năm trước các doanh nghiệp thiên về xây dựng nội dung hướng đến môi trường web vốn mang tính tương tác cao và tính cộng đồng lớn, thì nay họ bắt đầu hướng đến chiếc điện thoại, nơi các ứng dụng nhắm đến việc đáp ứng nhu cầu của các cá nhân.

Cả hai môi trường này đang tạo thành một động lực lớn thu hút doanh nghiệp tham gia để tận dụng nguồn tài nguyên từ cộng đồng cũng như kỳ vọng về doanh thu.

Cần những dịch vụ “hiểu” cộng đồng

Getjar, nhà sở hữu kho ứng dụng cho điện thoại di động đứng nhì thế giới, dự báo thị trường dịch vụ này sẽ đạt 17,5 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2015, trong khi Gartner dự báo sẽ đạt gần 30 tỷ vào năm 2013. Sự tăng trưởng nhanh này có được kể từ khi iPhone và Android ra đời, các hãng đã dần thay đổi quan niệm về phát triển kho ứng dụng cho điện thoại di động, tạo nhiều cơ hội cho các nhà phát triển và cung cấp dịch vụ.

Hiện doanh thu ở mảng này chủ yếu từ việc thu phí các ứng dụng từ người sử dụng nhưng theo Getjar, sẽ có sự thay đổi trong vài năm tới. Doanh thu quảng cáo chiếm 12% thị trường ứng dụng cho điện thoại di động hiện nay sẽ tăng lên 28% vào năm 2012. Đối với các nền tảng mở như Android, doanh thu từ việc quảng cáo sẽ ngang bằng với doanh thu từ phần mềm.

Giá bán trung bình một sản phẩm ứng dụng cho điện thoại di động hiện là 1,9 đô-la Mỹ sẽ giảm gần 30% trong ba năm tới nhưng thị trường lại tăng trưởng cao hơn nhờ nguồn thu đến từ quảng cáo.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có được những thống kê và dự báo cho thị trường này, nhưng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số ước tính doanh thu của toàn ngành công nghiệp nội dung số năm 2010 này là khoảng 500 triệu đô-la Mỹ. Nếu tính riêng mảng nội dung cho điện thoại di động thì thị trường còn khá khiêm tốn, các dịch vụ chưa đa dạng và sâu rộng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế, tuy nhiên rõ ràng thị trường đang ở ngưỡng của một giai đoạn mới. Các nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, thiết bị và nhà phát triển nội dung trực tuyến đều đang có chiến lược nhắm vào xu hướng này. Thách thức đối với các doanh nghiệp vẫn là việc đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ “hiểu” được cộng đồng thì mới có cơ hội thành công trong việc kinh doanh.

Ông Lê Huy Luyện, Trưởng phòng Dịch vụ giá trị gia tăng mạng S-Fone, nói rằng cần phát triển đa dạng những ứng dụng có tính thiết thực và đơn giản thì mới có thể thu hút người sử dụng một cách hữu hiệu, trên cơ sở đó mới có thể phát triển được các dòng điện thoại di động có các tính năng dựa trên các ứng dụng này.

Mục tiêu của S-Fone là các ứng dụng phù hợp với thiết bị đầu cuối có chi phí thấp nhưng dịch vụ đạt chất lượng để có thể cạnh tranh trên thị trường. Kể từ khi phát động cuộc thi viết ứng dụng trên nền tảng Brew năm 2008, với tám ứng dụng ban đầu đến nay mạng này đã có 66 ứng dụng được đưa ra thị trường.

Theo ông Huỳnh Nhân Quí, Giám đốc nghiên cứu thị trường Công ty Viễn Thông A, người sử dụng điện thoại di động hiện không đơn thuần chỉ có nhu cầu nghe, gọi hay giải trí, nhất là đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi. Với mức tăng trưởng 400% trong năm 2009, các dòng điện thoại thông minh (smartphone) đang trở thành một thị trường tiềm năng và hấp dẫn trong năm nay.

Ước tính mức bán lẻ điện thoại thông minh trong sáu tháng đầu năm tương đương với cả năm 2009. Các nhà cung cấp cũng đang dành rất nhiều sự quan tâm cho phân khúc sản phẩm này, hứa hẹn một sự cạnh tranh cao hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và chiếc điện thoại thông minh cũng sẽ nhanh chóng phổ dụng trên thị trường. “Viễn Thông A tận dụng cơ hội này bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp có kinh nghiệm để phát triển ứng dụng trên điện thoại di động nhằm mở rộng các tiện ích và thu hút khách hàng”, ông Quí nói.

Nhịp nhàng giữa web và mobile

Xu hướng của thị trường công nghệ là sự hội tụ giữa truyền thông, thông tin và truyền hình, và điều này đang dần biến chiếc điện thoại di động thành thiết bị hội tụ các dịch vụ của đời sống xã hội, từ giải trí, học tập đến kinh doanh… Đồng thời, chiếc điện thoại cũng sẽ là công cụ để chủ nhân của nó có thể sử dụng nhiều dịch vụ cao cấp như thanh toán trực tuyến, tìm kiếm và định vị, hoặc cung cấp những giải pháp cho người sử dụng làm việc trong các ngành nghề khác nhau.

Chính vì thế các doanh nghiệp lớn, với năng lực tài chính mạnh, đều đang đầu tư vào các dịch vụ chính trên thị trường, từ dịch vụ bản đồ số, cổng tìm kiếm, thanh toán trực tuyến, mạng xã hội đến các kênh truyền thông, truyền hình số...

Lâu nay, các nhà đầu tư công nghệ quốc tế khi tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam cũng đã nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào xu hướng phát triển các dịch vụ ứng dụng cho điện thoại di động vì nhu cầu này là tất yếu và sẽ tăng cao trong giai đoạn tới. Những dịch vụ trên Internet phải phối hợp nhịp nhàng với dịch vụ trên điện thoại di động thì mới có thể thành công khi đưa ra thị trường.

Một yếu tố quan trọng nữa là các dịch vụ nội dung phải đa dạng và khép kín, để thu hút người truy cập mạng đơn lẻ chuyển sang kết nối với hệ thống và ngược lại, từ cộng đồng tương tác trên mạng hướng đến từng cá nhân sử dụng điện thoại.

Theo ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc Trung tâm Giải pháp di động TMA (TMS), hiện nay các ứng dụng trên trang web đã phổ biến nhưng doanh nghiệp cần công cụ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Việc mạng 3G và điện thoại thông minh đang dần trở nên phổ biến sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường. Ví dụ, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã sử dụng thiết bị cầm tay (PDA) để hỗ trợ tác nghiệp của nhân viên.

Trong thời gian đầu, các doanh nghiệp lớn sẽ đi đầu trong việc sử dụng và triển khai các ứng dụng cho điện thoại di động nhưng sau đó các doanh nghiệp nhỏ sẽ quan tâm và việc ứng dụng này sẽ trở thành xu hướng của các ngành.

Theo kinh nghiệm của TMA, các doanh nghiệp Việt Nam nếu có sản phẩm độc đáo cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường thế giới. Khác với web, công nghệ đã khá hoàn thiện và đã được ứng dụng rộng rãi, các công nghệ về phần mềm cho điện thoại di động vẫn còn ở giai đoạn đầu và chưa có khả năng ứng dụng rộng rãi mặc dù nhu cầu thị trường khá hấp dẫn, cụ thể như hội thảo qua điện thoại (mobile conference), gửi thông tin cho người nhận theo hoàn cảnh (context-based), thanh toán qua điện thoại (mobile payment)…

Doanh nghiệp nào có khả năng nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm trên công nghệ điện thoại di động thì khả năng thương mại hóa sẽ rất cao. “Xu hướng thị trường còn là sự kết hợp giữa các đối tác trong và ngoài nước để giảm thời gian nghiên cứu, phát triển và đưa sản phẩm ra thị trường. Họ sẽ cùng bổ sung cho nhau về công nghệ, tài chính, nhân lực, thị trường và mạng lưới phân phối”, ông Hồng nói.

Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG (trước đây là VinaGame), đã so sánh rằng ở môi trường web, người sử dụng có thể thụ hưởng các giá trị miễn phí và nhà cung cấp thu tiền chủ yếu từ quảng cáo, trong khi trên môi trường điện thoại di động, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền để được sử dụng nội dung chất lượng cao.

Sự thành công của các dịch vụ giá trị gia tăng trên SMS những năm vừa qua với doanh thu hàng trăm tỷ đồng đã thể hiện điều này. “Vì thế, nếu có những sản phẩm tốt, mang lại giá trị thực sự sẽ được người sử dụng chấp nhận, và đây là cơ hội rất lớn cho các nhà phát triển ứng dụng tại Việt Nam”, ông Khải nói.

(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Khai thác thị trường theo lợi thế riêng
  • IMF rút ra 3 bài học từ khủng hoảng tài chính
  • Yahoo cũng vừa công bố doanh thu quý 2
  • Hãng hàng không Delta đạt lãi gần 470 triệu USD
  • BP kiếm được 7 tỷ USD nhờ bán tài sản cho Apache
  • Sáu bài học từ cuộc khủng hoảng
  • Tránh bẫy lừa từ ngoại quốc
  • Xung đột lợi ích
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com